Báo cáo tình hình tai nạn giao thông tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, năm 2019, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 939 vụ, số người chết giảm 587 người.
Tai nạn giao thông đường bộ giảm cả ba tiêu chí, với mức giảm trên 5%; tai nạn giao thông đường sắt tăng hai tiêu chí trong đó số vụ tăng 6,99%, số người chết tăng 9,57%.
Tai nạn giao thông đường thủy giảm hai tiêu chí về số vụ, số người chết, với mức giảm lần lượt là 17,5% và 33,33% nhưng số người bị thương tăng 125%; Tai nạn giao thông hàng hải tăng 10 người chết và mất tích.
Đáng lưu ý, lĩnh vực hàng không dân dụng đã xảy ra 95 sự cố, so với năm 2018 tăng 7 sự cố, tương ứng với mức tăng gần 8%.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, trong năm qua, ngành hàng không dân dụng Việt Nam chứng kiến hàng loạt sự cố gây "thót tim" với hành khách.
Đơn cử như vụ máy bay của Vietnam Airlines suýt hạ cánh mà không bung càng tại Melbourne (Australia). Đây được đánh giá là một sự cố nghiêm trọng, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn. Rất may, bộ phận không lưu tại sân bay Melbourne đã phát hiện và thông báo kịp thời cho phi công để xử lý tình huống, thực hiện hạ cánh lại an toàn.
Thời điểm đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra là liệu có phải phi công quên hạ càng? Cục Hàng không Úc khi đó đã giữ hai phi công Việt Nam để điều tra vụ việc.
Vụ việc thứ hai là máy bay của T'way Air (Hàn Quốc) va chạm mạnh với vật thể lạ gây móp, vỡ phần mũi lúc đang tiếp cận hạ cánh ở độ cao 600m tại sân bay Tân Sơn Nhất. Kiểm tra sau đó cho thấy phần bị hư hại không có vết máu hay lông chim trời nên nghi vấn đặt ra là máy bay đã va chạm với phương tiện bay không người lái như đã từng xảy ra tại sân bay Đà Nẵng.
Sự cố tại Melbourne hay sự cố của T'way Air tại Tân Sơn Nhất và cả hàng chục những sự cố đang ngày càng gia tăng như một hồi chuông báo động cho ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh hạ tầng hàng không, nhân lực quản lý, giám sát an toàn đang quá tải, trong khi lại có hàng loạt hãng bay mới đang trong giai đoạn chuẩn bị chào đời.
Chuyên gia hàng không, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống trong một cuộc trao đổi với VnEconomy nói rằng, nếu chỉ chăm chăm cấp phép bay mà không giải bài toán hạ tầng sớm sẽ tạo thành cuộc đua xuống đáy của các hãng hàng không. Tình trạng quá tải sẽ quá tải thêm và áp lực quản lý ở sân bay tăng theo.
"Để cạnh tranh hành khách, số chuyến bay ở mỗi sân bay được lên kế hoạch nhiều hơn nhu cầu của hành khách nên tình trạng mua bán gian lận slot có thể xãy ra. Số lượng chuyến bay giờ cao điểm có thể vượt khả năng điều hành không lưu và đe dọa an toàn bay. Việc điều hành không lưu ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài càng phức tạp hơn", ông Tống nói.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng khẳng định, tăng trưởng ngành hàng không vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tăng trưởng thời gian qua tạo ra thị trường hàng không lành mạnh, có cạnh tranh, mang lợi ích cho hành khách về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ nâng cao.
"Tăng trưởng đi đôi với công tác đảm bảo an ninh giữ vững. Năm 2020 là bước sang năm 24 đảm bảo an toàn tuyệt đối không có tai nạn máy bay gây thiệt hại về người, không có vụ việc nào nghiêm trọng về an ninh hàng không. Không nhiều quốc gia có chỉ số tốt này. Công tác quản lý nhà nước được đảm bảo, hàng không vẫn làm ăn có lãi phát triển tốt", ông Thắng nhấn mạnh.
Post a Comment