Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Paris
Trên trang web của BBC News Tiếng Việt đã có nhiều bài đề cập đến ngày 30/04/1975 và những diễn biến trong Dinh Độc Lập.
Ba tôi, Bùi Văn Tùng: Chuyện chưa kể sau ngày 30/4/1975
Nhà báo BBC Đỗ Văn nhớ về Đại tá Bùi Tín
Để tôn trọng tính lịch sử của sự kiện, tôi ghi lại nguyên văn những lời kể dưới đây của đại tá Bùi Tín, người vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ông kể cho tôi năm 2018 tại một bệnh viện Paris, nơi ông xin tỵ nạn sau khi rời khỏi Việt Nam, và qua đời năm 11/8/2018 tại Montreuil, thọ 90 tuổi.
“Cảm tưởng khi vào Dinh Độc Lập à. Mệt và đói.Bà con đem bánh mỳ đến xung quanh cho bộ đội. Mô tô hàng mấy chục chiếc, cứ thanh niên trẻ phóng, đậu lại, ngẩng đầu lên chuyền cho mấy ông lái xe tăng rồi lại phóng đi ngay để trở về nhà để kể lại đấy.Mình viết bài xong trong 40 phút. Mình ăn mỳ ăn liền và mấy phong lương khô rồi nằm nghỉ, chớp mắt do mệt quá. Sau đó là phải nhờ ngay cậu lái xe thông tin vào trại David. Ở trại David mới dựa vào thông tin để đánh mooc ra Hà Nội. Bài của mình duy nhất bởi vì bưu điện đóng cửa. Tất cả điện tín, điện thoại đều bị cắt.
Lúc ấy Nguyễn Đình Ước nhận bài và trung tá Hồng Phương biên tập. Có mỗi một bài của mình đưa ra khỏi Sài Gòn ngày hôm đó. Hồng Phương chữa lại câu mình viết là – Một cán bộ cấp cao của ta đã nói: “Các ông không còn cái gì còn có trong tay, người ta không thể giao cái gì người ta không có”. Nói lơ lửng chứ không nói là ai cả.Börries Gallasch và Terzani nhờ mình chuyển bài của họ. Mình bảo rằng, được rồi các ông yên tâm, tôi có cách. Thế là Börries Gallaschtự nhiên lăn đùng ra đất, nói “Tao sướng quá, như thế là mày cứu cho tao rồi.”Có máy bay ra ngày hôm sau nên mình nhận luôn, cho vào cái phong bì to mình gửi cho Thông tấn xã Việt Nam là ông Ngô Điền. Ông này sau làm đại sứ. Ngô Điền lúc đó làm giám đốc TTX. Mình mới viết cái thư là có mấy phóng viên không có cách nào chuyển bài qua bưu điện được, thế thì nhờ anh chuyển hộ. Sau đó một ngày là báo Đức ở Hamburg đăng bài của Gallasch.”
Theo tôi tìm hiểu, khi ở Hà Nội tháng 2.2019, nếu hỏi bài báo ra khỏi Sài Gòn ngày 30/4/1975 của ông cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân ở Thư viện Quốc gia trên đường Tràng Thi Hà Nội thì sẽ không được đáp ứng.
Còn một tấm ảnh này tôi rửa ra từ bộ phim “Hừng đông trên thành phố Hồ Chí Minh” do Xưởng phim Quân Giải phóng ra mắt tháng Năm 1975. Ai biết bộ phim này hiện ở đâu tại Việt Nam?
Ai làm gì trong Dinh Độc Lập?
Ông Bùi Tín kể với tôi về ngày 30/4/1975 trong Dinh Độc Lập: “Tùng và Hân theo tập quán của quân đội là phải tôn trọng người cao cấp nhất. Phải xin ý kiến người cao cấp nhất và để cho người cao cấp nhất có ý kiến giải quyết. Lúc đó họ cũng sợ vì lúc đó cả hai đều là trung tá. Mà ông biết trung tá với đại tá là khác về bậc, chứ không phải khác về cấp.Trung cấp có hai bậc thôi – trung tá và thiếu tá. Thượng tá là bậc khác, coi là cán bộ cao cấp. Họ vào thấy mình là cao cấp hơn, nghiễm nhiên họ nghĩ rằng là việc gì cũng phải trao đổi với mình, thực sự mình là cấp trên nhất để giải quyết. Đấy là tâm lý bình thường”.
