Theo tìm hiểu, đoạn đường qua địa phận tỉnh Hà Nam có chiều dài 15,6 km, đang là điểm nóng vì nhà thầu thi công ì ạch, cầm chừng do vốn thiếu.
Cần xem năng lực nhà thầu
Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, dự án tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trên địa phận tỉnh Hà Nam được chia làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 1.785 tỷ đồng. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho nhà thầu.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Nam cho biết thêm, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án qua tỉnh Hà Nam là 208 tỷ đồng.
Đến nay, nhà thầu Xuân Trường đã ứng 110 tỷ đồng, UBND tỉnh đã bố trí gần 77 tỷ đồng. Nhu cầu vốn cần cho công tác giải phóng mặt bằng, còn lại chỉ hơn 18 tỷ đồng.
Về tiến độ thi công, nhà thầu Xuân Trường đang chia làm 2 mũi triển khai. Kinh phí thực hiện ước tính khoảng 550 tỷ đồng.
"Tuy vậy, một số hạng mục thi công hiện vẫn còn bị chậm như: Đắp nền K98, cấp phối đá dăm và thảm bê tông nhựa do nhà thầu chưa kịp bố trí đủ trang thiết bị.
Hạng mục cầu Châu Giang và một số hạng mục thoát nước trên tuyến tiến độ còn chậm; doanh nghiệp cũng đã bổ sung nhà thầu phụ để thi công nhưng tiến độ cấp vốn của doanh nghiệp không kịp thời nên tiến độ thực hiện các hạng mục này vẫn chưa được cải thiện", ông Đông đánh giá.
Liên quan đến vấn đề thi công ì ạch tại những điểm đã bàn giao mặt bằng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đã nghiêm túc phê bình nhà thầu Xuân Trường.
"Tiến độ dự án chậm và không đáp ứng yêu cầu mà nhà thầu đã cam kết với 2 địa phương và Bộ Giao thông Vận tải. Nguyên nhân chính là do nhà thầu không bố trí đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để tổ chức thi công. Nguy cơ không hoàn thành trước 30/6/2018 theo chỉ đạo của Bộ trưởng là hiện hữu", Thứ trưởng Công nói.
Cầu Hưng Hà về đích vào 30/6
Trái với những ì ạch tại tuyến đường kết nối, dự án cầu Hưng Hà với chiều dài 6,7 km, tổng mức đầu tư 2.900 tỷ đồng đang băng băng về đích, thậm chí vượt tiến độ tới 1 năm do hầu hết nhà thầu nội thi công.
Ông Nguyễn Xuân Lâm - Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, cho biết, tính đến thời điểm này, các hạng mục chính tại dự án cầu Hưng Hà đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang thực hiện một số công đoạn cuối như vệ sinh mặt cầu, gia tải tại hai mố cầu và hai hầm cống.
"Dự kiến, việc vệ sinh sẽ hoàn thành trong tháng 3/2018, việc gia tải hoàn thành trong tháng 4/2018, đến tháng 5/2018 sẽ rải thảm để hoàn thành đồng bộ vào 30/6/2018. Như vậy, dự án đã hoàn thành trước kế hoạch dự kiến khoảng 1 năm, đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải đề ra", ông Lâm nói.
Ông cũng cho biết thêm, việc hoàn thành vượt tiến độ cũng giúp dự án tiết kiệm chi phí, hiện dự án đang có vốn dư khoảng 1.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc.
Một số mục đã được tiết kiệm như: trong quá trình đấu thầu giúp tiết giảm được 10% tổng mức đầu tư dự án. Hoặc như phí dự phòng cơ bản không dùng, trong quá trình thi công, dự án cũng trượt giá thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
Về việc sử dụng phần vốn dư thế nào? Ông Nguyễn Xuân Lâm cho biết, do đây là nguồn vốn ODA, nên Ban quản lý dự án Thăng Long đang có đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ cho phép thực hiện thêm một số tiểu dự án cũng nằm trong phần kết nối tại dự án cầu Hưng Hà (đã được phía Hàn Quốc đồng ý).
Cụ thể như hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 39, tại thành phố Hưng Yên, Trước đây, nút giao này đồng mức, tới đây sẽ đề xuất xây cầu vượt, dự kiến, đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.
Còn 750 tỷ đồng, đề xuất mở rộng đường dẫn từ cầu Hưng Hà (phía Hà Nam) đến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lên 4 làn đường, chiều dài 15,6 km.
"Tuy nhiên, hiện do các thủ tục vay, sử dụng vốn dư khá phức tạp, phải thực hiện từng bước như xây dựng dự án mới. Vì thế, Ban quản lý dự án đang thực hiện các thủ tục báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, tiến tới trình Thủ tướng Chính phủ sớm thực hiện các tiểu mục dự án này", ông Lâm kiến nghị.
Post a Comment