Hội đồng thẩm định nhà nước đã chọn được nhà thầu tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường sắt đô thị Tp.HCM, tuyến Metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt tên nhà thầu được đề nghị chỉ định và dự thảo hợp đồng Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Metro số 5.

Theo đó, công ty được chọn là Công ty TNHH giao thông vận tải. Đại diện UBND Tp.HCM, tổ trưởng tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và nhóm chuyên gia đấu thầu sẽ chịu trách nhiệm thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng với Công ty TNHH giao thông vận tải.

Tuyến Metro số 5 là một trong 8 tuyến của mạng lưới đường sắt đô thị Tp.HCM có tổng chiều dài khoảng 26 km, bắt đầu từ bến xe Cần Giuộc mới, kết thúc ở điểm cầu Sài Gòn. Trong giai đoạn I, tuyến sẽ có chiều dài 8,9 km đoạn ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn.

Đây cũng là tuyến Metro có tổng mức đầu tư lớn, với 1,562,7 tỷ Euro (tương đương 41.607 tỷ đồng) và có thời gian triển khai kéo dài nhất tại Việt Nam (chuẩn bị từ năm 2009 - 2019; thực hiện từ năm 2020 - 2025; bảo hành, chạy thử từ năm 2025 - 2027).

Theo thiết kế, tuyến Metro số 5 sẽ kết nối trung chuyển với tuyến Metro số 2 tại ga Bảy Hiền (quận Tân Bình); kết nối với tuyến Metro số 4 tại ga ngã tư Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) và ga sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); kết nối với tuyến Metro số 3b tại ga Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) và kết nối với tuyến Metro số 1 tại ga cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh).

Dự án sẽ sử dụng nguồn vốn ODA với tổng giá trị 1,1 triệu Euro (khoảng 29.288 tỷ đồng) và vốn đối ứng Chính phủ khoảng 463 triệu Euro (khoảng 12.327 tỷ đồng).

Trước đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, khoản vay của dự án Metro số 5 có tác động đến nợ công khoảng 0,08% vào năm 2020.

Bộ Tài chính đánh giá, tuyến Metro số 5 là dự án đầu tư quy mô lớn, sử dụng nguồn vốn vay ODA đa phương từ nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài, sẽ bao gồm nhiều hợp phần và tiểu dự án nhỏ, dẫn đến việc quản lý và phân bổ vốn phức tạp.

Vì vậy, Bộ này đã đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ cấu chi tiết các hạng mục, hợp phần dự án dự kiến phân bổ nguồn vốn và nguồn vốn từ các nhà tài trợ, cũng như nguồn vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam theo từng giai đoạn tiến độ dự án.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top