Câu hỏi tại sao ông Bùi Tín cấp hàm thượng tá lại là người tiếp nhận sự đầu hàng của VNCH vẫn gây tranh cãi đến bây giờ.
Nghe thật giống câu hỏi có phải Hoàng thân Mikhail Koutouzov (1745-1813) người đè bẹp đạo quân của Napoleon có phải quân Pháp đã bị đâm bởi xe Volga?
Còn việc ‘tiếp quản đầu hàng’ từ Tổng thống cuối cùng của VNCH tại sao đã xảy ra như thế mà không khác đi, không có một lễ bàn giao cao cấp với sự chứng kiến của nhiều nhà báo nước ngoài vẫn chưa bị đuổi khỏi Nam VN ngày 30/04/1075?
Tôi có cách giải thích thế này.
Những người Việt Nam một thời đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp đa số là người nông dân mặc áo lính có trái tim yêu nước thuần hậu, lên đường không phải theo chủ thuyết cộng sản.
Với họ, tổ quốc lâm nguy thì cầm súng, đánh giặc xong quay về với ruộng đồng. Họ đơn giản và trong trắng, dễ bị lừa bởi một ông vua ma mãnh và những quan tham.
Năm 1945, vua Bảo Đại mới 30 tuổi đã bịp được cả Bộ trưởng Thông tin Trần Huy Liệu khi diễn tuồng trao cho cái kiếm rỉ và một cái ấn giả đem về cho chính phủ cách mạng. Không có một văn bản quốc tế nào công nhận sự kiện đó ở Huế.
Ba mươi năm sau ngày 23/8/1945, những cán bộ, bộ đội tiếp quản Sài Gòn vẫn chỉ là những học trò không thuộc bài.
Trong ngày 30/4/1975 khi tướng Dương Văn Minh đợi họ trong gian đại sảnh của Dinh Độc Lập, không ai trong số sĩ quan Bắc Việt, thậm chí ngày hôm sau đã có tướng Trần Văn Trà (Mặt Trận) nghĩ ra điều là phải mời Tổng thống VNCH ngồi xuống một chiếc bàn có khăn trắng và hai lọ mực.
Cuộc chuyển giao của VNCH không có ký một văn bản nào cho MTDTGP hay VNDCCH. Nó không hề giống lễ hạ vũ khí đầu hàng Đồng Minh của Đức, phải ký đến hai lần. Lần thứ nhất vào 2h41 phút ngày 7/5/1945 và lần thứ hai vào 23h01phút ngày 8/5/1945, giờ châu Âu, tức là 01:01ngày 9/5/1945 giờ Mouscow, với Nguyên soái Nga Georgi Zhukov chứng kiến. Charles de Gaulle cũng phải cử một vị tướng đến ký vào để Pháp có phần cùng Liên Xô, Mỹ và Anh. Sau đó Đồng minh tha hồ chiếm đóng, chia cắt các lãnh thổ Đức lại còn được thế giới hoan hô.
Lẽ ra VNDCCH đã sở hữu đầy đủ giấy tờ chuyển giao quyền lực, quyền tài phán, quan hệ ngoại giao với 77 quốc gia, quyền kế thừa VNCH về phương diện quốc tế thì họ có quyền đòi lại những máy bay, tầu thuyền sở hữu của VNCH chạy đi sau biến cố 30/4/1975. Những sở hữu, bất động sản kể cả những tài khoản ký gửi tại các ngân hàng ngoài nước đã tuột khỏi tay người chiến thắng vì họ không mang vũ khí pháp luật trong cuộc hành quân. Nó để lại di hại cho đến bây giờ.
Theo tôi hiểu thì hiện tại Pháp vẫn giữ khoảng 40 triệu đô la từ thời điểm 1975 đang trong vòng tranh tụng. Giá trị lãi suất 30 năm và tỷ suất hiện nay gấp nhiều lần con số đó. Chưa kể những tài khoản khác của VNCH Mỹ đã phong tỏa. Các đảo do VNCH khai thác và có chủ quyền nếu dựa trên những giấy tờ mang tính quốc tế ấy sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong các tranh tụng pháp lý về chủ quyền.
