Đó là câu hỏi được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu tại phiên chất vấn do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 19/3.
Đại biểu Quốc hội hỏi nhanh, Bộ trưởng đáp gọn, phiên chất vấn đã không còn cảnh chủ toạ phải nhắc việc quên, sót nội dung đại biểu nêu hoặc Bộ trưởng lan man "câu giờ".
Đây cũng là lần đầu tiên thí điểm cách thức chất vấn và trả lời chất vấn ngay, tức là đại biểu hỏi xong lập tức bộ trưởng hồi âm, thay vì để sau khoảng 3- 5 người chất vấn hoặc nhiều hơn nữa như thông lệ.
Những chất vấn của các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho thấy còn khá nhiều bất cập trong công tác xây dựng và phổ biến tuyên truyền pháp luật. Như, tình trạng xin lùi, xin rút chưa được khắc phục triệt để. Quy định của một số dự án luật còn "vênh" làm khó cho người dân và doanh nghiệp. Hay, còn nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật trái luật, thiếu căn cứ pháp lý...
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga khái quát: qua theo dõi từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 đến nay thì tiến độ nhiều dự án quá chậm so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này đã đẩy cơ quan thẩm tra vào khó khăn.
Có dự án luật chỉ được gửi trước hai ngày đến cơ quan thẩm tra, mà hai ngày đó lại là thứ bảy và chủ nhật, bà Nga nói cụ thể hơn.
Về chất lượng, theo bà Nga là có vấn đề rất lớn, có báo cáo tổng kết thực tiễn (cơ sở quan trọng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi dự án luật - PV) không ký cũng chẳng đóng dấu. Nhiều báo cáo đánh giá tác động "chay", cả nửa trang không có số liệu nào, rồi có dự án luật trình khi chưa lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động...
Đáng chú ý, bà Nga nêu thực tế có những dự án luật có vấn đề cần xin ý kiến các thành viên Chính phủ lần thứ hai (thực hiện bằng phiếu) thì có đến 9 thành viên chưa có hồi âm, trong đó có những bộ quan trọng.
Đề nghị chấn chỉnh tình trạng này, đại biểu Nga cũng chất vấn để xảy ra tình trạng đó thì vừa rồi có xử lý kỷ luật cá nhân nào không?.
Thừa nhận Chủ nhiệm Lê Thị Nga đã đánh giá khái quát chính xác, đích đáng về những hạn chế trong xây dựng luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng ở đây có trách nhiệm người đứng đầu.
Xét về nhiệm vụ chính trị thì bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách trong xây dựng pháp luật là yếu tố để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, ông Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong các phiên họp Chính phủ thì việc các bộ trưởng chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng xây dựng luật cũng được nêu rất rõ. Nhưng thực tế mới dừng lại ở việc đôn đốc, kiểm điểm trách nhiệm, công bố công khai về văn bản chậm, nợ.
Liên quan đến tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật, tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Long nhấn mạnh điều đặc biệt là "năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".
Tuy nhiên, tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) nói rằng việc Chính phủ nợ văn bản vẫn đang tiếp diễn, các nghị định cần Chính phủ ban hành đề phuc vụ các luật có hiệu lực từ 1/1/ 2018 hiện nay còn thiếu rất nhiều.
Phát hiện của đại biểu được Bộ trưởng thừa nhận là đúng. Bộ trưởng cho biết năm 2018 đã phát sinh 12 văn bản nợ. Nguyên nhân là số lượng văn bản phải ban hành rất nhiều, có luật có đến có 34 nội dung phải ban hành quy định chi tiết, có luật thì trên 10 nội dung mà thông thường chỉ có 6 tháng để thực hiện. Đặc biệt là có những nội dung khá phức tạp, ví dụ văn bản liên quan đến khoán xe công còn ý kiến khác nhau chưa đạt được thống nhất.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết bên cạnh thực hiện nghiêm túc quy định hiện hành thì với những luật có nhiều nội dung cần hướng dẫn có thể đề nghị kéo dài thời gian có hiệu lực. Chứ nếu chhỉ có 6 tháng thì không đủ thời gian vật chất, Bộ trưởng phân trần.
Post a Comment