Từ bé tôi đã không gần gũi bố mẹ, nếu không muốn nói là tương đối xa cách gia đình.
Ký ức tuổi thơ trong tôi chỉ là những lần bị mắng và sự đổ vỡ niềm tin, những lần chui vào nhà vệ sinh khóc một mình, cũng chẳng dám khóc to vì nếu bị nghe thấy chắc lại ăn mắng tiếp. Tuy nhiên tôi không trách bố mẹ, chỉ luôn cảm thấy mình là một nét vẽ sai trong bức tranh gia đình hoàn hảo, giàu truyền thống.
Bố tôi gia trưởng, luôn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, hay chê bai và phán xét mọi người. Bố luôn chăm lo cho gia đình, chịu nhiều vất vả, thế nhưng tôi không thể nào gần gũi bố được ngoài cảm giác mang nợ, biết ơn vì công sinh thành, dưỡng dục. Mẹ là người thật thà, chất phác, gần như tuân thủ tuyệt đối sự đè nén của bố. Mẹ không tâm lý nên tôi cũng không chia sẻ, gần gũi gì từ khi còn nhỏ. Tôi sống xa gia đình từ khá sớm, bố mẹ cũng ít biết về cuộc sống và suy nghĩ của tôi.
Rồi tôi lấy chồng, ngày tôi sinh con đầu, vợ chồng đều ở xa gia đình hai bên. Tính tôi vốn tự lập nên thật sự không muốn và không cần nhờ ai hỗ trợ. Vì mong muốn của bố mẹ chồng, cũng như đó là cơ hội để bà nội đi chơi, thăm thú nước ngoài nên tôi đón mẹ chồng sang hỗ trợ 6 tháng đầu.
Đó là một khoảng thời gian khó khăn cho cả tôi và bà vì những mâu thuẫn trong cách nuôi con. Để tránh va chạm, tôi phải đi làm lại khi con được 2 tháng tuổi. Con bỏ bú từ rất sớm và với tôi đó là một sự mất mát, một nỗi buồn không bao giờ quên. Nhiều hôm đi làm về, tôi cứ ngồi yên trong xe, không bước nổi lên nhà, hoặc cố tình ở lại công ty muộn dù đã hết việc vì không khí gia đình quá ngột ngạt. Trước đó, tôi tôn trọng và quý mến mẹ chồng nhưng khoảng thời gian ở cùng đã để lại những vết thương khó phai.
Tôi sắp sinh con thứ hai. Ban đầu rất khó nghĩ vì không biết sắp xếp việc nhờ bà nội bà ngoại như thế nào. Từ thâm tâm tôi vẫn không thấy cần và không muốn nhờ ai cả, tự tôi có thể lo được mọi việc.
Hai bà đã nghỉ hưu, không có việc gì nên nếu không nhờ chắc các bà sẽ tự ái. May sao, mẹ chồng nói với con gái đầu của tôi (có cả tôi ở đó): "Bà đã hỗ trợ trông cháu nên lần này đến lượt bà ngoại". Tôi như trút bỏ được gánh nặng.
Tuy vậy, việc nhờ bà ngoại cũng khiến tôi khó nghĩ. Một phần vì sức khỏe của mẹ tôi không tốt, dù mẹ cứ khăng khăng là phải ở cùng để giúp tôi. Một phần khác là vợ chồng tôi vốn rạn nứt từ lâu, tôi không chia sẻ với ai nên bố mẹ không hề biết, vẫn nghĩ tôi hạnh phúc.
Sự thực là chúng tôi vẫn sống chung một mái nhà, chia sẻ trách nhiệm nuôi con đầu nhưng không khác gì ly thân, gần như không có sự giao tiếp. Nếu mẹ tôi sống cùng, chắc chắn tôi sẽ không thể che giấu được việc này. Tôi cũng không thể giả vờ hạnh phúc trước mặt mẹ. Vì vậy, bố mẹ sẽ chỉ thêm đau lòng, rồi lại quay ra khuyên răn, dạy dỗ, khuyên nhủ tôi.
Nói ra chắc nhiều người sẽ chỉ trích rằng bao người mong có sự hỗ trợ của gia đình mà không được. Thế nhưng sau tất cả những gì diễn ra, tôi thực sự chỉ muốn được yên ổn một mình để nuôi con, không hề thấy vất vả hay khó khăn gì. Kể cả là vất vả một chút vẫn hơn nhiều so với những áp lực về tinh thần khi phải sống chung với bố mẹ. Tôi nên làm gì trong trường hợp này?
Hạnh
Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment