Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm trong dự thảo trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nhận được sự quan tâm lớn và có nhiều ý kiến khác nhau.
Còn theo các chuyên gia, việc điều chỉnh thời gian đóng là vấn đề cần cân nhắc thận trọng, mục tiêu là có lương hưu dù với mức thấp còn hơn không.
"LƯƠNG HƯU THẤP CÒN HƠN KHÔNG CÓ GÌ"
Chia sẻ với VnEconomy, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nói rằng, đề xuất trên thực chất là để xử lý tình huống đối với những người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, còn mục tiêu chính của chính sách bảo hiểm xã hội vẫn là phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.
Theo ông Huân, trước năm 2014 với thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì được hưởng mức lương hưu tối thiểu là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, sau đó tăng lên mỗi năm 2% với nam và 3% với nữ.
Tuy nhiên, với công thức tính lương hưu như vậy, rõ ràng mức hưởng vẫn cao hơn so với mức đóng, do đó để cân bằng lại luật đã được sửa đổi tăng dần lên 20 năm mới được hưởng 45%. Vì lẽ đó, nếu bây giờ lại điều chỉnh giảm số năm đóng xuống 10 – 15 năm thì chắc chắn mức hưởng cũng sẽ phải giảm.
Mặc dù vậy, ông Huân cũng thừa nhận trong thực tế không ít trường hợp người lao động có thời gian đóng chỉ 10 năm nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu, vì vậy vấn đề giảm số năm đóng cần cân nhắc. Nhưng nếu chi trả bảo hiểm xã hội một lần thì không đúng mục tiêu của lương hưu là bảo đảm cho người nghỉ hưu hằng tháng có một khoản để chi trả cuộc sống.
"Rõ ràng là khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, lương hưu vì vậy rất thấp. Nhưng dù sao xử lý vấn đề này cũng nên hơn là để cho người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Về lâu dài, tôi nghĩ vẫn nên khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn", ông Huân phân tích.
Ông Huân cũng cho rằng, thực tế đề xuất này chỉ là để xử lý một số tình huống cụ thế, chứ cơ bản không phải thay đổi đại trà chính sách về bảo hiểm xã hội. Trong dài hạn, vẫn nên khuyến khích người lao động đóng từ 20 - 35 năm để có thể hưởng lương hưu ở mức tối đa.
Còn đối với những trường hợp nhiều tuổi mới bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội, do thời gian đóng ít trên 10 năm nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu, thì thay vì cho nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể xem xét hạ mức sàn xuống để họ được hưởng lương hưu nhưng với tỷ lệ thấp.
"Đóng 20 năm mới được nhận tối thiểu 45% thì rõ ràng đóng 10 năm tỷ lệ sẽ rất thấp, chỉ hơn một nửa thôi, trong khoảng từ 20 – 25%. Khi giảm số năm đóng xuống thì mức hưởng là bao nhiêu cũng cần tính toán với tỷ lệ phù hợp.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, thà có lương hưu nhưng với mức thấp còn hơn không có gì. Mục tiêu của chính sách hưu trí là để khi còn khỏe chúng ta tích lũy cho về già, không còn khả năng lao động", ông Huân nhấn mạnh.
CÂN NHẮC THẬN TRỌNG KHI GIẢM SỐ NĂM ĐÓNG
Cũng trao đổi với VnEconomy, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội không phải mới được đề xuất lần đầu.
Điều này cũng phản ánh thực tế một phần của thị trường lao động Việt Nam là luôn có sự biến động, trong khi ý thức tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động cũng chưa tốt. Tình trạng công nhân đóng rồi lại rút do nhận thấy thời gian tham gia quá lâu và chính sách bảo toàn quỹ chưa thực sự hấp dẫn nên không mặn mà đã từng xảy ra.
Theo bà Hương, giảm số năm đóng có những tác dụng tốt song cũng nên cân nhắc thận trọng, vì hiện nay tuổi thọ của chúng ra đang dần cao lên, tuổi nghỉ hưu tăng và thời gian làm việc kéo dài hơn.
"Trước thực tế này mà lại giảm thời gian đóng thì phải cân nhắc. Một hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt hơn là cần thiết, còn thời gian đóng cần cẩn thận tính toán, vì khi đã hạ xuống thì muốn nâng lên rất khó trong khi xu thế bây giờ là thời gian làm việc dài hơn. Tôi nghĩ 20 năm đóng cũng không phải là dài đâu.
Tuy nhiên, đúng là xuất phát từ thực tế do điều kiện nhận bảo hiểm xã hội một lần còn dễ dàng nên người lao động cứ rút dần, vì vậy họ sẽ thấy thời gian đóng như vậy là dài, vấn đề cần cân nhắc là ở chỗ này", bà Hương lý giải.
Trong trường hợp nếu giữ nguyên số năm đóng, vị chuyên gia cho rằng để tăng tính hấp dẫn của chính sách, cần đi kèm một số điều kiện để người lao động thấy được hưởng lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội tốt hơn.
Rút ngắn số năm đóng có thể nhìn thấy lợi ngay trước mắt nhưng về lâu dài sẽ không bảo đảm chính sách hưu trí, xu hướng là tăng lên chứ không phải giảm đi, nếu không tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp.
"Tôi nghĩ rằng, một trong những điều trọng nhất của chính sách hưu trí là bảo đảm được mức sống tương đối cho người già khi về hưu, không còn khả năng lao động. Nếu thời gian đóng thấp quá kéo theo mức hưởng thấp thì thực tế mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người về hưu sẽ không đạt được.
Việc giảm số năm đóng theo tôi ở đây chỉ có thể giải bài toán để người lao động đỡ sốt ruột về thời gian đóng mà thôi. Thay vào đó, có thể duy trì thời gian đóng như hiện hành, duy trì một mức đóng thấp và yêu cầu bắt buộc tham gia", vị chuyên gia đề xuất.
Post a Comment