Tiếp tục phiên họp thứ 22, chiều 12/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ  sung một số điều của Luật Giáo dục.

Dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung đối với 50 điều, bãi bỏ 10 điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 1 mục và 3 điều mới, thay thế hoặc bãi bỏ một số thuật ngữ để phù hợp với pháp luật hiện hành.

Các nội dung được sửa đổi liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục và văn bằng, chứng chỉ để bổ sung tính mở, liên thông của hệ thống giáo dục quốc dân; điều chỉnh mục tiêu giáo dục, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng cá nhân người học.

Lần sửa đổi này Chính phủ cũng đặt vấn đề về khung trình độ quốc gia để quản lý theo chuẩn đầu ra và làm cơ sở liên thông, sửa đổi các nội dung liên quan đến giáo dục phổ thông, chỉ rõ các hướng di chuyển của người học trong hệ thống, tăng cường tính phân luồng, bổ sung vai trò của giáo dục thường xuyên trong thúc đẩy giáo dục cho người lớn.

Thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, chưa làm rõ được khái niệm, các đặc trưng, phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở cũng như chưa làm rõ cơ chế, quy trình và cách thức tổ chức quản lý trong liên thông và trong phân luồng.

Thu hẹp chủ thể lập trường

Một trong những sửa đổi cụ thể là hệ thống cơ sở giáo dục.

Điều 48 dự thảo đã sửa đổi quy định về nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng bổ sung loại hình trường có vốn đầu tư nước ngoài, giới hạn trường dân lập chỉ có ở giáo dục mầm non, định nghĩa trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

Cơ quan thẩm tra nêu rõ, theo quy định mới, chủ thể thành lập nhà trường được thu hẹp, theo đó chỉ gồm: nhà nước, cộng đồng dân cư (được thành lập trường dân lập ở giáo dục mầm non) và các nhà đầu tư, tức các cá nhân và tổ chức kinh tế. Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, dự thảo Luật chỉ quy định tên gọi, không quy định cấp đơn vị hành chính cụ thể, bổ sung quy định loại hình cơ sở giáo dục thường xuyên gồm công lập và ngoài công lập.

Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị ban soạn thảo xác định lại các loại hình nhà trường, các hình thức tổ chức cơ sở giáo dục khác cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo để điều chỉnh trong luật. Đồng thời quy định lộ trình chuyển đổi loại hình hoặc chủ sở hữu (nếu có), bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước và phù hợp với thực tiễn.

Theo cơ quan thẩm tra thì trong thực tiễn hiện nay vẫn có trường dân lập ở các cấp học khác, trường do các tổ chức không phải tổ chức kinh tế thành lập theo Luật Giáo dục hiện hành, các trung tâm cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo, các hộ giữ trẻ gia đình… đang tồn tại, hoạt động và có xu hướng phát triển.

Sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm

Với quy định liên quan đến người học, Chính phủ đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm, tờ trình dự án luật nêu rõ.

Loại ý kiến thứ nhất tại Thường trực cơ quan thẩm tra tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Thường trực Ủy ban cũng nhấn mạnh, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra cần sửa đổi các quy định có liên quan về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào.

Một vấn đề quan trọng khác là cần nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Chưa đổi mới

Chính phủ cho biết dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định quản lý nhà nước về giáo dục, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam.

Thường trực cơ quan thẩm tra đánh giá, các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục vẫn chưa thể hiện được quan điểm đổi mới quản lý giáo dục theo hướng quản lý chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đề nghị từ cơ quan thẩm tra là dự thảo luật cần phân định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước. Phân định rõ hơn công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo, điều chỉnh quy định về nội dung quản lý giáo dục theo hướng quản lý nhà nước chỉ nên tập trung vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật.

Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì cần đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục, mở đường cho những vận động, đổi mới và sáng tạo khác trong tổ chức giáo dục. Trong sự đổi mới đó, tự chủ của cơ sở giáo dục cần được hiểu là một quyền tự thân, không phải là hệ quả đi kèm với năng lực tài chính của cơ sở giáo dục, cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top