Thông tin về tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.
Tại thị trường nội địa, hiện hàng không Việt Nam có sự tham gia của 5 hãng hàng không. Tốc độ tăng trưởng của thị trường năm 2019 tiếp tục được duy trì ở hai con số với tốc độ tăng trưởng 11,8% về hành khách và 3% về hàng hoá so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt 78,3 triệu hành khách và vận chuyển hàng hoá đạt hơn 1,25 triệu tấn.
Dự báo, năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu hành khách tăng 10,8% so với năm 2019 đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hoá tăng 11% so với năm 2019.
Đánh giá về mức tăng trưởng của vận tải hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, nhiều người dùng từ "nóng" và "rất nóng" là chưa thực sự phù hợp. Các thuật ngữ này chỉ dùng khi sự phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát. Nên dùng từ phát triển nhanh thì phù hợp hơn.
Thời gian qua thị trường hàng không có sự phát triển hết sức ấn tượng. Về thị trường, từ 2008 - 2019, tăng trưởng 17,1% về hành khách, và 13,8% về hàng hoá. Như vậy, sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá.
Về vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần.
Tốc độ tăng trưởng như vậy là nhanh, nhưng hợp lý. Vào những năm 2008 - 2009, xuất phát điểm thấp nên giá trị tương đối về tăng trưởng là cao. Tăng trưởng hàng không gắn liền với tăng trưởng GDP.
Theo dõi khoảng 20 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP. Tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 đến 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng.
"Như vậy, tăng trưởng của ngành hàng không không có gì ngạc nhiên mà đồng hành với nền kinh tế của đất nước. Trong quá trình tăng trưởng vừa qua, thị trường hàng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quản lý nhà nước. Tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ.
Đi đôi với tăng trưởng, công tác đảm bảo an ninh an toàn giữ vững. Chúng ta đang bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối, không nhiều quốc gia có chỉ số tốt như chúng ta.
Cuối cùng, tôi muốn nói là tăng trưởng nhanh như vậy, công tác quản lý nhà nước vẫn đảm bảo, thị trường vẫn phát triển lành mạnh, các hãng hàng không vẫn làm ăn có lãi", Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- ACV, cho rằng, "nóng" theo nghĩa tích cực thì càng nóng càng tốt, nếu chúng ta kiểm soát được an toàn, an ninh. Hàng không phát triển nóng tức là kinh tế phát triển, xã hội ổn định.
Mặc dù không có sự cố đáng tiếc nào gây thiệt hại về người, song, theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2019, lĩnh vực hàng không dân dụng đã xảy ra 95 sự cố, so với năm 2018 tăng 7 sự cố, tương ứng với mức tăng gần 8%. Trước đó, năm 2018, sự cố hàng không cũng ghi nhận mức tăng mạnh so với năm 2017.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, nếu chỉ chăm chăm cấp phép bay mà không giải bài toán hạ tầng sớm sẽ tạo thành cuộc đua xuống đáy của các hãng hàng không. Tình trạng quá tải sẽ quá tải thêm và áp lực quản lý ở sân bay tăng theo.
"Để cạnh tranh hành khách, số chuyến bay ở mỗi sân bay được lên kế hoạch nhiều hơn nhu cầu của hành khách nên tình trạng mua bán gian lận slot có thể xảy ra. Số lượng chuyến bay giờ cao điểm có thể vượt khả năng điều hành không lưu và đe dọa an toàn bay. Việc điều hành không lưu ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài càng phức tạp hơn", ông Tống nói.
Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành hàng không cũng lo ngại tăng trưởng cao chắc chắn đã và đang tạo ra khó khăn, đặc biệt áp lực về hạ tầng. Tốc độ tăng trưởng cao khiến chuyến bay kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí kinh tế. Do đó, hạ tầng phải đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam.
Post a Comment