Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có bài viết về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua và những bài học kinh nghiệm sâu sắc và quan điểm chủ đạo về điều hành trong thời gian tới của Chính phủ. VnEconomy xin được trích đăng những ý kiến tâm huyết của Người đứng đầu Chính phủ về vấn đề này.
Theo Thủ tướng, bài học lạm phát gắn với khủng hoảng nợ công ở nhiều nước là những kinh nghiệm sâu sắc trong điều hành kinh tế vĩ mô. Việc tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng đòi hỏi điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức linh hoạt, đặc biệt là trung hòa ngoại tệ, tránh gây sức ép lạm phát mà chúng ta đã gặp phải vào đầu năm 2008.
"Đã tạo được không khí phấn khởi toàn xã hội"
Trong bài viết của mình, Thủ tướng nhấn mạnh, trong phát triển kinh tế thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa và vai trò quan trọng trên nhiều phương diện, đặc biệt là mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế. Có ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền mới tạo điều kiện thuận lợi để duy trì trật tự và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại, tăng trưởng kinh tế tạo nền tảng cho ổn định vĩ mô thông qua bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối hàng tiền, tiết kiệm đầu tư; thu chi ngân sách Nhà nước, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với nước ta, mặc dù nền kinh tế có những thời điểm xảy ra lạm phát cao, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô do trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, tiềm lực kinh tế còn yếu, khả năng chống chịu trước những biến động kinh tế thế giới và trong nước còn hạn chế; nhưng nhìn tổng thể, chúng ta đã nỗ lực không ngừng để bảo đảm ổn định vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Nhìn lại tổng thể năm 2017, vượt qua những khó khăn thách thức từ bên trong và bên ngoài, chúng ta rất vui mừng trước tình hình kinh tế - xã hội đất nước chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực; đặc biệt kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định là một thành công lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Hàng loạt chỉ tiêu trọng yếu của nền kinh tế như GDP, CPI, xuất khẩu, thu hút FDI, tỷ giá, lãi suất…đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
"Quyết tâm đổi mới của Việt Nam và những kết quả quan trọng đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 cũng đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáu bài học kinh nghiệm
Theo Thủ tướng, từ thực tiễn thời gian qua, chúng ta có thể rút ra nhiều kinh nghiệm sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất, việc điều hành kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt giữa các công cụ chính sách, cả về mức độ, liều lượng, thời gian thực hiện. Hoạch định và điều hành kinh tế vĩ mô cần "kiến trúc sư trưởng" hay "nhạc trưởng", trong đó cần xác định rõ từng loại chính sách, sự phối hợp và mức độ ưu tiên hợp lý giữa các chính sách trong từng thời kỳ, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Thứ hai, cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ tác động, ảnh hưởng của từng chính sách để đưa ra đối sách, giải pháp phù hợp, đúng thời điểm. Hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều có những điểm chung là: Phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực; tác động qua lại lẫn nhau; có độ trễ chính sách và tác động tâm lý lớn; phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, điều kiện thực hiện.
Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, các chính sách vĩ mô, kể cả được thiết kế tốt nhưng không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội hoặc không đúng thời điểm thì khó có thể phát huy hiệu quả, nhất là trong nhũng lĩnh vực có độ nhạy cảm cao như tài chính, tiền tệ, giá cả.
Thứ ba, một trong những đặc trưng của kinh tế thế giới đương đại là biến động nhanh, liên tục, khó dự báo, đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để đưa ra những đối sách, giải pháp kịp thời, phù hợp, sát thực tế đối với những vấn đề thực tiễn đặt ra,phát huy được sức mạnh tổng hợp và không ngừng đổi mới sáng tạo trong hoạch định và thực thi chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Nếu không có chính sách phù hợp thì có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường trong nước, qua đó tác động đến tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế.
Thứ tư, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phải đứng trên phương diện tổng thể toàn bộ nền kinh tế và phải phù hợp với đặc điểm đất nước trong từng thời kỳ, trong đó phải xác định rõ việc hoạch định chính sách vĩ mô phải dựa trên cơ sở nền tảng vi mô, nhất là các tác động, ảnh hưởng qua lại đến các chủ thể chính trong nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp, người tiêu dùng (hộ gia đình).
