Nếu không có bất ngờ thì tỷ giá sẽ neo ổn định, TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), nhận định tại Hội thảo kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra tại Tp.HCM sáng 20/3.

Hội thảo do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức với sự tham gia của quan chức nhiều bộ ngành, các chuyên gia kinh tế - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - và các doanh nhân.

Điều hành phiên thảo luận thứ nhất về những chính sách kinh tế đột phá, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dành cho ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và TS. Trần Du Lịch, thành viên của tổ này cùng một câu hỏi.

Đó là nghị quyết của Chính phủ đã nêu mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất, khả năng này có khả thi không trong bối cảnh FED sẽ tăng lãi suất, và trong bối cảnh đó thì dự báo biến động tỷ giá thế nào?

Có thể giảm chút đỉnh

Hướng về hội trường nơi có khoảng 300 CEO, trong đó có cả các vị doanh nhân "ngoại" đang làm ăn tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói lời xin lỗi trước khi đưa ra dự báo. Ông nói: thực tế nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên vay nợ, nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp phải vay ngân hàng.

Ngân hàng muốn giảm lãi suất thì phải tăng tái chiết khấu, tăng cho vay, không được để xảy ra lạm phát. Năm 2017, lãi suất đã giảm ở mức độ, năm 2018 nếu không giảm được thì giữ mức như 2017 là tương đối tốt.

"Doanh nghiệp nên cơ cấu lại tài chính của mình để giảm tỷ lệ vay, tôi hy vọng năm nay có thể giảm lãi suất chút đỉnh", ông Lịch trao đổi.

Vẫn theo vị chuyên gia này thì năm 2018, doanh nghiệp an tâm vì không có biến động tỷ giá, điều cần thiết là Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý ổn định.

Ngân hàng còn khó khăn

Nhấn mạnh dự báo là câu chuyện rất khó, chỉ nói khi được hỏi, song TS.Vũ Viết Ngoạn cũng trao đổi khá cởi mở.

Ông Ngoạn cho rằng hai biến số lãi suất và tỷ giá là khó nhất với 2018.

Về lãi suất, ông Ngoạn nhấn mạnh đến sức ép lạm phát, dự báo lạm phát 2018 có sức ép hiều hơn 2017 nhưng vẫn kiểm soát tốt. Năm nay điều kiện giảm lãi suất so với 2017 khó khăn hơn, ngoài yếu tố sức ép lạm phát còn có lãi suất USD có xu hướng tăng hơn mà chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm VND.

Yếu tố tiếp theo được ông Ngoạn nhắc đến là hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn nên vẫn cần giữ chênh lệch đầu vào - đầu ra hợp lý để có mức lợi nhuận hợp lý có dự phòng trang trải nợ xấu.

Nếu giảm được lãi suất thì chỉ có cách hạ lãi suất huy động, nhưng có hạ được không còn phụ thuộc vào việc này có làm thay đổi nguồn huy động của ngân hàng hay không, dân có chuyển kênh đầu tư hay không, ông Ngoạn phân tích.

Ngoài ra, theo ông thì còn có yếu tố khác là tình hình kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, một số còn khó khăn nên thanh khoản khó khăn vẫn là thách thức. Hiện nay còn có tình trạng một số ngân hàng lãi suất huy động chênh nhau đến 2%, đó là chênh lệch quá lớn trên thị trường thì liệu cả hệ thống có làm được cho những ngân hàng này cải thiện tình hình để giảm lãi suất. Đó là bài toán khó với ngân hàng Nhà nước, năm 2018 có thể hạ lãi suất những khó hơn nhiều 2017, ông Ngoạn dự báo.

Về tỷ giá, thống nhất với TS. Trần Du Lịch nhưng ông Ngoạn cho rằng cần lưu ý yếu tố đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán, nếu thị trường này có biến động sẽ gây sức ép lớn cho thị trường ngoại hối, nên vẫn còn có bất trắc nhất là khi dự trữ ngoại hối chưa phải quá dồi dào, quá an toàn. Tăng dự trữ ngoại hối vấn là yêu cầu đặt ra để tăng khả năng chống đỡ, ông Ngoạn nói.

Cùng nhận định

Xuất hiện trong phiên thảo luận thứ hai về nhận diện cơ hội đầu tư và kinh doanh, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) được hỏi có đồng ý với nhận định của hai vị chuyên gia nói trên hay không.

Ngân hàng Nhà nước có câu nói muôn thuở đúng là "chính sách tiền tệ sẽ được điều hành chủ động, linh họat", nhưng không ai hiểu gì cả, TS. Võ Trí Thành, người điều hành phiên thảo luận nói vui.

"Về tỷ giá tôi đồng ý với TS. Ngoạn và TS. Lịch, nếu không có bất ngờ thì tỷ giá sẽ neo ổn định. Còn về lãi suất, kỳ vọng lãi suất lên là có nhưng tăng mạnh thì không thể, còn kỳ vọng lãi suất giảm sẽ rất khó khăn", ông Tú Anh phát biểu.

Hiếm khi có sự đồng tình giữa nhận định của chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước về lãi suất và tỷ giá như vậy, ông Võ Trí Thành bình luận.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top