Anh rể thất nghiệp sau khi lấy vợ được hơn năm, chỉ ở nhà trông con, để mọi gánh vác gia đình cho chị tôi lo.

Nhà tôi có 6 anh chị em, chị gái lớn lấy chồng năm 1997. Năm 1998, chị thứ hai sang Australia du học, mục đích chủ yếu là đi tìm kiếm cuộc sống mới cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Sau 6 tháng, visa du học hết hạn, chị kết hôn.

Anh rể là người cùng quê, gia đình vượt biên sang Australia từ lúc anh mới 13-14 tuổi. Mẹ anh mất sớm nên các anh chị em của anh ít nhận được sự dạy bảo của mẹ. Ba anh mãi sau này mới có vợ nữa. Gia đình anh không được gắn kết cho lắm dù ba anh rất yêu thương con cái. Thời điểm kết hôn, anh đã 31 tuổi, không có ý định lập gia đình cho đến khi gặp chị tôi.

Chị tôi chọn anh giữa hai người thích chị vì nghĩ anh hiền lành, sau này sẽ dễ dàng nếu chị giúp đỡ gia đình tôi. (Sau khi chị đi, vô tình nhà anh về thăm quê. Lúc đó bố mẹ tôi có gửi gắm vì chị tôi sang bên này không có người thân). Anh rể sau này cũng nói lúc đó anh không yêu nhưng vì muốn giúp chị khi visa sắp hết hạn, gia đình bên anh cũng vun vào vì lo anh không lấy vợ. Lúc đó chị tôi 23 tuổi, nhỏ nhắn, khéo léo và cũng rất ưa nhìn.

Ba năm sau khi kết hôn, vợ chồng anh chị có con trai được một tuổi, mua được ngôi nhà đầu tiên. Anh rể thất nghiệp sau khi lấy vợ được hơn năm, chỉ ở nhà trông con, để mọi gánh vác gia đình cho chị tôi lo. Chị tôi có khi làm một công việc nhiều giờ, hoặc hai việc cùng lúc. Về đến nhà quá nửa đêm còn lo dọn dẹp nhà cửa, ăn uống cho cha con anh ngày hôm sau. Mỗi ngày chị chỉ ngủ được vài tiếng.

Anh rể là người tay chân chậm chạp, không có chí tiến thủ, lười lao động, ỷ lại. Hơn 20 năm hôn nhân, anh đi làm được đúng hơn một năm đầu. Còn lại cứ đi làm ở đâu được vài ngày là nghỉ vì chán, hoặc không làm được, hoặc lười làm chủ không chịu được. Chị tôi đi làm quá vất vả, được hơn 10 năm thì bị đau lưng không ngồi dậy được, tay chân tê bì. Chị nghỉ làm mất vài năm, chữa bệnh, tranh thủ đi học và sau đó xoay sở đủ nghề để gia đình có thêm thu nhập. Trong nhà, anh rể hoàn toàn thụ động, ỷ lại, vợ bảo gì làm nấy, những việc của đàn ông trong gia đình không bao giờ anh chủ động làm. Tiền trợ cấp anh chi tiêu cho một mình anh, không bao giờ cho con tiền chứ đừng nói vợ. Thời điểm chị tôi sinh cháu thứ hai, anh rể thậm chí còn mang hết tiền tiết kiệm trong nhà đi đánh bài. Căn nhà đầu tiên bán đi, một phần trả nợ cho anh rể bài bạc.

Chị tôi cũng gánh vác rất nhiều cho gia đình tôi, lần lượt lo cho anh em sang bên này. Anh rể cũng không bao giờ phản đối gì. Chị muốn giúp đỡ gia đình bao nhiêu tiền hay lo cho anh em sang đây như thế nào cũng được. Tuy nhiên chị tôi cũng có trách nhiệm với bên chồng, chăm sóc cha chồng bị bệnh ung thư hơn năm trời lúc ông gần mất, ông rất thương chị tôi. Chính chị cũng nhắc nhở anh qua lại với anh em cho có tình cảm, lo cúng giỗ, hương khói gia đình anh đầy đủ.

Hiện tại gia đình coi như tạm ổn, chị đã mua được căn nhà thứ hai, may mắn có được công việc văn phòng mà chị yêu thích, anh chị em cũng không cần phải lo cho ai nữa. Tuy nhiên cuộc sống gia đình chị thật sự không hạnh phúc. Hai vợ chồng vài năm nay không quan hệ dù chị nhiều lần gợi ý. Giờ chị tôi ngủ với cháu thứ hai 5 tuổi. Chồng không ngủ chung, nằm và ăn ngoài phòng khách đến đêm thì về phòng riêng ngủ. Hàng ngày anh ra khỏi nhà vài tiếng để đi club uống bia hoặc chơi bài dù không nhiều. Về con cái, bao nhiêu năm anh không quan tâm, dạy dỗ đúng cách. Cháu bé thì anh bỏ mặc cho vợ hoặc em vợ chăm. Cháu lớn hơn 17 tuổi thì anh giặt quần áo, làm đồ ăn thậm chí mang vào tận phòng hoặc gắp đồ ăn cho cháu. Cháu lớn giờ cũng rất thụ động, không biết làm gì giống ba. Chị tôi vẫn hết lòng, hết sức vì gia đình, chồng con nhưng hay cáu gắt với chồng, nổi nóng, thậm chí chửi mắng con lớn vì cháu cứ để phải nhắc nhở.

