Có câu: “Nước sâu thì chảy chậm, mà lời nói chậm là lời của quý nhân, người không tức giận ấy không phải người đần mà là người khôn đại trí”. Lời giận trong lòng không nói ra cũng chẳng phải do khiếp sợ, mà là người biết suy trước nghĩ sau, tâm điềm ý đạm, tứ bề giữ ý người khác.
Đạo lý làm người cũng lại cần như thế, ngoài phải cứng trong phải mềm, có như vậy mới có thể sống được vui trọn kiếp người.
Răng thì cứng lưỡi thì mềm, nhưng đời người nào quá trăm năm, răng kia sớm rụng, lưỡi còn như nguyên.
Tôi có cô bạn, một hôm đang lúc làm việc bị sếp gọi vào nói chuyện, cho rằng cô ấy có lẽ không thích hợp với công việc của công ty. Về nhà chiến tranh lạnh với chồng mấy hôm, sau cùng tức giận đến công ty viết đơn từ chức. Cô ấy bảo càng nghĩ càng bực, càng nghĩ càng buồn, con cái không hiểu chuyện, bố mẹ cũng không hiểu ý, cuộc sống qua ngày thật tệ hại.
Tôi hỏi cô ấy: “Cuộc sống không như mong muốn, cậu đã khi nào nghĩ là vấn đề nằm ở chính mình chưa?”.
Cô ấy đáp: “Tớ thì có vấn đề gì chứ? Tính khí nóng nảy cũng do bị ép mà ra. Mỗi ngày tớ phải làm bao nhiêu là việc nhà, lại còn đi làm, mệt chết đi được vậy mà không ai thấu hiểu cho tớ”.
Nói đến đây tôi đã phần nào hiểu ra câu chuyện, đâu là nguyên nhân khiến cuộc sống của cô ấy trở nên ngột ngạt như vậy. Làm người mà tính khí nóng nảy thì ắt giảm phúc phận. Làm người thì giận quá mất khôn, người có tính khí nóng giận thường hay chỉ nhìn thấy điểm xấu của người khác mà ít nhận ra điểm tốt của người khác. Bản thân lại chẳng mấy khi chịu nhìn nhận lại mình. Người như vậy sẽ khó mà biết đủ, khó mà hạnh phúc được.
Người thì có thất tình lục dục thế nên đôi lúc tức giận cũng là điều khó tránh khỏi. Nhưng người có trí tuệ là người khi tức giận biết tìm nguyên do ở chính mình mà bình lặng giải thoát nó chứ không tìm lỗi ở người khác. Người có làm được như vậy mới không khiến bản thân rơi vào vòng xoáy của năng lượng tiêu cực.
Thực tế trớ trêu là con người lại thường hay đem sự nhã nhặn, thái độ tốt đẹp đối xử cho người lạ còn với người thân thích thì lại đa phần là sự hờn trách khó chịu. Kỳ thực đây chính là những hành vi ngốc nghếch nhất, yếu đuối nhất. Khi một người tức giận cũng chính là lúc thể hiện sự bất lực của chính mình.
Khi chúng ta đem sự tức giận, khó chịu cho những người quan tâm mình, thì sự việc cũng chẳng khá hơn mà ngược lại, những lời sắc bén đó lại chỉ có thể làm tổn thương những người yêu thương ta mà thôi.
Nóng giận đến, phúc khí đi, đó là quy luật bất biến. Người muốn giữ phúc khí ắt phải biết không chế cơn giận giữ mình trước.
Tôi còn nhớ khu tôi ở xưa kia có hai cụ bà tuổi đều ngoài 70 nhưng tâm tính hoàn toàn trái ngược. Một người khuôn mặt phúc hậu từ bi, làm người đối nhân xử thế đều mềm mỏng, nhu hòa. Trong ký ức của tôi, tôi chưa hề thấy cụ tức giận bao giờ, cũng không khi nào lớn tiếng tranh chấp với ai. Xóm trên ngõ dưới mỗi khi nhắc đến cụ đều hết mực tán dương cụ là người có giáo dưỡng, cuộc đời của cụ cũng vì thế mà luôn được vui tươi an lạc.
Cụ còn lại thì lại hoàn toàn trái ngược, luôn nhìn người bằng mắt xiếc đá quanh, gặp người khác là luôn oán con trách cháu đối xử với mình không tốt. Cuộc sống của cụ đúng là toàn trải qua trong những tháng ngày tâm buồn ý nản, chẳng mấy khi thấy cụ được yên vui. Cụ nhìn ai cũng chẳng thấy thuận mắt ưng lòng, dường như cả thế gian ai cũng nợ cụ một lời xin lỗi, chẳng ai dám gần gũi cụ. Ngay cả con cái, người thân của cụ cũng ít khi lai vãng tới, cuộc sống của cụ đúng là ngày một lẻ loi.
Cuộc sống của người trưởng thành không có hai từ dễ dàng.
Trong cuộc sống, ai cũng phải đối diện với những việc không vui, những việc đáng giận, đáng bực mình. Tuy nhiên cuộc sống là của chính mình, chúng ta dùng tâm thái như thế nào để đối đãi cuộc sống thì cuộc sống cũng lại trả ta thế đó. Thế nên cuộc sống của chính mình, do mình quyết định, tốt xấu khác nhau từ một niệm mà ra. Người thực sự thông minh là người sẽ không khi nào tức giận với người khác.
Làm người thì phải biết nhìn vào cuộc sống chân thực của chính mình, tìm lỗi của người khác không bằng tìm lỗi của chính mình. Thay vì đi để ý đến sai lầm của người khác thì hãy tìm sự bao dung của chính chúng ta. Có như vậy mới không khiến cuộc sống chúng ta đi vào bế tắc.
Có câu: Người thượng đẳng có năng lực không tức giận, người trung đẳng có năng lực có tức giận, người hạ đẳng không năng lực, có tức giận. Tâm thái quyết định trạng thái, thế nên tâm thái của bạn quyết định cuộc sống của bạn.
Nhân sinh tại thế sống một đời, người thời ý nghĩa, kẻ thời uổng công. Khi chúng ta có thể sống trong tu dưỡng, không ngừng tự xét bản thân, dần dần sẽ phát hiện rằng mềm mỏng luôn luôn thắng cứng rắn, tức giận không có trong từ điển của người thông minh.
Post a Comment