Tôi học xong lớp 12 thì đi bộ đội, sau đó về nhà làm phụ công việc buôn bán của gia đình.

Tôi lấy vợ cùng quê nhưng làm ở thành phố. Lúc lấy vợ, nhà tôi mở cơ sở kinh doanh để hai vợ chồng tôi ổn định. Vợ tôi xin nghỉ việc ở thành phố về sống chung. Ba tôi gia trưởng, nói hai vợ chồng tự làm ăn, không được quyết định bất cứ điều gì, bởi vậy vợ chồng tôi vào lại thành phố lập nghiệp. Vợ tôi xin được công việc ổn định, đãi ngộ tốt. Tôi xin làm giao hàng, công việc bấp bênh, nhưng tôi cố gắng chạy thêm xe ôm công nghệ cũng được một chút.

Hai năm sau, vợ tôi sinh bé. Vì ông bà ngoại già yếu nên vợ chồng tôi về nội sống. Ba mẹ tôi nói "thôi về đây làm ăn, ba mẹ cho". Lúc đó tôi khuyên vợ ở quê làm ăn nuôi con cho tốt. Khi bé đầy tháng, vợ chồng tôi xin ra riêng thì bố mẹ tôi không cho, nói ráng để 3 tháng rồi đi. Vợ tôi không thích lắm nhưng tôi khuyên nên cũng bằng lòng. Khi bé được 2 tháng, vợ tôi muốn đưa con lên ngoại chơi một hai hôm vì nhà tôi xe cộ ồn ào, bé khó ngủ. Ba tôi không chịu, nhất quyết là đúng 3 tháng rồi muốn đi đâu thì đi. Tôi thương vợ con nên cãi lời ba, khi ông đi vắng thì đưa bé lên ngoại. Thế là mọi chuyện ồn ào lên. Tôi thương vợ thì ba ghét tôi, nghe lời ba thì vợ chồng tôi cãi nhau. Liệu tôi có quá nhu nhược không? Tôi phải giải quyết chuyện này thế nào? Mong chuyên gia và mọi người gỡ rối, giúp đỡ.

Sơn

Chuyên gia tư vấn Lê Thanh gợi ý:

Chào Sơn,

Là người ở giữa trong mối quan hệ nhà chồng - nàng dâu, bên tình bên hiếu không phải lúc nào cũng thuận hòa và cân bằng. Trước hết, bạn cần xác định rõ ràng về tư tưởng và hành động của mình: Bạn đã là người đàn ông có gia đình riêng, lấy vợ, sinh con. Bạn cần học cách tự lập và làm chủ gia đình mình dù có nhiều khó khăn, vất vả.

Hiện nay vợ chồng bạn có con nhỏ, xác định về quê làm cùng bố mẹ và nhờ ông bà trông nom con cái. Tôi chưa rõ, trước khi hai vợ chồng quyết định trở lại quê hương, các bạn đã nói chuyện cụ thể, rõ ràng với bố bạn chưa? Nếu chưa và để tránh xảy ra những bất hòa trong gia đình, bạn cần nói chuyện như hai người đàn ông với bố mình.

Thứ nhất, vợ chồng bạn làm cùng bố mẹ, vậy trong công việc, ai là người quản lý và chịu trách nhiệm chính? Nếu bố vẫn khỏe mạnh và có nhiều kinh nghiệm, bạn học hỏi kinh nghiệm quản lý, mối quan hệ công việc từ bố, chấp nhận mình như người làm công trong công ty gia đình. Và đã làm công thì có thu nhập rõ ràng, đầy đủ.

Thứ hai, vợ chồng bạn quyết định nhờ cậy ông bà trông nom, chăm sóc cháu nhỏ. Vậy trong vấn đề này, bạn nên nói rõ: nhờ ông bà trông nom cháu, giúp những vấn đề gì, còn việc gì là vợ chồng bạn tự làm.

Thứ ba, về việc cho vợ về ngoại. Trong chuyện này, vợ chồng bạn ứng xử chưa khéo léo. Bố bạn là người gia trưởng, hơn ai hết bạn hiểu ông rất khó tính. Ông đã có ý để cháu nội ở nhà 3 tháng nhưng vợ chồng bạn làm trái ý ông, không bàn bạc trước thì việc ông nổi giận là điều dễ hiểu. Bạn nên tìm hiểu lý do vì sao ông nội muốn giữ cháu ở nhà 3 tháng trước khi muốn đi đâu thì đi. Nhiều người sợ cháu còn quá bé, lo lắng ra ngoài chẳng may gặp chuyện bất thường. Đặc biệt đây là lại con đầu cháu sớm nên sự quan tâm, lo lắng cũng khắt khe hơn. Thực ra, nếu bên ngoại nhớ cháu có thể lên nhà bạn thăm, khi nào cháu cứng cáp hơn thì về ngoại chơi. Nghĩ thoáng hơn thì việc này đâu khó khăn hoặc quá phức tạp.

Tôi muốn nhấn mạnh với bạn một việc, vợ bạn cũng cần thấu hiểu và thông cảm cho bạn khi sống trong gia đình với người cha khó tính, khuôn phép. Đã quyết định yêu chồng, yêu con thì những phép tắc của nhà chồng cũng nên tôn trọng và có cách cư xử khéo léo, mềm dẻo.

Vợ chồng bạn đã ra ngoài lập nghiệp nhưng cuối cùng lại về nhờ cậy bố mẹ. Vậy bạn phải lường trước những rắc rối khi chung sống cùng mái nhà với bố mẹ già. Hai thế hệ, hai tính cách với những quan điểm khác nhau, làm sao để hài hòa là việc cả hai vợ chồng bạn cùng thống nhất. Ai rồi cũng già, đôi khi người trẻ nên có cái nhìn bao dung hơn với những quan điểm, sự bảo thủ, khắt khe của người già. 

Nếu hiện nay giữa bạn và bố vẫn còn căng thẳng, hãy lựa một cơ hội thuận lợi để hai bố con tâm sự. Bạn là con trai của ông, không quá khó khăn để nói ra thật lòng những điều bạn muốn. Đặc biệt, chính bạn phải có những hành động cụ thể để ông cảm thấy yên tâm rằng bạn đã trưởng thành, là trụ cột gia đình.

Nếu thử nhiều cách mà gia đình vẫn sóng gió, khi con cứng cáp các bạn có thể ra ở riêng, làm riêng để tránh va chạm. Tuy nhiên, hãy thông cảm và quan tâm bố mẹ nhiều hơn. Những điều bố mẹ đang làm cũng vì các con, dù đôi khi có những việc khiến bạn không thực sự thoải mái.

Chúc gia đình bạn hòa thuận, bình an.

Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top