Hiện nay, cả nhân loại chúng ta đang đau đầu đối phó với dịch bệnh virus corona. 

Thời điểm đầu thế kỷ 19 có nhiều tai họa tương tự như hiện nay. Dịch bệnh bùng phát ra sao, ảnh hưởng gì trong quá khứ, tác động ra sao đến dòng lịch sử mà chúng ta đang kế thừa? Âu cũng là một dịp để nhìn lại.

Nước Việt của vua Gia Long đã nghi nhận thiệt hại có tới 206.835 ca tử vong vì dịch bệnh. Để khắc phục hậu quả, triều đình Huế đã xuất công quỹ 730.000 quan tiền để phát chẩn, mai táng.

Dân số Việt Nam vào lúc đó có khoảng 10 triệu, tính ra tổng số thiệt hại nhân mạng là 4%, một con số chóng mặt, ngay cả với dân số 90 triệu như bây giờ.

Song hiện tại chiúng ta có rất ít tư liệu về dịch bệnh thế kỷ trước. 

Đại Nam thục lục chép sơ lược :

Giáp tuất, Gia Long năm thứ 13 [1814]

Quảng Đức có dịch. Sai dinh thần lập sở dưỡng tế ở Thế Lại (tên xã) cho người ốm ở, nhà nước cấp cho tiền gạo thuốc thang. Người chết thì cho tiền và vải để chôn (tiền 1 quan, vải 10 thước).

Định lệ thuế bách công. Mỗi năm mỗi người nộp 1 quan 5 tiền, vải trắng 2 tấm. Người nào ứng dịch ở Kinh thì miễn.

Năm này, vợ vua Gia Long là”hoàng hậu Tống thị băng, thọ 54 tuổi.“Song sử không nghi rõ chết vì nguyên nhân gì.

Người Âu tại Việt Nam thế kỷ 19

Image captionNgười Âu tại Việt Nam thế kỷ 19

Ất hợi, Gia Long năm thứ 14 [1815] có hiện tượng người chết vô gia cư, người ốm bị xua đuổi. Hiện tượng này có phải tương tự như hiện nay, dân các vùng dịch sợ hãi chạy khỏi các ổ dịch và bị dân các vùng khác xua đuổi?

Vua Gia Long đã ra dụ rằng: “Nuôi dân như nuôi con là việc đầu của vương giả phát chính thi nhân. Trẫm thường lấy lòng thương người mà làm chính sách thương người, mong xa gần đều thông đức hóa, phong tục trở nên thuần hậu. Gần đây nghe có người đau ốm giữa đường, dân sở tại đã không nhận nuôi lại còn ruồng đuổi, chẳng chút lòng thương xót giúp nhau, phong tục ấy rất là bạc bẽo. Từ nay quân dân đi đường có người đau ốm thì chủ quản ở làng xóm đều phải tùy tiện bảo dưỡng, không được ruồng đuổi, mỗi ngày nuôi dưỡng bao nhiêu, nhà nước trả tiền, chết thì cấp tiền chôn cất, để cho kẻ còn người mất đều được nhờ ơn, không một ai phải bơ vơ thất sở. (Cấp tiền nuôi dân và quân mỗi ngày 30 đồng; cấp tiền chôn quân 3 quan, dân 1 quan). 

Triều đình phải lập bệnh viện, nhà dưỡng tế, quan trấn thủ kinh thànhphó tướng quân Chấn Võ là Trần Văn Tín chết, song không phải tại trận tiền mà ở kinh thành, có phải tử vong vì liên quan nạn dịch? 

Ngày nay, có các ý kiến lo ngại dịch Covid-19 kéo dài sẽ khiến kinh tế nhiều nước bị suy thoái, thất nghiệp cao, căng thẳng xã hội dẫn tới xung đột, bạo loạn.

Năm đó, ở Việt Nam, nạn cướp bóc, nổi dậy xuất hiện ở nhiều nơi:

Thổ phỉ Cao Bằng là Nông Văn Nho hợp đảng sang ăn cướp châu Quy Thuận nước Thanh. Thanh Hoa giặc nổi, cướp bóc các hạt Vĩnh Lộc, Yên Định. Thổ phỉ ở Thái Nguyên đánh cướp Võ Nhai.

