Vấn đề then chốt nhất trong thảm họa cá chết vẫn là: Niềm tin của người dân chưa được khơi thông thì thị trường hải sản vẫn bị tắc nghẽn.

Dân chưa ăn cá thì tàu thuyền cứ phải nằm bờ kéo theo hàng chục vạn người thất nghiệp và những thứ tồi tệ khác đến sau.

Lẽ ra, với tình cảnh này thì sự kiện công bố hiện trạng biển miền trung sáng nay của Bộ Tài nguyên Môi trường phải được người dân nín thở chờ đợi. Và khi kết quả công bố là biển đã sạch với các số liệu chứng mình đi kèm thì lẽ ra dân tình phải thở phào nhẹ nhõm mới phải.

Song, mọi thứ lại không diễn ra như vậy.

Vì sao thế?

Khủng hoảng niềm tin. Nhiều người không còn tin vào những kết luận từ phía Chính phủ nữa.

Bộ TN-MT, ngay cả khi có thể rất giỏi về chuyên môn đi chẳng nữa, thì thời gian vừa qua đã tỏ ra rất kém về truyền thông.

Họ cứ nghĩ rằng hôm nay công bố kết quả như vậy, hệ thống tuyên truyền đưa tin thì dân chúng sẽ vỗ tay rào rào hoan nghênh.

Muốn người ta tin vào KẾT QUẢ thì QUÁ TRÌNH đưa đến kết quả đó phải khách quan, trung thực và minh bạch.

Ở đây có ít nhất 3 vấn đề trong quá trình dẫn đến kết luận BIỂN ĐÃ SẠCH vừa qua:

Các cơ quan môi trường Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và ít nhất là 2 chính phủ Hoa Kỳ và Đài Loan đã có lời đề nghị giúp đỡ Việt Nam về mặt chuyên môn trong tìm kiếm nguyên nhân và xử lý hậu quả thảm họa môi trường này. Vì sao không được chấp thuận?

Để trấn an dư luận có thời điểm Bộ TN-MT đã mời các đoàn chuyên gia của Nhật, Đức, Israel vào cuộc. Kết quả khảo sát của các đoàn ấy thế nào, sao không thấy công khai?

Đối với những cơ quan đứng sau kết luận này bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, “tính khách quan, trung thực về mặt khoa học” hay “chức năng thực hiện những nhiệm vụ chính trị” là ưu tiên cao hơn của họ, khi mà những người đứng đầu các cơ quan này đều là đảng viên, không được phép nói và làm trái nghị quyết, dù chỉ là nghị quyết của cấp ủy đảng cơ sở của họ? Liệu có xung đột lợi ích không?

Đó là chưa kể cũng chính Bộ TN-MT là nơi ban đầu đã đưa ra nguyên nhân thủy triều đỏ cho thảm họa cá chết, để sau đó lại bác bỏ nó. Phủ nhận nghi vấn Formosa là thủ phạm, rồi cuối cùng lại kết luận tập đoàn này gây ra thảm họa.

Tóm lại, thiếu tự do học thuật, thiếu các viện nghiên cứu độc lập tách rời khỏi sinh hoạt đảng phái trong khi các tổ chức xã hội dân sự và báo chí bị kiềm kẹp, thật không dễ để những kết luận của Chính phủ lấy được lòng tin của người dân, nhất lại là trong các vấn đề chuyên môn khoa học, xa lạ với đa số mọi người.

Càng ôm bằng hết vào mình, nào là trường đại học, viện nghiên cứu, báo chí và cả các tổ chức xã hội, trớ trêu thay, Chính phủ lại càng đơn độc trong mỗi phát ngôn của mình.

Bởi đấy là những phát ngôn ngay từ đầu đã chối từ sự phản biện.

Nguyễn Anh Tuấn

Nhà Báo Tự Do

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top