Tôi thật sự buồn và lo lắng cho chị mình. Nhiều lần tôi khuyên chị ly hôn nhưng chị không chịu vì lo anh rể sẽ thành vô gia cư (bên này hàng tuần anh vẫn có trợ cấp đủ ăn tiêu và thuê nhà nếu muốn). Chúng tôi cũng tính đến phương án lo cho anh một chỗ ở nếu ly hôn, chứ không nỡ để anh ra đường tay trắng. Tôi cũng sợ một người như anh rể ở bên cạnh hai con thì có ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của các cháu, sợ các cháu sống ỷ lại, thụ động và không coi trọng giá trị tiền bạc như cha chúng. Anh chị em tôi từ trước tới nay đối xử với anh rể vẫn rất tốt, chỉ có tôi là khó chịu ra mặt với anh thời gian gần đây. Tôi suy nghĩ đắn đo nhiều, có phải mình đang can thiệp quá sâu vào hạnh phúc riêng tư của chị mình, nhưng không đành lòng nhìn chị vất vả sớm hôm trong khi anh rể không làm gì, cũng không quan tâm đến vợ con. Rất mong chuyên gia và các bạn cho tôi lời khuyên nên làm gì để giúp chị thời điểm này. Đặc biệt mong chờ lời tâm sự của hai bạn: Ác Mộng Chi Lê và Thùy Loan, vì tôi thường xuyên đọc chuyên mục này và thích phần bình luận của hai bạn, rất chân thành và hữu ích. Chân thành cảm ơn.

Huệ

Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:

Chào bạn Huệ,

Lá thư của bạn viết khá dài, cũng kể khá tường tận, chi tiết câu chuyện về chị gái bạn và người anh rể trong gần 18 năm qua khi định cư tại nước ngoài. Tất cả cách đánh giá, nhìn nhận trong lá thư này là từ phía bạn – một người em gái thương chị ruột của mình. Vì là người ngoài, có thể bạn đã quan sát và có cái nhìn khách quan về mối quan hệ vợ chồng của chị gái bạn. Ai cũng thấy sự bất công khi người vợ thì chăm chỉ làm lụng, thu vén cho gia đình, con cái, chăm sóc lo toan cả cho gia đình bên chồng, còn người chồng thì ỉ lại, thờ ơ, lười biếng.  

Là em, bạn đã nhiều lần khuyên chị mình ly hôn, nhưng chị gái bạn đến nay chưa đồng ý. Chị bạn vẫn còn bận tâm, lo lắng rất nhiều về người chồng nếu ly hôn.  Vì vậy, điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh với bạn rằng: Với cương vị là nhà tư vấn tâm lý, chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định của thân chủ, để thân chủ tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình (tất nhiên là không vi phạm pháp luật hoặc nguy hiểm tính mạng của thân chủ). Ở đây bạn là người xin tham vấn gián tiếp. Vậy tôi mong bạn cũng cần tôn trọng quyết định này ở chị bạn. Bạn không nên thúc ép hoặc tác động đến việc chị sẽ đưa ra quyết định quan trọng của cuộc đời theo một hướng nhất định.

Quay lại câu chuyện của chị gái bạn. Hơn 20 năm qua, cô ấy đã cam chịu sống với người chồng lười biếng, vô trách nhiệm và ỷ lại. Tại sao cô ấy lại cam chịu lâu như thế? Chị bạn còn yêu chồng mình hay vì thương, nghĩ đến ơn năm xưa nhờ anh ấy mà cô ấy được định cư tại Australia? Hay vì sống với người chồng nhu nhược, cô ấy lại được thoải mái làm những gì mình muốn? Có rất nhiều phụ nữ, dù vất vả lo toan việc nhà, việc xã hội nhưng họ sẽ không phải chờ đợi sự chấp thuận hay ý kiến bàn bạc của chồng. Họ tự quyết vì cho rằng, có hỏi chồng cũng không ích gì. Dần dần, trong mắt người vợ, giá trị của người chồng kém đi rất nhiều. Bản thân người chồng cũng thấy mình thật vô dụng, nếu đã có vợ tài ba, giỏi giang như vậy thì cứ để cô ta làm đi, còn mình tự do, tự tại.

