Trong một thông cáo được Bộ Ngoại giao phát đi ở thời điểm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị cần nhanh chóng thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới.
CPTPP được ký kết là một "cái kết đẹp" cho các thành viên CPTPP sau rất nhiều vòng đàm phán tưởng chừng bế tắc nhất là kể từ sau khi Mỹ tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – tiền thân của CPTPP hiện nay.
CPTPP, với nhiều tiêu chuẩn cao
Hiệp định này về cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...
Ngoài ra, hiệp định này cũng đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát
Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Hoa Kỳ không còn nữa nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam và vì vậy, hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
"Hơn nữa, CPTPP sẽ là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ quay trở lại tham gia và sự tham gia của các nước khác", Bộ Ngoại giao nhận định.
Để có thể tận dụng cơ hội mà CPTPP đem lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
"Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển". Bộ Ngoại giao khuyến nghị
Bởi CPTPP chỉ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác thành viên CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.
Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Post a Comment