Năm 2019, một năm đầy kịch tính với các cuộc chạy đua, chạy đua đưa Hiệp định EVFTA về đích, gỡ thẻ vàng EU, khống chế dịch tả lợn Châu Phi, không để nền kinh tế thiếu điện... 12 tháng căng thẳng, cho đến những ngày cuối cùng của năm, chưa có cuộc đua nào của Chính phủ có dấu hiệu hụt hơi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế, họ đều chia sẻ rằng quản trị một đất nước tới gần trăm triệu dân là vô cùng vất vả, nhất đối với một quốc gia có độ mở của nền kinh tế lên đến trên 200% GDP như Việt Nam, thì chỉ có một lựa chọn là giữ vững tinh thần để chạy đua.

Có những cuộc chạy đua mang đến rộn ràng niềm vui, niềm hứng khởi, nhưng cũng có những cuộc chạy đua thực sự là mướt mồ hôi mà quay đầu nhìn lại, cảm nhận rõ rệt nhất là... hú vía. Mở đầu năm 2019 đã song hành hai cuộc chạy đua với sắc thái ngược nhau như vậy. 

Không chỉ là tiếng "suông"

Tháng 2/2019, ngay sau một cái Tết hân hoan, no đủ với đa số người dân, thông tin Việt Nam trở thành địa điểm được lựa chọn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, khiến cả nước bao trùm trong bầu không khí tràn đầy háo hức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi khẳng định, "đây là một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới".

Vai trò và vị thế tăng trưởng, không chỉ là tiếng "suông" , trước hết, nhìn một cách thực tế, như ở Singapore, địa điểm được chọn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần một, với 15 triệu USD bỏ ra tổ chức Hội nghị này năm 2018, Đảo quốc Sư tử đã thu về khoảng 550 triệu USD, gấp hơn 35 lần. 

Đi cùng với đó là các cơ hội vàng, chẳng hạn như trong đón các làn sóng đầu tư. Chắc chắn rằng sự hấp dẫn của Việt Nam sẽ nhân lên gấp nhiều lần khi hình ảnh của cuộc hội nghị và những sự kiện liên quan xuất hiện trên hàng loạt các phương tiện truyền thông thế giới. Ông Donald Trump còn không tiếc lời ngợi ca về sự phát triển rất ấn tượng của Việt Nam.

Xuất khẩu Việt Nam cũng hứa hẹn nhiều khởi sắc hơn nữa khi trên thế giới hai tiếng Việt Nam được nhắc đi nhắc lại tần suất dầy đặc trong những ngày gắn với Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Với hàng nông sản, quả xoài của Việt Nam vừa chính thức được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau cả thập kỷ chờ đợi, trở thành loại quả thứ 6 của Việt Nam được gia nhập thị trường sang chảnh nhất thế giới này. 

Đáng chú ý là với ngành du lịch năm 2019 phấn đấu đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016-2020, thì chỉ với 3 ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều trong tháng 2 này, đã đón tới 3 nghìn nhà báo quốc tế, theo đó nhân lên hàng nghìn cơ hội quảng bá cho đất nước, con người Việt Nam...

Quả nhiên, khi kết thúc năm 2019, cả thu hút đầu tư, xuất khẩu và du lịch của Việt Nam đều đạt được những thành quả rực rỡ. Nhưng để tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, thực sự là cuộc chạy đua nghẹt thở. 

Chưa từng có sự kiện quốc tế nào mà Việt Nam chỉ có thời gian chuẩn bị ngắn như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Nếu như các hội nghị quốc tế khác đã từng tổ chức ở Việt Nam có hàng năm để chuẩn bị và có vài tháng để tập trung triển khai, thì với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ vỏn vẹn hơn 10 ngày. 

Đã có hơn 2.600 phóng viên quốc tế và 218 hãng thông tấn lớn đến đưa tin, số lượng phóng viên quốc tế vào Việt Nam trong cùng một thời điểm đông chưa từng có. Cũng trong thời gian ngắn chưa từng có là 5 ngày, Trung tâm báo chí quốc tế đã được hoàn thành với đầy đủ không gian, chỗ làm việc cho trên 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế, với công suất lớn nhất và hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại nhất.

