Tôi 45 tuổi, thu nhập khoảng 20 triệu một tháng, chồng tôi được khoảng 15-17 triệu, cả hai làm cùng cơ quan.
Thi thoảng, chồng tôi phải đi công tác, có đợt phải đi đến 3 tháng, nhưng cứ khoảng một tháng chúng tôi lại gặp nhau. Mỗi tháng anh đưa cho tôi tầm 10 triệu. Vừa rồi, do nghỉ dịch nên lương giảm, chồng đưa 8 triệu. Anh không đưa tiền thưởng cho tôi, Tết cũng vậy.
Năm ngoái tiền thưởng của anh được khoảng hơn 60-70 triệu, tôi cũng thế. Tôi nói với anh rằng giờ do ảnh hưởng của dịch, lương thấp mà anh không đưa thêm, em không đủ tiền lo sinh hoạt đâu. Anh bảo: "Tao không phải cu li mà cứ phải nộp tiền". Tôi bảo rằng thế lấy đâu tiền nuôi con. Anh nói: "Tao không phải nuôi ai hết". Anh vừa nằm viện 2 tuần để điều trị tiểu đường. Sau đó anh bảo sẽ lo tiền học cho hai đứa, còn tôi lo tiền chợ.
Tôi nghĩ nếu chỉ có tiền học và tiền chợ thì không đáng là bao, còn nhiều khoản khác. Con gái tôi giờ cũng lớn (học năm thứ nhất), phải có nhu cầu cá nhân, rồi khi ốm đau... Trước kia anh đưa tiền cho tôi, tôi tiêu khoảng 2/3, còn 1/3 để dành. Có lần tôi nói với anh về kế hoạch chi tiêu đó, nhưng thời gian sau, vợ chồng tôi lại cãi nhau về chuyện này. Tôi không biết phải làm thế nào? Vợ chồng cùng tập trung để còn dành được một khoản phòng khi ốm đau, về già hay tôi nên kệ?
Một việc nữa mà tôi muốn hỏi là hiện nay vợ chồng tôi đang ngủ riêng. Có đôi lần tôi chủ động lên ngủ cùng chồng. Anh thích nằm một mình vừa chơi game vừa nghe loa vì trên tầng có một bộ loa đài. Tôi không muốn thế vì thấy không tình cảm, gần gũi. Tôi muốn vợ chồng không quan hệ thì cũng không nên ngủ riêng. Anh bị tiểu đường nên bảo tôi rằng: không có nhu cầu thì nằm đâu cũng thế. Tôi lại thôi. Theo chuyên gia tôi nên làm gì đây? Xin nói thêm, tôi bị rối loạn lo âu và đang dùng thuốc. Chồng chỉ biết tôi phải dùng thuốc chứ không biết thuốc gì. Tôi cảm ơn chuyên gia và các độc giả.
Vân
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào chị Vân,
Bức thư chị gửi đã phần nào khắc họa được hình ảnh một người phụ nữ chu toàn và cẩn thận với mọi việc trong cuộc sống. Nhất là việc gia đình, chị luôn có kế hoạch đến từng chi tiết, đặc biệt cho tương lai. Chị mong muốn một gia đình đúng nghĩa sẽ theo hình dung của mình: vợ chồng cùng nhau chăm con, xây dựng kinh tế và dành dụm cho tương lai. Chị cảm thấy an toàn và chắc chắn hơn về cuộc sống của mình và cả gia đình nếu mọi thứ diễn ra theo những gì chị tiên liệu. Sự thay đổi về hành động gần đây của chồng khiến chị cảm thấy bản thân không còn kiểm soát tốt tình hình như trước. Tuy nhiên, những hành động có phần nóng nảy và bộc phát của anh có thể là một dấu hiệu của việc anh cũng có những lo âu riêng giống chị, nhưng cả hai đều chưa thể chia sẻ cho nhau.
Có thể thấy tác động của dịch Covid-19 và căn bệnh tiểu đường đã tác động đến vợ chồng chị theo nhiều cách khác nhau. Với chồng chị, dù là dịch bệnh hay bệnh tiểu đường đều gây cho anh ấy nhiều lo lắng về khả năng kiểm soát của bản thân, về những gì trước kia anh có thể làm, nhưng bây giờ ít nhiều bị thay đổi. Tài chính giảm sút dẫn đến khoản đóng góp tiền cùng vợ lo chuyện gia đình bị ảnh hưởng, căn bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt chăn gối và sự tự tin của anh. Những áp lực trên nhất thời khiến anh muốn trốn tránh, không nhắc đến hay chủ động giải quyết. Tuy nhiên, một sự thay đổi về hành động, hay một câu nói lúc nóng giận của chồng không đồng nghĩa với việc anh hoàn toàn thay đổi và không còn thương vợ thương con, không còn chăm sóc gia đình.
Ở chị, lo âu làm chị cảm thấy hoài nghi với những thay đổi dù là nhỏ nhất. Chị cảm thấy không an tâm khi mọi việc không như dự định. Nó bắt nguồn từ nỗi sợ của việc mất đi kiểm soát những điều thường nhật như chồng. Cả hai đều có những lo lắng riêng, vì vậy cách tốt nhất là cùng hỗ trợ nhau vượt qua áp lực của từng người. Một số lưu ý dưới đây có thể phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của chị:
- Kiên nhẫn, không nóng vội: Đây là yếu tố đầu tiên và là điều kiện tiên quyết để chị tiến tới những hành động tiếp theo. Chắc chắn chị đang muốn mọi việc có thể nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo ban đầu. Dù vậy nền kinh tế không thể ngay lập tức phục hồi, mức lương của hai vợ chồng không thể ngay lập tức trở lại như xưa, bệnh của anh cũng không thể hoàn toàn biến mất. Thế nên một kế hoạch mới để thích ứng dần với những thay đổi này là điều cần thiết. Ví dụ: thay vì những câu chuyện về nỗi lo kinh tế, hai vợ chồng có thể trao đổi về việc cùng nhau thay đổi thói quen chi tiêu cho phù hợp... Đây cũng là cơ hội để bố mẹ cùng các con học được cách thích ứng với hoàn cảnh mới.
- Hiểu về chính mình để hỗ trợ được cho chồng: Cả hai đều có những lo lắng giống nhau, vậy để giúp đỡ nhau hiệu quả, trước tiên chị nên hiểu và biết cách ứng phó với chính những lo âu của mình. Bất an dễ khiến chị đắm chìm vào những cảm xúc tiêu cực của bản thân mà quên đi rằng: một hành động không nói lên được tất cả con người, một khó khăn hiện tại không báo trước được cả một tương lai trước mắt, hay một nỗi lo âu đang hiện hữu không đồng nghĩa rằng những gì mình lo lắng sẽ trở thành sự thật. Để quá trình tự hỗ trợ này được diễn ra hiệu quả, bên cạnh việc uống thuốc, tôi khuyến khích chị tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp về sức khỏe tinh thần. Nếu có thể, cả hai vợ chồng nên cùng đồng hành trong quá trình này để được giải tỏa và hiểu nhau hơn dưới sự hướng dẫn đúng cách của nhà tâm lý.
Tiền bạc đem lại sự dư giả và an tâm về mặt tài chính, nhưng nó không nên trở thành yếu tố quyết định hạnh phúc cho tương lai sau này của gia đình. Giống như tình cảm vợ chồng chưa bao giờ chỉ được thể hiện bởi việc cùng nằm trên một chiếc giường. Mong rằng những khó khăn hiện tại của hai anh chị sẽ chỉ là một trải nghiệm mà cả hai cùng nhau vượt qua. Chúc chị và gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhau.
Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment