Tôi đang sống tại TPHCM, lấy chồng được 2 tháng sau hơn 2 năm yêu nhau. Chúng tôi tuy thương nhau nhưng rất khắc khẩu. Thời gian đầu do tôi chưa có nhiều tình cảm, hay đi chơi với bạn bè, nên không quan tâm nhiều đến anh. Hơn nửa năm sau, tình cảm lớn lên nên tôi cũng dần thay đổi, nhưng lại theo hướng tiêu cực hơn. Tôi dành hầu hết thời gian cho anh, nếu muốn gặp mà anh bận đi với bạn bè, tôi sẽ gây sự rồi giận hờn. Anh cũng không nhịn mà nặng lời trách mắng, nói tôi quá kiểm soát anh. Nhiều lần tôi muốn dừng việc kiểm soát anh lại mà không được. Tôi như vậy là do có một lần, biết tôi không thích nhưng anh vẫn lén kết bạn rồi chat riêng với một cô gái trên mạng xã hội. Khi bị tôi phát hiện, anh nói do tôi không thích nên càng muốn làm. Tuy về sau anh đã dành nhiều thời gian hơn cho tôi, nhưng mỗi lần cãi nhau đều trách tôi không làm được gì cho anh ngoài việc kiểm soát quá chặt. 

Trước khi quyết định kết hôn, tôi vẫn lưỡng lự vì hai đứa chưa thật sự hiểu nhau. Mỗi lần cãi nhau tôi đều khóc, anh nói với tôi rất nặng nề, mới 2 năm mà tôi ốm đi rất nhiều. Sau khi cưới, được bên nhau là hạnh phúc, nhưng anh luôn nghĩ tôi quá kiểm soát, lúc cãi nhau vẫn nặng lời. Bình thường anh rất thương tôi, nhưng mỗi khi mệt, lo lắng hay bực bội gì đó, anh rất khó chịu, nặng lời với tôi. Tôi cũng không muốn kiểm soát anh quá nhưng sao không làm được. Anh đi đâu trễ chưa về là tôi khó chịu và gọi cho anh. Tôi thật sự rất mệt mỏi, muốn bỏ đi, không ở với anh nữa. Mong chuyên gia và bạn đọc cho tôi lời khuyên nên làm gì bây giờ. Tôi xin cảm ơn.

Thùy

TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN gợi ý:

Chào Thùy,

Rất mừng vì em đã nhận ra vấn đề của mình và có mong muốn thay đổi. Tiếp tục kiểm soát không làm em trở thành một người vợ lý tưởng trong mắt chồng, mà còn khiến anh ấy có cảm giác như nhà có thêm một phụ huynh. Về lâu dài, nó sẽ phá hoại sự tin tưởng, gắn bó và tình cảm giữa 2 người.

Em đã có cảm giác mất an toàn về mối quan hệ của 2 người ngay từ khi quen nhau cách đây 2 năm. Những người mất an toàn thường kiếm cớ để đổ lỗi cho hành vi của mình, ví dụ như “tại anh ấy lén kết bạn với một cô gái khác”, nhưng thực sự cảm giác này đến từ bên trong em. Tôi đoán em hay nghĩ: mình có nhiều nhược điểm và không đủ tốt, mình sẽ không ổn nếu không có anh ấy bên cạnh, có vấn đề gì xảy ra thì mình sẽ chẳng tìm được ai tốt hơn, hoặc mình không thực sự đáng yêu nên anh ấy mới bị người khác hấp dẫn. Chính những suy nghĩ này sẽ khiến em có hành vi kiểm soát như kiểm tra điện thoại, lịch làm việc, lúc nào cũng muốn biết chồng đang nói chuyện hay đi chơi với ai, thường xuyên tạo “tình huống dằn dỗi” để xem bạn đời có chú ý đến mình không, chỉ để cảm thấy an tâm hơn. Với cảm giác mất an toàn, em có thể rất muốn ly hôn nhưng tôi tin là em không đủ dũng cảm để thực hiện.

Vậy, hiện tại em cần làm gì? Hãy chú ý đến những lúc em cảm thấy không an toàn về mối quan hệ và thử thực hiện những điều sau:

+ Hãy làm điều gì đó cho chồng. Thường khi cảm thấy mất an toàn, người ta chỉ chú ý đến những thứ họ thiếu. Nhưng khi làm việc gì đó cho chồng, em sẽ chú ý đến những cái mình có. Chồng em sẽ phải suy nghĩ cách để đền đáp lại cử chỉ đẹp này.

+ Xây dựng sự tự tin cho mình bằng cách chú ý vào những điểm mạnh, sở trường của bản thân. Em nên nghĩ đến những điều mà chồng thích ở em, bạn bè ngưỡng mộ, cha mẹ đánh giá cao.

+ Trở nên độc lập và tự chủ hơn bằng cách chịu khó chăm sóc bản thân, thỏa mãn một chút những nhu cầu, sở thích của mình, dành thời gian cho bạn bè của em, đặt mục tiêu cho tương lai, dành dụm một khoản tài chính riêng. Khi làm vậy, em sẽ hướng đến những điều cao hơn cả mối quan hệ và sẽ cảm thấy an toàn hơn.

+ Học cách tin tưởng bản thân mình. Dù chồng có làm gì, em hãy tin mình vẫn chăm sóc tốt được bản thân. Học cách tin tưởng để nói lên những cảm xúc của mình thay vì giấu đi. Học cách tin rằng những nhu cầu cá nhân của mình cũng quan trọng và cần được đáp ứng như nhu cầu của chồng.

Đồng thời, để giảm tần suất kiểm soát chồng, em đặt ra nguyên tắc mỗi lần muốn nhắn tin, gọi điện kiểm tra sẽ chỉ ghi nội dung ra giấy. Đến cuối ngày, em dành 10 phút nói chuyện với chồng về những điều vẫn còn thắc mắc. Bằng cách này, em sẽ nhận ra những điều trùng lặp hoặc không còn quan tâm chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Nếu vẫn không thể tự giảm được hành vi kiểm soát, em sẽ cần đến chương trình can thiệp trị liệu tâm lý với những bài tập nhỏ. Chúc em vững vàng.

Muốn được TS.Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top