Bão dịch "đẻ" ra bão giá

Cũng trong thời điểm mở đầu năm 2019, cuộc chạy đua khống chế dịch tả lợn châu Phi bắt đầu với những ngày tháng càng về sau càng gay cấn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phải chạy đua ứng phó với loại dịch bệnh này. Lúc đó, đã có trên 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi và 100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, trước biến đổi của khí hậu, dịch bệnh này càng lây lan rất nhanh. 

Chăn nuôi lợn chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam. Giá trị ngành nông nghiệp có khoảng 1 triệu tỷ đồng, thì riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 94 nghìn tỷ đồng, gần 10%. Thịt lợn chiếm tỉ trọng hơn 70% cơ cấu bữa ăn trong các gia đình Việt Nam và chăn nuôi lợn có thể giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ gia đình. 

Bởi vậy, cuộc chạy đua khống chế dịch bệnh này là cực kỳ căng thẳng. Chính phủ họp các địa phương và yêu cầu xây dựng kế hoạch, ứng phó, hơn 50 văn bản chỉ đạo đã được ban hành yêu cầu tất cả địa phương đều phải nỗ lực vào cuộc. 

Tháng 3/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo hội nghị toàn quốc về các giải pháp cấp bách không chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông gay gắt yêu cầu, "chống dịch phải như chống giặc, không quyết liệt thì chúng ta có ngăn chặn được không?".

Dẫn ra thực tế từ Trung Quốc là một nước bùng phát dịch này nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị đã nhanh chóng khống chế dịch được đến 90%, nhưng ở Việt Nam, dịch ban đầu chỉ từ 1, 2 địa phương, mà chỉ trong vòng một tháng đã lan ra đến 7 tỉnh, Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi tại sao dịch lại bùng phát từ 1 tỉnh, 2 tỉnh đến 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng cho dù đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch? Có hiện tượng người chăn nuôi che giấu dịch bệnh không? Thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra?...

Khi "cơn bão" dịch tả lợn ngừng quần thảo, đến những ngày cuối của năm 2019, đã có gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy vì nhiễm bệnh kéo theo cuộc chạy đua khác là chạy đua xử lý khủng hoảng bão giá thịt lợn, với nhiều tình huống dở khóc dở cười, như mô tả của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là ở nhiều nơi người chăn nuôi "cấm trại", nuôi con lợn to như con trâu để chờ giá lên cao hơn cho dù giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử! 

Ngành nông nghiệp lại phải đi khắp nơi để "dọa" người chăn nuôi đừng đưa lên cái giá quá cao kẻo không "gậy ông đập lưng ông". Bởi nếu giá quá cao, người tiêu dùng sẽ lựa chọn thực phẩm khác. Đồng thời, hàng hóa nơi khác tràn vào, lúc đó sẽ mất thị trường ngay trên sân nhà. Theo đó, những ngày chuẩn bị đón năm mới 2020, dấu hiệu tích cực dần xuất hiện trở lại.

Tiếp tục lên "dây cót"...

2 năm trước, nền kinh tế đón tin buồn khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Vì thế, trong suốt hai năm qua, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 100% container hải sản xuất khẩu từ nước bị "thẻ vàng" sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian có thể kéo dài 3-4 tuần/container, phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. 

Rủi ro nhất là tỷ lệ các container hàng bị từ chối, trả lại rất lớn, gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đến nay giảm mạnh.

Năm 2019 đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của EU sang Việt Nam đánh giá lại quá trình khắc phục khuyến nghị của EC về các chương trình hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Đợt kiểm tra lần này là cơ sở để EC dỡ bỏ hoặc tiếp tục duy trì cảnh báo "thẻ vàng", hoặc có thể áp dụng biện pháp cảnh cáo "thẻ đỏ" với thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang khu vực EU. 