Thứ năm, xây dựng hệ thống thông tin công khai minh bạch và năng lực phân tích, dự báo có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong hoạch định và chỉ đạo điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô. Muốn xây dựng được chính sách tốt, cần có hệ thống thông tin đầy đủ, có chất lượng và nghiên cứu, phân tích có chiều sâu, đánh giá tác động, ảnh hưởng trên các phương diện để lựa chọn phương án, công cụ chính sách phù hợp nhất.
Thứ sáu, trong điều hành kinh tế vĩ mô, con người là yếu tố quyết định cả trong hoạch định và thực thi chính sách. Thực tiễn cho thấy nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng còn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng thực hiện nhiệm vụ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, dẫn đến một số cơ chế chính sách chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, mới ban hành đã phải sửa đổi, hoàn thiện.
Những định hướng, giải pháp quan trọng
Trong bài viết của mình, Thủ tướng cho rằng, đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường…đã và đang tác động lớn đến sự ổn định, trật tự kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế vĩ mô và nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta.
Khó khăn, thách thức còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn vĩ mô, đặc biệt là rủi ro lạm phát tăng cao trước những biến động giá năng lượng, hàng hóa cơ bản trên thế giới, sức ép của thực hiện lộ trình thị trường hóa giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế và những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ.
Nhu cầu chi đầu tư phát triển rất lớn trong khi nguồn lực nội tại còn hạn hẹp; nguồn lực bên ngoài biến động do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Tính ổn định, bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh ngày càng gay gắt dưới tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Do đó, quan điểm chủ đạo về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới là: Điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa và đồng bộ giữa các công cụ chính sách để bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017 và tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
Thời gian tới cần tập trung thực hiện một số định hướng chính sách, giải pháp trọng tâm, trong đó lưu ý phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; điều hành cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp, tránh gây sức ép lên lạm phát; thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, nhất là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay tiêu dùng và bất động sản; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.
Phải giữ ổn định giá trị đồng tiền, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, không để biến động lớn, phù hợp với diễn biến lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối; có kịch bản đối phó với các cú sốc từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế…
Cùng với đó là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bảo đảm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, mở rộng và không để xói mòn cơ sở thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp.
Tập trung giải quyết hiệu quả bài toán phân bổ hợp lý nguồn lực trên phạm vi cả nước, từng ngành, vùng, địa phương. Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển có thể xem xét, tập trung nguồn lực cho những vùng, khu vực, đối tượng có hiệu quả sử dụng cao nhất để tạo ra "chiếc bánh" to hơn; sau một thời gian sẽ có nguồn lực lớn hơn để phát triển cân bằng, bền vững cho các vùng, khu vực, đối tượng còn lại, như Trung Quốc đã làm trong thời gian đầu của quá trình đổi mới.
Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường để sớm tiến tới không bao cấp tiếp giá điện và các dịch vụ giáo dục, y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo; qua đó góp phần giảm những tác động, ảnh hưởng bóp méo đến quyết định đầu tư kinh doanh.
Thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng vi mô vững chắc cho ổn định vĩ mô. Xác định rõ những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh chủ đạo để có những chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp theo cơ chế thị trường, đặc biệt chú trọng khâu tiêu thụ sản phẩm, đầu ra.
Hội nhập quốc tế đặt ra những thách thức lớn về ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng là cơ hội tốt để đổi mới công tác hoạch định và thực thi chính sách. Chúng ta cần huy động, sử dụng hiệu quả các hỗ trợ kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tăng cường năng lực phân tích dự báo về kinh tế vĩ mô trên phương diện tổng thể nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Phải tận dụng tốt hơn các cơ hội, nhất là từ các Hiệp định FTA thế hệ mới mang lại trong thời gian tới.
Cuối cùng là phải nâng cao chất lượng toàn diện công tác điều phối chính sách. Phát huy mạnh mẽ vai trò các Bộ, cơ quan tổng hợp và các Bộ quản lý ngành dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng chính sách vĩ mô phai bảo đảm nguyên tắc không vì lợi ích cục bộ mà vì tổng thể.
"Với nhiều tín hiệu lạc quan từ quốc tế và trong nước, dự báo kinh tế vĩ mô và tăng trưởng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan trong bối cảnh tình hình biến đổi nhanh, khó dự báo với nhiều rủi ro tiềm ẩn", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng khẳng định: Kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá, là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Chúng ta cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình quốc tế, trong nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều hành kinh tế vĩ mô vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chủ động, linh hoạt, luôn bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
Post a Comment