Liệu đã bao giờ bạn tự hỏi, chị gái bạn có phải đã quá đảm đang, chăm chỉ đến mức làm thay mọi việc của anh rể? Chẳng hạn, vì lần đầu chồng rửa bát chưa tốt, nên người vợ chán nản, quát tháo. Vì lần thứ 2 chồng rửa bát làm vỡ hết bát đĩa, nên người vợ bảo từ lần sau, anh không phải làm, tôi làm vừa nhanh, sạch, đỡ tốn tiền mua bát mới. Cứ như vậy, anh chồng bị tước đi cơ hội được sửa chữa và có thể làm tốt hơn. Và từ đó anh ta "thất nghiệp" rửa bát, cũng đừng hòng động tay đến việc nhà. Những thứ khác cũng tương tự. Điều đó bắt đầu từ những thói quen và cách thức tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình của chính những người trong cuộc.

Tôi cũng rất thắc mắc tại sao anh rể bạn lại có cách đối xử quá khác biệt giữa hai đứa con như vậy? Con lớn thì anh ta chăm sóc chu đáo quá mức nên bây giờ cháu lười biếng, thụ động như bố.

Chị gái bạn quát mắng, chửi bới con lớn có lẽ vì chị ấy đã thực sự bất lực. Vậy chắc chắn giữa chị gái và anh rể bạn cũng tương tự. Như vậy, có thể thấy bây giờ chị gái bạn cũng rất mệt mỏi vì cuộc sống gia đình. Nhưng chị ấy chọn cách cam chịu với thói quen sống với người chồng nhu nhược, tiếp tục làm "ôsin", chu cấp cho chồng con, cho tất cả mọi người. Vậy chị ấy còn có thể tiếp tục làm như thế đến bao giờ? Khi nào chị ấy mới được nghỉ ngơi và sống cho riêng mình? Bạn hãy làm rõ với chị gái rằng người cần thay đổi đầu tiên trong căn nhà đó là chị ấy. Hãy thôi mặc định mình là người mẹ chu toàn từ A-Z, là người vợ làm thay chồng mọi việc. Hãy nghĩ nhiều hơn cho bản thân và tương lai của mình. Nếu chị ấy mãi không thay đổi, chị ấy sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Dù bạn hay các anh chị em khác có thương chị, yêu chị đến mức nào cũng không lo thay, lo hộ cuộc đời của chị và các cháu được.

Bạn có thể khuyên chị, nên giao lại công việc trong nhà cho chồng và các con. Ban đầu cần sự kiên nhẫn và chấp nhận sẽ không ưng ý, nhưng dần dần hãy giao trách nhiệm cho họ. Đối với anh rể của bạn cũng vậy, xưa nay các bạn vẫn tôn trọng và yêu quý anh ấy, gần đây chỉ riêng bạn tỏ thái độ cũng không giải quyết được mọi chuyện của gia đình chị gái.

Về việc tách các cháu khỏi bố. Tôi cho rằng, khá khó vì thứ nhất cháu lớn đã quen có sự phục vụ nhất định của bố trong nhà. Thứ hai, tình cảm cha con là lẽ tự nhiên và cháu đã 17 tuổi, cháu có thể biết bố mình không có nhiều quyền hành cho gia đình nhưng sự yêu thương bố của cháu vẫn nên trân trọng. 17 năm qua cháu đã bị tập nhiễm với hình mẫu của một gia đình không hoàn hảo. Hãy cho cháu tham gia nhiều mô hình tình nguyện viên, hướng đạo sinh. Ở Việt Nam thì cho thanh thiếu niên tham gia các trại hè tình nguyện, hoặc tham gia các tổ chức cộng đồng để cháu thấy ý nghĩa cuộc sống thực tế, biết tự lập và vươn lên. Sự chiều chuộng, nôn nóng, rồi làm thay, làm hộ con khi cháu còn bé là kết quả cho một đứa trẻ 17 tuổi vẫn chưa thể tự lập và có chính kiến riêng. Đáng ra, với độ tuổi này, cháu còn phải là chỗ dựa của mẹ, biết khuyên nhủ bố, giúp cha mẹ nhiều việc trong nhà rồi. Bản thân cháu cần phải được cha mẹ tạo điều kiện và đưa ra những thách thức để biết mình đã trưởng thành, khôn lớn đến đâu.

Thực sự, gia đình chị gái bạn cần một cuộc cách mạng để thay đổi những thói quen sống, từ đó mới thay đổi cách tư duy, nhìn nhận, thấy được trách nhiệm và tình yêu thương của mỗi cá nhân với gia đình. Đây là việc không hề đơn giản vì cuộc hôn nhân này đã diễn ra 20 năm. Nhưng tôi đã chứng kiến, nhiều gia đình đã có cú xoay chuyển sau khi họ tạo ra được "một cú hích", "một cơn sóng" và tìm lại mái ấm. Mọi thứ chưa bao giờ là quá muộn nếu người trong cuộc kiên trì, nỗ lực và đồng lòng. Trên đây là đôi lời gửi gắm tới bạn để bạn có thể chuyển lời đến chị gái mình. Mong rằng, gia đình chị sớm bình yên, hạnh phúc.

Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top