Vài ngày gần đây, thông tin về chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly phải ngừng phát sóng khi hết kinh phí khiến nhiều người bất ngờ. Lý do mà chương trình phải dừng lại là do không có kinh phí khiến nhiều người suy ngẫm và không khỏi chạnh lòng. Thông tin chương trình không thể đi tiếp nếu không có tài trợ khiến nhiều người thắc mắc, vì sao VTV lại không hỗ trợ kinh phí để chương trình được tiếp tục? Vì sao một chương trình có ý nghĩa xã hội sâu rộng, có tính nhân văn sâu sắc lại lâm vào tình cảnh này?
Nhà đài nên cân nhắc kỹ
|
Nhà báo Thu Uyên, người "cầm trịch" chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. |
Chia sẻ với PV ĐS&PL về nguyên nhân chương trình sẽ phải dừng lại , BTV - nhà báo Thu Uyên - người phụ trách chương trình cho hay: “Đây không chỉ là chương trình truyền hình mà là một hoạt động xã hội tìm kiếm và đoàn tụ người thân hoàn toàn miễn phí. Đáng buồn là không có tài trợ thì cũng khó tồn tại được... Vì là chương trình xã hội hoá cho nên việc sản xuất phải trông vào tài trợ. Trong lúc kinh tế khó khăn, đội ngũ những người thực hiện lại tập trung vào chuyên môn chứ không giỏi kêu gọi tài trợ, vậy nên Như chưa hề có cuộc chia ly đã phải xin phép VTV và khán giả để dừng phát sóng trong khi còn 30.000 hồ sơ vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm”.
BTV Thu Uyên nói thêm: “Mục tiêu của chương trình là mang lại hạnh phúc cho các gia đình bị ly tán vì nhiều lý do. Nếu không có niềm tin sẽ không thể làm được chương trình. Cuộc đời này có tỉ tỉ yếu tố bất ngờ mà khi thực hiện, tôi phải tin là trên đời này luôn có nhiều điều kỳ diệu xảy ra. Với mô hình xã hội hoá, Như chưa hề có cuộc chia ly tồn tại trong trầy trật, bởi dù tiết kiệm hết sức, kinh phí cho việc tìm kiếm rất lớn. Năm 2018, chương trình từng bị tạm dừng một thời gian vì thiếu tiền”.
Hơn 10 năm phát sóng, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly là “cứu cánh”, là chỗ dựa tinh thần của nhiều gia đình tưởng như đã tuyệt vọng vì ly tán với 1001 lý do. Hàng triệu khán giả khi xem đã không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến nhiều người con bị thất lạc 40-50 năm, đầu đã bạc, da nhăn nheo nhờ chương trình mới gặp lại được người thân. Có người khi tìm lại được gia đình, họ hàng thì không còn gặp được bố mẹ nữa. Bởi đấng sinh thành của họ đã già và khuất núi. Họ không thể một lần được ôm mẹ của mình – Người mà trước khi ra đi, vẫn gọi tên một đứa trẻ bị thất lạc mà bao năm tìm kiếm trong vô vọng.
Vì thế, khi nghe tin chương trình bị dừng lại, nhiều người mặc dù không có nhu cầu tìm người thân cũng tiếc nuối. Họ tiếc nuối vì trong tâm mỗi con người luôn cầu mong được thấy điều kỳ diệu, chương trình ở góc độ nào đó mà món quà kỳ diệu mà cuộc đời ban tặng cho mỗi cuộc chia ly.
Góc nhìn của các nhà văn
Trao đổi với PV ĐS&PL, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho hay: “Tôi thấy chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly là một chương trình nhân văn, công phu, xúc động. Nhiều gia đình thất lạc trong chiến tranh đã tìm được nhau. VTV là một Đài truyền hình lớn, vì sao không giữ chương trình như một thương hiệu của mình?
Theo tôi, những gameshow, chương trình vui vẻ, mang tính giải trí cao nên xã hội hoá, còn chương trình này nhân văn, mang một chút tâm linh nên giữ lại để giúp cho nhiều người tìm thấy người thân.