Đại tá Bùi Tín, sĩ quan – nhà báo mang quân hàm cao nhất của QĐNDVN có mặt trong Dinh Độc lập ngày định mệnh đó kể với tôi:
-Thế còn về phía Dương Văn Minh thì mình gặp lại nhiều lần lắm. Ông bảo là khi Nguyễn Văn Hân vào nói là có một cán bộ cấp cao thì họ mới nghĩ rằng chắc là ông này là cao, không biết là tướng hay là gì đấy nên họ bàn chuyện bàn giao chính quyền. Ba ông trao đổi với nhau và nói ngay về vấn đề 16 tấn vàng. Họ ở lại Dinh Độc Lập cho đến ngày mùng 1 tháng 5, sau khi ông Trà vào mới cho về.
Với đại tá Bùi Tín, ông hiểu ngôn ngữ quốc tế của cụm từ “tiếp nhận đầu hàng” là chủ nhà nộp vàng thế là đủ. Cha ông, Thượng thư Bộ Lễ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH không còn để nhắc ông là phải làm giấy tờ, đóng dấu triện son nhận đủ tài sản của vương quốc đang chìm vào bụi tàn.
Ông đúng một nửa, nếu ông nghĩ rằng là ông người được “Chọn mặt gửi vàng” nhận ngân khố quốc gia từ tay thủ tướng Vũ văn Mẫu đồng nghĩa với “chuyển giao nhân phẩm và quyền lực”. Ông sống trong cái thời một ông bố bà mẹ nào đấy khi con cái chưa ra đời đã hứa gả cho nhau.
Ông Bùi Tín kể tiếp:
“Chính mình chơi rất thân với Bùi Văn Tùng nhưng cái câu mà mình nói là ‘Không còn cái gì mà để bàn giao nữa’- thì cậu ta lại nói là câu của Phạm Xuân Thệ. Lúc thì nói là của Thệ, lúc lại nói là của Tùng. Lúc ấy chuyện Nguyễn Công Trang vào là có thật. Ông là đại tá phó chính uỷ quân đoàn, nhưng không hề vào gặp Dương Văn Minh. Mình hỏi thì nói đang bận giải quyết vấn đề thương binh liệt sĩ. Lúc đánh vào Sài Gòn có một số thương binh không biết gửi ở đâu và có một số liệt sĩ chết, không biết đặt ở đâu giữa đường. Chẳng nhẽ lại đưa vào Dinh Độc Lập à? Ông ta nói còn thu xếp và cũng không được nhận lệnh.”
Luôn trở thành nhân chứng khó xử
Hiện nay ông Bùi Tín bị “xóa hẳn” khỏi chính sử của ngành tuyên giáo Việt Nam, kể cả vai trò của ông trong ngày 30/04/1975.
Có dịp sống cạnh ông thời gian ở Pháp, tôi hiểu vì sao ông trở thành một “nhân chứng cồng kềnh”, khó xử cho bộ máy báo chí.
Năm 1984, ông Bùi Tín viết bài về việc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam lem nhem trong việc thực hiện Di Chúc chủ tịch Hồ Chí Minh, cắt xén lời dặn sau “chống Mỹ thành công”cần khoan sức dân, miễn thuế trong hai năm cho cả nước và phải tiến hành ngay chỉnh huấn tránh bệnh kiêu ngạo. Quốc hội Việt Nam buộc phải họp lại, ra nghị quyết. Người dân cả nước, sau mười lăm năm bị ăn quịt, thu lại hạt gạo ngày 30.4.
Ông công bố tư liệu này khi còn đang chức Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Không như những “đồng chí”của ông chỉ nói điều nghịch nhĩ với Đảng sau khi cầm sổ hưu hoặc thì thụt trong đám bạn bè.
Song nếu phải tính con số thóc thu hoạch trong cả nước suốt hai năm tức là sáu vụ lúa mà ông đòi lại cho dân từ tay nhà cầm quyền, mà bắt buộc phải tính trong tiểu sử của ông, thì hình như ai cũng mắc bệnh Alzheimer, hay trí nhớ đoản, hoặc cố tình lú.
Hàng triệu tấn thóc đó có làm giảm tội “phản quốc” của ông Bùi Tín ?
Sau khi sang Pháp, ông Bùi Tín công bố Kiến Nghị Của Một Công Dân, nội dung kêu gọi chính quyền Việt nam tiến hành đổi mới thực sự. Nội dung đã được đài BBC của Anh truyền về Việt nam, tổng cộng khoảng 200 phút trong 14 tuần lễ của năm 1991.