Thực hiện cho được mục tiêu không bị EU "phạt thẻ đỏ", lấy lại "thẻ xanh" sớm nhất có thể và hướng đến phát triển bền vững ngành thủy, hải sản, Chính phủ xác định rõ năm 2019 là năm cao điểm trong chạy đua gấp rút cùng 29 địa phương gỡ "thẻ vàng".

Ban Chỉ đạo của Chính phủ dồn lực tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC. Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU. Tăng cường công tác quản lý tàu cá. Tăng cường các giải pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cơ bản ngăn chặn, giảm thiểu được tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, như các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên.

Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch tổng thể các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/12/2019. 

UBND các tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch, Phó Chủ tịch phát huy trách nhiệm, hành động quyết liệt hơn nữa, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp và lực lượng chức năng có liên quan nếu để tình trạng tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở các nước trong khu vực.

Ngày 19/12/2019, Uỷ ban châu Âu có công thư thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam. Theo đó, Đoàn thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và cảm ơn sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC, đặc biệt ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với quốc tế bao gồm sửa Luật Thủy sản, ban hành 2 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; gia nhập và có cách tiếp cận để triển khai Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc. 

Nhưng, cuộc chạy đua này còn phải tiếp tục vào năm 2020 khi Đoàn Thanh tra EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU trong 6 tháng tới trước khi ra quyết định có rút thẻ vàng hay không. Chính phủ cũng đã sẵn sàng lên "dây cót"...

Với hiệp định EVFTA, sau gần thập kỷ đàm phán, với quá nhiều phút giây hồi hộp và thậm chí có lúc tưởng như đã đứng bên bờ vực của đổ vỡ, cuối cùng, vào tháng 6/2019, EVFTA đã đến đích, thêm một lần nữa khẳng định vị trí số 1 của Việt Nam trong ASEAN về hội nhập kinh tế quốc tế.

"Đèn xanh" cho EVFTA chính thức được bật để Hiệp định này tiến thẳng vào Nghị viện châu Âu đúng dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công du châu Âu mùa thu năm 2018. Nhưng ngay cả khi đèn xanh đã bật, thì vẫn có các luồng dư luận cả trong nước và quốc tế cho rằng tương lai ký kết Hiệp định này còn ở một chân trời xa thẳm, khó đoán định.

EU là Liên minh của 28 nước, thủ tục nội bộ, pháp lý để ký các điều ước quốc tế không thể nhanh và đơn giản như đối với một quốc gia. Ủy ban châu Âu, với 28 Cao ủy, phải thông qua và trình Hiệp định lên Hội đồng EU. EU phải dịch ra ngôn ngữ của 28 nước thành viên, phải rà soát các văn bản dịch để bảo đảm không có xung đột pháp lý - ngôn ngữ giữa các văn bản. 

Cùng với đó, đây cũng là thời điểm EU dành ưu tiên cao nhất cho việc tập trung hoàn thành gấp các thủ tục nội bộ đối với Thỏa thuận Brexit (về việc Anh rời EU) với nhiều biến động ngoài dự kiến; đây còn là lúc cuối nhiệm kỳ 2014 - 2019, có trên 30 văn bản phải kết thúc thủ tục nội bộ để Nghị viện châu Âu thông qua trước kỳ bầu cử tháng 5/2019...

Đón trước những khó khăn này, Việt Nam đã dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với 2 Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Công tác vận động được tiến hành đồng bộ tại Hà Nội, tại thủ đô các nước thành viên EU, tại các hội nghị quốc tế, ở tất cả các cấp, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ cấp cao. 

Tại chặng đường cuối cùng, vào tháng 4/2019, nối vào chuyến công du tới châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech, hai quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó, Romania đang là Chủ tịch luân phiên EU.

Đáp lại sự chân thành của lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo các nước EU không nói suông, hứa suông. Ngày 25/6/2019, tại cuộc họp Hội đồng, các nước EU đã chính thức thông qua cả 2 Hiệp định này. Ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, diễn ra lễ ký EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) giữa Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên gay gắt, Hiệp định EVFTA như một biểu tượng về tự do giao thương, hòa bình, hợp tác cùng đi tới thịnh vượng.

Dù vậy, như nhìn nhận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. 

