Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất có chiều hướng khó khăn hơn.

Đó là một trong bốn xu hướng nổi bật trong môi trường kinh doanh của Việt Nam phản ánh những diễn tiến chính sách bắt đầu từ năm 2016 dưới nhiệm kỳ lãnh đạo mới, được phân tích tại báo cáo PCI năm 2017 vừa được công bố.

Bốn xu hướng gồm: chi phí không chính thức giảm, thủ tục hành chính được cải thiện, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất có chiều hướng khó khăn hơn, an ninh trật tự được đảm bảo nhưng vẫn có một bộ phận doanh nghiệp lo ngại.

Xu hướng liên quan đến đất đai được nhấn mạnh là đáng lo ngại. Kết quả điều tra cho thấy doanh nghiệp đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh. Họ cũng cảm thấy mức độ rủi ro bị thu hồi đất gia tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp có đất và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ so với năm 2016 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục từng được ghi nhận trong năm 2012 và 2013.

Doanh nghiệp cho biết sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, họ gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục quy định khác của tỉnh (44% doanh nghiệp trả lời). 

Khoảng một phần ba (32%) doanh nghiệp đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, khiến nhiều lô đất xa cơ sở hạ tầng hiện có hoặc ở các địa điểm thuận tiện, chẳng hạn như lân cận các cơ sở gây ô nhiễm hoặc quá gần các khu dân cư. Một phần tư các doanh nghiệp nhận định rằng việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng, theo báo cáo.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đối với các doanh nghiệp có đất mà muốn trao đổi, chuyển nhượng hay thuê, vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Chỉ có 25% doanh nghiệp tham gia điều tra trả lời rằng họ không gặp khó khăn gì khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc mua, chuyển nhượng hay thuê đất, giảm so với con số 29,7% của năm 2016.

Đây là mức thấp kỷ lục ghi nhận được trong lịch sử điều tra PCI, các tác giả báo cáo nhấn mạnh.

Trái lại, 75% cho biết gặp phải ít nhất 1 trong số các khó khăn liên quan đến thời hạn giải quyết hồ sơ dài hơn, quy trình thủ tục không đúng, cán bộ nhận hồ sơ không hướng dẫn đầy đủ, doanh nghiệp phải trả phí không chính thức...

Theo doanh nghiệp, vấn đề lớn nhất đó là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết (58%) và doanh nghiệp buộc phải trả thêm chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ (47%).

Kết quả điều tra từ PCI cũng cho thấy mức độ ổn định trong quá trình sử dụng đất của các doanh nghiệp đang xấu đi. Tỉnh trung vị chỉ đạt 1,6 điểm trên thang 5 điểm, cho thấy mức độ rủi ro bị chính quyền thu hồi đất đối với doanh nghiệp ngày càng cao. Đây là mức điểm thấp nhất được ghi nhận trong 13 năm điều tra PCI. 

Những lo ngại này có tác động rất tiêu cực đến đầu tư vì doanh nghiệp khi phải đối mặt với những rủi ro này sẽ rất dè dặt đầu tư trên khu đất mà họ biết rằng sẽ có thể bị thu hồi, nhóm nghiên cứu PCI nhận định.

Báo cáo còn cho rằng, vấn đề thậm chí còn đáng lo ngại hơn đó là doanh nghiệp cho rằng mức bồi thường không thỏa đáng đối với mặt bằng kinh doanh nếu bị thu hồi. Chỉ có 28% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho rằng mức bồi thường là thỏa đáng. Con số này có nhỉnh hơn một chút so với năm 2016, nhưng vẫn là mức điểm thấp thứ hai trong lịch sử điều tra PCI.

Một số bình luận bên lề sau lễ công bố chỉ ra một điều là điểm tiếp cận đất đai biến đổi theo chu kỳ 5 năm, những năm đầu của một nhiệm kỳ mới thì doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong những vấn đề liên quan đến đất đai.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top