Đây là nguyên tắc mới được bổ sung vào dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 12/3.
Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2017.
Tại đây, một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc trong hoạt động đo đạc và bản đồ: bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên không và trên biển; bảo đảm tính kế thừa sử dụng chung, chia sẻ thông tin để bảo đảm thống nhất, không gây lãng phí; xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động đo đạc bản đồ; các hoạt động đo đạc bản đồ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ, môi trường cho biết, ý kiến xác đáng nói trên đã được tiếp thu.
Dự thảo luật đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; công trình hạ tầng đo đạc, thông tin, dữ liệu. Sản phẩm đo đạc và bản đồ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng chung, quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật…
Liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động bản đồ, một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng không nên thể hiện quá cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong hoạt động đo đạc và bản đồ. Khi cần quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện các nội dung đo đạc và bản đồ thì Chính phủ sẽ phân công trực tiếp.
Nghiên cứu ý kiến này, Thường trực Ủy ban thẩm tra và ban soạn thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hai phương án để tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Quốc phòng cũng như các bộ ngành khác triển khai tại những địa điểm nhạy cảm, thời gian nhạy cảm, nhất là những vấn đề liên quan đến biển đảo và chủ quyền quốc gia, vì lúc đó triển khai sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể triển khai được, ông Dũng cho biết.
Phương án được hai cơ quan chọn là phương án hai: "1. Nội dung đo đạc và bản đồ quốc phòng bao gồm:
a) Xây dựng, quản lý, khai thác hệ tọa độ quân sự; hệ thống điểm tọa độ, điểm độ cao quân sự; hệ thống định vị dẫn đường, hệ thống không ảnh dùng cho quân sự;
b) Xây dựng các loại bản đồ chuyên ngành dùng cho quân sự; cơ sở dữ liệu địa lý phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng;
c) Đo đạc, khảo sát, nghiên cứu biển phục vụ mục đích quốc phòng;
d) Các hoạt động đo đạc và bản đồ khác bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo phân công của Chính phủ.
2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ quốc phòng".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu khi trình dự thảo luât ra Quốc hội phải giải thích rõ căn cứ từng phương án để Quốc hội thảo luận.
Cũng liên quan đến quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng cần quy định trách nhiệm của cơ quan nước ngoài, chẳng hạn như Google trong hoạt động đo đạc và bản đồ để đảm bảo chủ quyền và bản quyền.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo mới nhất trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Post a Comment