Để 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực, mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp hai bên, còn phải chờ Nghị viện châu Âu, Nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sớm phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA. 

Việt Nam sẽ ban hành "Chương trình hành động quốc gia" thực hiện 2 Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường.

"Thời đại nào rồi?"

Một cuộc chạy đua mang tính "kinh điển" của năm 2019 không thể không kể đến là chạy đua không để thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tháng 12/2018, chủ trì cuộc họp thường kỳ Chính phủ, gay gắt về việc Tập đoàn Điện lực "dọa" năm 2019 sẽ cắt điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương không được để thiếu điện và cương quyết xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ nếu xảy ra tình trạng mất điện. 

"Bây giờ cứ nói trên báo chí, chuẩn bị cắt điện dịp này dịp khác. Tôi đã khẳng định rất nhiều lần rồi, nếu như mất điện, một số người sẽ mất chức. Khẳng định như vậy để thấy thái độ cương quyết trong đảm bảo nguồn cung năng lượng cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân", Thủ tướng nói, "Bộ Công Thương, EVN chỉ đạo thế nào về vấn đề này? Sao cứ đe dọa cắt điện dịp này, dịp khác? Trách nhiệm để đâu mà tuyên bố như vậy?".

Thời điểm đó, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) rầm rộ báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng việc thiếu điện, một số lãnh đạo của Tập đoàn này cũng rất hăng hái tuyên truyền mang đến bầu không khí khá căng thẳng cho cả nền kinh tế. EVN quả quyết về khả năng phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019. Thủ tướng nhấn mạnh, "không thể để Bộ Công Thương hay EVN thông báo là cắt điện. Thời đại nào rồi mà còn để mất điện?".

Nhiều cuộc họp của Thường trực Chính phủ trong năm 2019 để chỉ đạo, kết luận, có thông báo chi tiết, thống nhất nhiều giải pháp căn cơ cho ngắn hạn và dài hạn với yêu cầu càng đầu không được để thiếu điện. Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than khoáng sản (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN) cùng bắt chặt tay, gánh trách nhiệm đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi hoàn cảnh, không được để thiếu điện đối với sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống nhân dân. 

EVN có trách nhiệm chủ lực trong việc bảo đảm điện. Các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải có trách nhiệm tham gia tích cực đầu tư các công trình nguồn điện. Trong vấn đề bảo đảm điện phải quy trách nhiệm cụ thể; không thể chung chung. Bộ Công Thương, EVN phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân trong việc bảo đảm đủ điện.

Sau rất nhiều chỉ đạo gay gắt của Thủ tướng, hiệu quả thấy ngay là tình hình cung ứng điện đã được cải thiện rất rõ, ít nhất là người dân cũng không còn cảnh nơm nớp lo ngành điện có thể cúp điện bất kỳ lúc nào, kể cả vào thời kỳ cao điểm nhất là cuối tháng 6 năm 2019, nắng nóng gia tăng ở các tỉnh phía Đông Bắc bộ và kéo dài ở Trung bộ làm tình hình tiêu thụ điện ở mức rất cao. 

Kết quả cả năm 2019, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 11% so với năm 2018. Ngày càng biết sợ khi cúp điện của dân, tin mừng đã đến với EVN là không có "anh" nào của EVN bị mất chức vì để thiếu điện.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phát triển điện phải đi trước một bước, điện có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân. Cần rà soát lại chỉ tiêu phấn đấu của ngành năm 2020 với tinh thần tiến công, đội ngũ gần 100.000 người lao động của EVN xác định rõ tinh thần làm việc quyết liệt để năm 2020 và các năm tiếp theo có nguồn điện, lưới điện tốt. Trong lúc hạn hán, thiếu 

nước ở miền Bắc, miền Trung, hạn hán ở miền Nam thì EVN càng phải thể hiện vai trò chủ đạo, nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện, vận hành an toàn hệ thống điện. Có phương án ứng phó tình hình khô hạn, nắng nóng là lúc nhu cầu điện tăng cao...

Ông nhấn mạnh, "phải bảo đảm chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Đây là một mệnh lệnh".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top