Ông Đỗ Văn của BBC Tiếng Việt hồi tưởng (trong bài trên trang bbcvietnamese 12/08/2018):
“Kế đó vào tháng 11 ông gặp tôi tại Paris và cho biết có nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Paris chuyển về một kiến nghị do ông soạn thảo, nói tới những ưu tư và phương hướng cần phải theo đuổi để cứu vãn cho “chế độ” thoát khỏi tình trạng khó khăn về các lãnh vực kinh tế và chính trị.
Theo tôi, ông là một nhân vật trí thức, hiểu biết nhiều và có lẽ quá ưu tư khắc khoải về vận mệnh của dân tộc, nếu không nói là thái quá.
Ông Đỗ Văn của Đài BBC vẫn còn bị ám ảnh bởi luật không viết thành văn ở Việt Nam:
“Cùng lúc ông Tín trao cho tôi một bản sao kiến nghị này và nhờ phổ biến trên làn sóng của Ban Việt ngữ Đài BBC. Phản ứng tức thời của tôi là nếu bản Kiến nghị đó được công khai phổ biến, liệu ông Bùi Tín có e ngại đến những di luỵ tới bản thân hoặc thậm chí tới cả gia đình của ông nữa. Nhưng câu trả lời của ông đã khiến tôi có những suy nghĩ khác.
Tôi cho rằng lúc ấy ông vẫn còn là một người cộng sản trung kiên. Kể cũng lạ là sau khi Bản Kiến nghị của ông Bùi Tín được công bố trên Đài BBC mãi vài tuần lễ sau mới có phản ứng bất bình của Hà Nội và vẫn chưa có sự công khai cách chức Phó Tổng biên tập tờ Nhân Dân, mặc dầu trên các hệ thống truyền thông báo chí nước ngoài cho biết Bản Kiến nghị của ông Bùi Tín đã gây ra chấn động nhân tâm trong nước.
Tôi nhớ ông Bùi Tín ở Pháp ra sao?
Ở Paris, ông Bùi Tín sử dụng thành thạo ngôn ngữ Pháp học được từ những năm tại trường Quốc học Huế. Sông Seine vẫn trôi lững lờ dưới chân cầu Mirabeau như trong thơ Apollinaire, ông gặp lại cô người tình học sau ông một lớp, mê ông từ thời học sinh ở Huế, khi ông đến lớp bằng xe gọng đồng có phu kéo, cha ông là một trong 5 quan Thượng Thư Đại thần của vua Bảo Đại. Họ đi chơi bãi biển Deauville với nhau, da rám nắng đẹp đẽ, uống champagne. Ông như sống lại thời thanh niên sôi nổi khi hát “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi.“
Luật pháp bảo vệ ông như những bức tường bằng kính của tiệm cà phê trên đường St. Ambroise mỗi sáng ông ghé uống cà phê. Ông cười với những cô bạn gái mới, ông bị lây những tiếng cười như tiếng nổ nút chai champagne ‘pùm, pùm’, hay khe khé, hay ho sặc sụa như bị tương cải cay Dijon sực lên mũi, ông cùng bạn bè đàm tiếu chuyện tổng thống Mitterrand xây cái Kim Tự Tháp pha lê khổng lồ trên sân điện Louvre vì trót buông lời với người tình. Ông sao nhãng, quên rằng ở Việt Nam xa xôi, đất nước của ông vẫn tồn tại những quan phụ mẫu, làm quan như là làm bố mẹ dân.
Sau này những người cộng sản Trung Quốc còn cho người dân đất nước ông món đồ hộp “Chuyên chính vô sản” xào nấu cho rất nhiều ớt theo kiểu nhà nghèo châu Á. Những Luật Nhân quyền quốc tế, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trịđược dán như những chiếc bùa trừ tà, bị lấp đi dưới những bức tranh cổ động ba người lực lưỡng, một cầm búa, một cầm liềm, một cầm súng phía sau là một lá cờ đỏ khổng lồ. Ông cẩu thả không nghĩ đến nơi đến chốn sẽ bị khép vào tội phản quốc, nông cạn cho rằng ví thử mình nói năng quá khích cũng chỉ phải ra tòa về vu cáo sai.