Hạ lệnh cho các phủ lỵ ở Bắc Thành đều chiếu theo số binh mà trữ hai tháng lương để chi dùng khi có việc.”

Dịch từ Ấn Độ sang 

Tôi tìm lại các sách sử của Pháp thấy họ nhắc tới đại dịch lúc đó gọi là “Typhus Amaril“, vào năm 1816 đã càn quét Ấn Độ.

Vua Gia Long mất ngày 2/3/1820, thọ 58 tuổi. Xuất thân võ tướng, nếm mật nằm gai, môi trường rèn luyện cơ thể dẻo dai, thường thấy ở hiện tượng các tướng lĩnh đều rất thọ. 

Vậy cái chết của vua Gia Long trùng vào thời điểm này có phải vì dịch bệnh? Đây là một nghi vấn chúng ta cần xem xét.

Thi hào Nguyễn Du cũng ra đi vào năm 1820, khi mới chỉ 54 tuổi.

Vị vua mới đã có các chính sách cứu trợ, hoãn bắt lính, khoan sức dân.

Đại Nam Thực lục ghi lại Dụ của vua Minh Mạng: 

Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương. Phàm lính là để giữ nước, vẫn không thể thiếu được, mà đạo nuôi dân cũng nên rộng rãi. Vậy thông dụ cho ở Kinh và các thành dinh trấn phàm việc sung điền binh đinh trốn và chết đều hoãn lại, đợi sau khi lệ khí yên rồi sẽ bắt cũng chưa muộn.

Hữu Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền. 

Các bác sĩ Pháp vào đầu thế kỷ 19, là Pierre Lefort, Jean Guyon, Nicolas-Pierre Gilbert, Antoine Dalmas, từ năm 1818 đã tìm kiếm nguồn gốc của căn bệnh này, sau đó được gọi là “bệnh Siam” (bệnh sốt Thái lan).

Đông Dương bị rất nặng sốt xuất huyết, người bệnh nôn ra máu đen, mà còn bệnh sốt vàng da, có thể là thêm bệnh viêm gan siêu vi trùng, hay chỉ là một?

Tranh dân gian Việt Nam trong sách của Henri Oger, Pháp, 1909
Tranh dân gian Việt Nam trong sách của Henri Oger, Pháp, 1909: Thầy cúng trừ tà để chữa bệnh

Dịch Typhus Amaril xuất hiện từ năm 1648 ở Yucatan (Mexico), được đề cập dưới thuật ngữ nôn mửa (nôn ra máu – đen – hoặc xuất huyết).

“Sốt vàng da” đã chặn quốc tiến viễn chinh của Pháp qua qua kênh đào Panama (từ 1881 -1889, đã có hơn 22.000 công nhân xây dựng ở đây thiệt mạng. 

Tội ác của “bệnh Siam”, “Typhus Amaril” rất nặng.

1793, ở Philadelphia, khoảng 5.000 người chết, bằng 10% dân số.

1805, 1/3 dân số Gibraltar chết.

1821, tại Barcelona, 20.000 người chết theo một số ước tính.

1878, ở Mississippi 13.000 người chết.

Cần lưu ý là mặc dù đã có vaccine, dịch này đến nay vẫn hoành hành.

Dịch tễ gia Max Theiler nhận giải Nobel 1951 nhờ tìm ra vaccine chống ‘sốt vàng da” (yello fever), song các năm1960-1962, tại Ethiopia, đại dịch sốt vàng da đã làm 30.000 người chết. 

Đại dịch virus corona khi nào mới hết?

Năm 1965, tại Sénégal có hàng trăm trường hợp tử vong. Năm 2010 chỉ riêng châu Phi và Nam Mỹ có tới 60 000 người chết.

Trước một chuyến đi làm việc tại châu Phi, tôi phải tiêm 300 euro vaccine chích ngừa trước khi rời Paris vì thời nay dịch bệnh vẫn còn bên đó.

