Sau Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, chiều 19/3, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Truy" trách nhiệm sai phạm
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng với sai phạm trong chương trình đưa khoa học công nghệ tới nông thôn và miền núi.
Bộ trưởng cho biết, kể từ năm 1998 tới nay, qua nhiều giai đoạn, các chương trình của nông thôn miền núi được thiết kế với hơn 800 nhiệm vụ. Trong triển khai cụ thể, kết quả rất lan toả của chương trình rất đáng kể với hơn 1.000 mô hình trình diễn, liên kết tỏ ra hiệu quả, có sức tác động lớn với người nông dân dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, thừa nhận từ Bộ trưởng là trong giai đoạn vừa qua có một số vấn đề bộc lộ ở Trà Vinh, Quảng Trị, Thái Bình với những sai phạm phải xử lý hình sự. Theo ông, những sai phạm đó thể hiện ở việc chương trình trùng lặp và khống khối lượng công việc để thanh toán. Như ở Trà Vinh, việc được triển khai từ tháng 4/2016 thì phát hiện sai phạm, thanh tra đã vào làm việc và từ đó có quyết định huỷ phần chi ở đây ngay lập tức.
"Dù là trường hợp nào thì quan điểm của chúng tôi cũng là nghiêm túc xử lý tối đa. Chúng tôi nhận thức trước hết đó là nhiệm vụ từ Bộ", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Vị trưởng ngành khoa học và công nghệ cũng nhấn mạnh bài học rút ra là việc quản lý, tạo điều kiện thông thoáng cho các địa phương trong các dự án ủy quyền nhưng lại không có vế thứ hai là kiểm tra giám sát. Sau nữa là quá trình thực hiện vẫn có biểu hiện xin - cho.
Ngay việc phân bổ nguồn quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia cho các chương trình, dự án nghiên cứu, dù có hẳn hội đồng bình chọn do các nhà khoa học tiến hành thì chính trong các nhà khoa học "cây đa, cây đề" cũng có chuyện "gửi" cậu em, thằng cháu… Bộ trưởng nói.
Hạn chế xuyên suốt
Nêu lại vấn đề không mới, đại biểu Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết giải pháp để nhanh chóng ứng dụng các nghiên cứu, sáng kiến khoa học vào cuộc sống, tránh tình trạng chất xám bị bỏ phí, lãng quên trong các ngăn kéo lưu trữ.
Cho rằng đây là "một hạn chế xuyên suốt", là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết Bộ này đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hành lang pháp lý, quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đưa khoa học công nghệ gắn kết và phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ cũng tăng cường kết nối giữa viện, trường với doanh nghiệp để chuyển giao, thúc đẩy việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, đưa doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo…
Cụ thể hơn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) muốn biết hàng năm Bộ đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho nghiên cứu khoa học? Hiệu quả như thế nào"?
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết Bộ đã dần thay đổi tỷ lệ chi cho ngành, từ tỷ lệ chi thường xuyên là 60%, chi nhiệm vụ nghiên cứu là 40% thì đến 2016 đã đổi thành 50/50. Côn số cụ thể được Bộ trưởng nhấn mạnh là đã có 2.900 tỷ chi cho các nghiên cứu ở cấp quốc gia gắn với những sản phẩm cụ thể được "đặt hàng".
Ngoài ra, còn 200 doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quỹ 3.500 tỷ đồng dành cho hoạt động này. Riêng Viettel, quỹ thường xuyên hàng năm của đơn vị là 4.500 tỷ đồng, cao hơn hẳn phần đầu tư cho các nghiên cứu ở cấp quốc gia của nhà nước, Bộ trưởng cho biết.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh về về đầu tư tài chính cho lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như hiệu quả của hoạt động này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong thời gian dài có nhiều nhiệm vụ phải ưu tiên nhưng Chính phủ vẫn đảm bảo khoản chi khoảng 2% dự toán ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ. Con số tuyệt đối của tỷ lệ 2% này đều đặn tăng qua mỗi năm.
Post a Comment