Ở các nước, người ta phát triển những thuốc mà khi cho những kẻ bệnh hoạn thì sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em, Việt Nam cũng có thể làm được.

Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã đề nghị như vậy khi đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em, chiều 15/1.

Tại đây, nhiều ý kiến băn khoăn về tính chính xác của số liệu vụ việc xâm hại trẻ em, và nói như Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì qua giám sát tại nhiều địa phương, số vụ được thống kê cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Nhưng phần nổi này, qua báo cáo tổng hợp của tổ giúp việc cho đoàn giám sát cũng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục.

Giai đoạn 2015 - 30/6/2019, toàn quốc phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, chủ yếu là xâm hại tình dục gồm 6.337 vụ với 6.432 trẻ em bị xâm hại, chiếm 81,3% tổng số vụ xâm hại trẻ em và chiếm 79,5% tổng số trẻ em bị xâm hại.

Nhiều tỉnh, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí gần 100%, như: Cần Thơ 98,8%, Hậu Giang 95,8%, Kiên Giang 95,5%, Bến Tre 94,6%, Đồng Nai 94,2%...

Các hành vi xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức đều để lại hậu quả vô cùng nặng nề, nghiêm trọng. Cụ thể, số trẻ em tử vong là 100 em, bị thương tật là 199 em, bị rối loạn tâm thần là 51 em, có thai do bị xâm hại tình dục là 251 em, phải bỏ học là 251 em, bị tác động khác về thể chất, tinh thần là 6.969 em.

Về đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thì đối tượng là người quen, hàng xóm của trẻ em chiếm 59,4%. Đối tượng là người thân trong gia đình chiếm 21,3% (trong đó, bố đẻ là 5,73%, bố dượng là 5,07%, ông nội, ông ngoại, cậu, chú, người thân khác trong gia đình là 10,5%). Đối tượng là giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục: chiếm 6,15%.  Đối tượng là người lạ chỉ chiếm 12,6%.

Thống kê này, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh là chưa đầy đủ.

Vì, báo cáo mới liệt kê các đối tượng người nhà, người quen, hàng xóm, giáo viên, các cơ sở giáo dục… nhưng thực tế có cả đối tượng cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ công an, kể cả bí thư đoàn thanh niên, bí thư chi bộ xâm hại trẻ em.

"Những đối tượng này, dù ít nhưng chúng ta vẫn phải đưa vào báo cáo, để thấy được sự kinh khủng về sự tha hoá, xuống cấp trong đội ngũ cán bộ, từ đó chấn chỉnh việc này, đó là sự thực để xã hội nhìn nhận cho đúng, không nên vì sợ xấu hổ mà phải giấu diếm", bà Khánh nêu quan điểm.

Về giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em, đại biểu Khánh cho rằng cần kiên trì mục tiêu tăng chế tài một cách quyết liệt và cần ứng dụng khoa học công nghệ. Thứ nhất là cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em. Cần có dữ liệu này để ai cũng biết, kể cả những kẻ xâm hại trẻ em được nêu tên ở đó, nếu trích xuất ra trong nước, quốc tế đều biết. "Những kẻ đó đi đâu, người ta nhìn thấy cái mặt đó là tránh xa" bà Khánh phân tích.

Một giải pháp nữa bà Khánh cho biết là đã nêu nhưng chưa được tiếp thu vào dự thảo báo cáo, đó là tiêm thuốc để triệt tiêu ý nghĩ xâm hại trẻ em.

Ở các nước, người ta phát triển những loại thuốc mà khi tiêm thuốc này cho những kẻ bệnh hoạn, sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em của họ.

"Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao cho Bộ y tế và Viện khoa học công nghệ Việt Nam. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba ông là xã hội trật tự ngay, không có chuyện nhìn ngó đến phụ nữ, trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội", bà Khánh nói.

Một vấn đề nữa cũng được đại biểu Khánh đề cập là nguồn lực cho phòng chống xâm hại trẻ em theo bà là đang "bí quá".

Theo báo cáo của tổ giúp việc thì nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được bố trí lồng ghép trong các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, không chi tiết các nhiệm vụ, do đó không tổng hợp được số liệu kinh phí bố trí riêng cho nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em.

 Kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tuy tăng hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy có chương trình, đề án dành cho trẻ em, nhưng nguồn kinh phí bố trí rất thấp. Chưa có nguồn ngân sách tăng cường để giải quyết những vấn đề nóng (bạo lực, xâm hại tình dục, đuối nước). Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án dành cho trẻ em, bố trí ngân sách chi thường xuyên ở mức thấp, rút bớt ngân sách địa phương khi có ngân sách trung ương hỗ trợ.

Nhiều tỉnh, thành phố không bố trí kinh phí riêng cho công tác trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em hoặc có những năm bố trí kinh phí thấp hoặc thậm chí có năm không bố trí kinh phí.

Chính phủ cần chỉ đạo để tổng hợp được kinh phí đã dành cho phòng chống xâm hại trẻ em, chứ như thế này đọc lên rất là bí, bà Khánh phát biểu. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top