Sử chỉ viết dịch từ Ấn Độ sang Hà Tiên rồi lây lan ngược lên phía Bắc của vương quốc của vua Gia Long thời ấy.

Ai là những ‘tác nhân’ đem dịch tới? Chắc chắn là bằng đường biển – như hàng không, tàu cruise ship ngày nay – nhưng có phải là những quân nhân người Âu từng phục vụ vua Gia Long?

Cần ghi lại các câu chuyện ‘thời đại’

Nhân đây, tôi muốn kể về một người Đài Loan có tâm với văn hóa Việt Nam để bổ sung thêm một nguồn tư liệu nữa về dịch bệnh và để nói rằng vào những những thời điểm đất trời chuyển mình thế này, người ta cần sống với giá trị gì.

Câu chuyện trở lại với anh Hứa Xán Hoàng (anh Cao) trong bài tôi đã đăng trên trang BBC News Tiếng Việt về “hình ảnh rồng Lạc Long Quân”.

Anh Cao có những trang sách chép về dịch bệnh thế kỷ 19, sưu tầm những bài thuốc, những tục lệ, bùa chú, lễ khấn cầu dân gian Việt Nam thường làm mỗi khi có dịch. 

Ảnh ông Hứa Xán Hoàng, nhà sưu tập sách cổ Việt Nam hiện sống ở Đài LoanImage captionẢnh ông Hứa Xán Hoàng, nhà sưu tập sách cổ Việt Nam hiện sống ở Đài Loan

Chúng ta hiện rất thiếu những tư liệu nói về những sự việc kể trên.

Thiết nghĩ nhân loại nói chung học được từ những sự vấp ngã nhiều hơn từ tiếng kèn khải hoàn, băng cờ chiến thắng, đỉnh cao sáng rực, nên việc xử lý những gì bài học của tiền nhân là trách nhiệm lương tâm.

Năm 1992, anh Hứa Xán Hoàng, thương nhân Đài Loan này sang Việt Nam ôm mộng làm giàu nhưng rồi “giác ngộ” về văn hóa, lịch sử Việt và bỏ công sưu tầm.

Đến nay anh sở hữu một khối lượng không nhỏ sắc phong, chỉ dụ, văn bản gồm đủ các dấu triện: Mạnh Đức chi bảo, Chế cáo chi bảo,Thảo tội an dân chi bảo, Sắc chinh vạn dân chi bảo, Quốc gia tín bảo, Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành…nghĩa là đủ thứ chuyện từ thăng thưởng các hoàng thân, đại thần từ tước công hầu trở lên, thăng thụ từ tước hầu trở xuống, sai binh khiển tướng, răn dạy thần dân…

Một phần câu chuyện về đại dịch thời Gia Long tôi kể trên là có được từ cảm hứng khi gặp anh.

Anh Cao trao đổi với tôi:

Khi mới đến Việt Nam, tôi như bị một dạng trầm cảm, vì vừa làm ăn thua lỗ ở Đài Loan. Tôi thường ghé chùa Giác Lâm trên đường Lạc Long Quân, có cây bồ đề tuổi đời ba, bốn trăm năm, gốc cây phải mấy người ôm mới trọn. Trong chùa có hai kệ sách để Kinh Phật cổ, tôi thường lấy ra đọc.

Tôi thích ngôi chùa  đến đó cảm thấy được tĩnh lặng và từ đây, tôi lĩnh ngộ ra được đạo lý.

Mấy hôm nayanh nhà báo  nhắc về chữ Tâm, làm gì cũng phải bằng trái tim của mình.

Nhưng Tâm thì ở đâu? Tim là cái gì?

Những người bình thường nghĩ rằng là, tâm chỉ cần nghĩ thôi.

Thật ra không phải là như thế. Nếu bạn chỉ nghĩ thôi, bạn không biết nói ra thành lời, bạn không làm, bạn không hành động thì trái tim cũng như không có. Như vậy là nếu có tâm, cái nơi gần tâm nhất là phải nghĩ, phải tư duy và phải biết biểu đạt và phải làm.