Bản thân tôi đã từng rơi nước mắt khi xem chương trình này. Tôi cho rằng, tuỳ từng chương trình mà thực hiện xã hội hoá, nhưng với Như chưa hề có cuộc chia ly nên có một nguồn quỹ ổn định, để lan toả thông điệp yêu thương. Mọi người thường nói, VTV là nơi thu hút được nhiều nguồn quảng cáo nên chăng các chương trình san sẻ cho nhau thì tốt quá...”.
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá cao chương trình. |
Nói về ý nghĩa của chương trình, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay: “Các chương trình truyền hình nhân đạo rất cần ở xã hội này. Đặc biệt, Như chưa hề có cuộc chia ly còn có ý nghĩa khác, đó là sự hàn gắn vết thương xã hội, trong đó có vết thương chiến tranh. Nhiều người, nhiều gia đình đã tìm thấy nhau sau khi gửi hồ sơ đến chương trình, đấy cũng chính là việc hàn gắn vết thương. Ẩn sâu của chương trình này là sự níu kéo lấy nhau của xã hội, kéo mọi người gần nhau hơn với tình thương, tình thân. Theo tôi được biết, các chương trình nhân đạo bên VTV không cấp kinh phí, các kênh sóng vẫn phải kinh doanh.
Thực ra, phía Đài có quyền kinh doanh, kêu gọi quảng cáo nhưng nếu với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tôi nghĩ họ mềm mỏng hơn, có thể san sẻ kinh phí từ chương trình khác sang một chương trình có ý nghĩa với cộng đồng thì tốt biết mấy. Tôi nghĩ, nếu xã hội hoá được, có nhiều mạnh thường quân đầu tư cho chương trình cũng là một giải pháp trong giai đoạn khó khăn này”.
Với mong muốn có thêm thông tin về chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly bị dừng phát sóng do thiếu kinh phí, chúng tôi đã liên lạc với trung tâm Sản xuất chương trình của VTV và ban Thư ký của VTV nhưng chưa có câu trả lời. Nhóm PV sẽ tiếp tục liên hệ để có các thông mới mới gửi đến độc giả.
Có tiền ủng hộ nhưng lúc này, ý thức trách nhiệm trong chúng tôi rất nặng nề Sau khi ê – kíp của chương trình công khai việc dừng phát sóng vì không có kinh phí thực hiện, ca sĩ Hà Anh Tuấn đã ủng hộ chương trình 3 tỷ đồng, MC Phan Anh cũng ủng hộ chương trình 30 triệu đồng. Đây chính là sự ủng hộ thiện tâm nhất cho chương trình. Nhà báo Thu Uyên chia sẻ với PV ĐS&PL: “Hiện các nghệ sĩ và rất nhiều bạn bè, người theo dõi Như chưa hề có cuộc chia ly đã gửi những khoản tiền đóng góp để vực dậy Hoạt động thiện nguyện Tìm kiếm và Đoàn tụ người thân này. Mới chỉ có 1 ngày kể từ khi báo Vietnamnet chủ động đứng ra tiếp nhận những khoản hỗ trợ thông qua tài khoản của Báo, chưa có sơ kết, nhưng tôi biết bên cạnh Hà Anh Tuấn, Phan Anh đã có nhiều người, thậm chí giấu tên, cũng đã tham gia rất sớm. Ngoài vui và cảm động, chúng tôi còn 2 nỗi lo lắng thôi: Một là phải tiếp tục nghĩ ra cách sử dụng số tiền ủng hộ của xã hội một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất, và báo cáo minh bạch nhất. Và hai là, làm sao để được mọi người quan tâm ủng hộ đóng góp lâu dài và đều đặn để Như chưa hề có cuộc chia ly có sự ổn định mà hoạt động; Không thể để rồi hết tiền lại phải dừng lần nữa. Cho nên ngay lúc này, ý thức trách nhiệm trong chúng tôi là rất nặng nề”. |
LẠC THÀNH
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 110 kỳ I
Post a Comment