Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung trong quý 1/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 5,8 tỷ USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ 2017.
Tính đến ngày 20/3/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, cả nước có 618 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,12 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2017. Có 199 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,79 tỷ USD, giảm 54,6% so với cùng kỳ.
Cũng trong quý 1, có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 1,34 tỷ USD và 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 547,8 triệu USD.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 59,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 531 triệu USD. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 486 triệu USD.
Trong quý, cả nước có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 1,84 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 689 triệu USD. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 649 triệu USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh thành phố, trong đó Tp.HCM thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, chiếm 29,3 tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 925 triệu USD. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 565 triệu USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong quý 1/2018:
- Dự án Nhà máy LG Innitek Hải Phòng, cấp phép ngày 1/9/2016 với mục tiêu Sản xuất mô đun Camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD.
- Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, cấp phép ngày 20/3/2014 với mục tiêu sản xuất giày và quần áo thể thao tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 260 triệu USD.
- Dự án Nhà máy điện gió Hanbaram, cấp phép ngày 7/2/2018, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Singapore đầu tư tại Ninh Thuận với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.
- Dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD.
- Dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology, cấp phép năm 2016 với mục tiêu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD.
Post a Comment