Ông đã đưa Kiến nghị của ông cho cụ Trường Chinh từ năm 1986, hồi ngày ngày xe Volga đen đón ông lên Hồ Tây viết hồi ký cho Tổng Bí thư rồi kia mà? Ở bên Pháp ông cũng nhờ Sứ quán ở đây chuyển Thỉnh nguyện thư về nước, rồi ông gửi đến BBC, đúng trình tự báo cáo? Ông dám nghĩ là chân thật, bắt chước Phan Chu Trinh một cách vớ vẩn như thế?
Ông Bùi Tín đã mất năm 2018 ở Pháp.
Ông đã sai khi hiểu máy móc Jules Roy (1907-2000): “Nước Pháp đã nêu điển hình với thái độ hoàn toàn dửng dưng đối với quân đội của mình và cái tội ác do thiếu trách nhiệm ấy gọi là tội không cứu giúp người đang lâm nạn. Đối với một công dân bình thường, tội đó bị pháp luật trừng trị, khi cả một dân tộc phạm tội, nó dẫn đến tội đào nhiệm tập thể, một dân tộc khó đứng dậy nổi sau tình trạng đó và một ngày kia, nó sẽ trả giá bằng sự diệt vong của chính mình.”
Lịch sử luôn thay đổi…trên báo VN
Chiếc ảnh Quân đoàn Hai tặng ông Bùi Tín mang đi từ Việt Nam như một sự trớ trêu nữa. Chiếc ảnh đặc biệt để tặng những người đặc biệt được dựng lại để chiếc xe tăng 843 thay vị trí húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập của tăng 390 như báo chí Việt Nam đưa tin.
Ghét xe tăng Trung Quốc 390 hay vì lý do nào khác mà chiếc tăng Liên Xô 843 do Bùi Quang Thận phải đóng thế vai? Chúng ta đang xem”Cuộc chiến đấu ngồi-Der Sítzkrieg”nhại lại Blitzkrieg-Cuộc Chiến tranh chớp nhoáng trong tiếng Đức hay cuộc “Chiến đấu Nực cười-La drole de Guerre” của những tranh cãi, tranh công?
Không thấy một dòng nào thuật lại số phận của 200 người lính của Quân Đoàn II không còn được ăn bữa cơm tối hòa bình đầu tiên.
Tiziano Terzani của báo Der Spiegel viết: “Trên đại lộ Công Lý, những chiếc xe tăng khác cũng tiến lại. Đó là tiền quân của đội hình tăng kéo về từ hướng Đông, vượt qua Tân Sơn Nhất, nơi họ đụng độ với một đơn vị quân lực VNCH ngoan cường chống trả. Năm xe T54 và 200 lính Giải Phóng đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. ”
Sao chỉ có Nguyễn Duy là nhớ bạn bè nằm xuống với “Tiếng tắc kè với lời mong sắp về ” ?
Lá me vàng lăn tăn rải thảm phố hè
chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
hột mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay
Người bạn tôi không về tới nơi này
anh nằm lại bên kia cầu xa lộ
anh gục ngã trước cửa vào thành phố
giây phút lạnh lùng chấm dứt cuộc chiến tranh
Đồng đội, bao người không “về tới” như anh
nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa…
tất cả họ, suốt một thời máu lửa
đều ước ao thật giản dị:
sắp về!
Nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder (09/06/1947-3/9/2008) – người chụp tấm hình xe tăng 390 húc đổ cánh cửa Dinh Độc Lập-cũng đã mất năm 2008. Tấm ảnh chụp từ chiếc Nikon của bà lật tẩy sự dối trá cố tình từ 20 năm trước.
Chả có Phạm Xuân Thệ nào húc đổ cổng Dinh mà chỉ có êkíp xe tăng 390 của lữ đoàn 203, Quân đoàn II của trung úy Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Nguyễn Văn Tập, Lê Văn Phượng. Họ bị khuất sau những Bùi Xuân Thệ, Bùi Văn Tùng.
Tôi nhìn vào bức ảnh cuối cùng kết thúc cho bài viết là ảnh ông Bùi Tín chụp sau trận Đồ Xá, Chiến khu 5, năm 1971 của quân VNCH.
Vừa đúng 7 người, như tuyên truyền của VNCH hồi đó nói “7 Việt Cộng đu một cọng đu đủ không gẫy“. Người thứ hai từ trái sang là người ngày 30/4/1975 tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của VNCH. Người đã cùng tướng Giáp, đại tá Lê Trọng Nghĩa hát năm 1945:
“Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.
Post a Comment