Tôi là một người sưu tập, tôi đã làm, tôi cũng đã nghĩ và tôi cũng biết nói ra để cho bạn nghe đó là cách tôi dùng tâm chăm chỉ.

Ngôi chùa Giác Lâm đã ảnh hưởng lớn nhất đến tôi chính ở điểm này.

Trong chùa có hai câu đối. Câu đôi bên trái có một chữ chân như chân thật (左丿為真). Câu đôi bên phải có một chữ chính như chân chính (右\為正).

Chữ chân và chữ chính này, tôi không hiểu ý nghĩa là gì.Tôi đã đọc rất nhiều lần nhưng mà không đoán ra, (Tả丿-vi chân, Hữu\-vi chính).

Sau đó có một hôm, tôi nghĩ ra, đôi chữ này có ý nghĩa như thế nào.

Hai nét phải  bên trái của câu đối (丿\), ghép lại thành chữ 人 –Nhân. Vậy làm người cần có hai điều, thứ nhất là’ Thật’, thứ hai là ‘Chính’.

Chính người Việt Nam dạy tôi, làm người là phải thật và phải chính. Anh Phong có hỏi tôi làm sao có duyên với Việt Nam thì chính từ chùa này, cũng chính từ trái tim tôi .

Xem ảnh anh Cao đi giảng kinh nghiệm điền dã về Việt Nam tại nhiều trường Đại Học Đài Loan, Trường Trung Sơn, Trung Quốc, hoặc hợp tác khai thác những thư tịch cổ, sách thuốc Việt Nam với các giáo sư Nhật, Mỹ, Hàn quốc, tôi thấy buồn.

Ông Nguyễn Tuấn Cương, Viện trưởng Viện Hán Nôm Việt đánh giá:

 Sưu tầm của ông Hứa Xán Hoàng vượt xa tất cả những tài liệu có trong thư viện Yenching của Đại học Harvard, Học viện Viễn Đông của Pháp, Toyo Bunko của Nhật, Đại học Leiden của Hà Lan cộng lại.”

Chính phủ Việt Nam có nên tặng Hứa Xán Hoàng một chiếc huy chương Lao động cho 20 năm đẹp nhất cuộc đời ông đã âm thầm hy sinh cho chúng ta?

Thời gian, giặc giã, con người, thành kiến và dốt nát đã triệt phá gần hết kho tàng văn hóa của tiền nhân, mà ngay thời cận đại chúng ta cũng đã mất nhiều.

Việt Nam 200 trăm năm trước tưởng chừng là một ốc đảo thanh bình, cuộc nội chiến Nguyễn –Tây Sơn đang dần dần lành vết thương, cũng không thoát được cuộc lưỡi hái của thần chết, dịch bệnh. 

Chiến tranh, bệnh dịch luôn là một phần của trào lưu quốc tế, liên kết Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, Việt Nam với cả những hòn đảo xa xôi giữa đại dương như vùng biển Caribbean.

Ngày nay toàn cầu hóa làm dịch đi nhanh hơn, chúng ta đang tập trung tuyên truyền ‘thành tích’ ghi điểm cho quan chức, rồi nhà nhà ‘thi đua từ thiện’, mà quên phần mất mát, đau thương?

Nguyễn Du ra đi để lại câu giã biệt “Ba trăm năm nữa ai người khóc Tố Như?“ 

Câu chuyện anh Hứa Xán Hoàng sưu tầm sách, thư tịch cổ Việt Nam trong lặng lẽ cũng như vậy. 

Ngày mai, ai là người khóc cho chúng ta?

Albert Camus viết ‘Dịch hạch’, tác phẩm ghi lại một thời đen tối của châu Âu giữa thế kỷ 20, giờ đây có ai ở Việt Nam cầm bút để ghi lại nỗi đau nhân loại ngày hôm nay?

Tôi chỉ hỏi, các bạn tìm câu trả lời. 

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do tại Paris, Pháp.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52229065

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top