Cộng đồng mạng và cả xã hội "dậy sóng" với những thông tin về thương vụ giao dịch hoa lan đột biến, thường là bán với giá cao đến khó tin, thậm chí hàng tỷ đồng một giò hoa lan. Không phải một vụ giao dịch, mà thông tin về hàng trăm, hàng nghìn vụ giao dịch như vậy xuất hiện nhan nhản.

Thương vụ cây lan VAR tiền trăm tỉ nói trên diễn ra giữa ông Bùi Hữu Giang (32 tuổi, ở phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều) là chủ vườn lan tại khu Cổ Giản cùng ông Nguyễn Tiến Hưng (thành phố Hải Phòng).

NHỮNG GIAO DỊCH LAN GIÁ "TRÊN TRỜI"  

Khi công an vào cuộc, hai cá nhân này "khai" chỉ ký biên bản thỏa thuận về giao dịch hoa lan, trong đó ông Giang sẽ cung cấp cho ông Hưng 5.000 cây giống lan đột biến ngọc sơn cước trong vòng một năm, với tổng số tiền 250 tỉ đồng. Ông Hưng sẽ trả dần cho đến khi nhận đầy đủ số lượng cây giống như hai bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, cả hai bên mới chỉ thỏa thuận chứ chưa chuyển tiền cho nhau.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng: Có thể việc mua bán lan tiền tỷ, chỉ là những giao dịch ảo, là chiêu trò "thổi giá" để "câu người mua". Vì lòng tham, nhiều người không biết gì về hoa lan, chẳng có nhu cầu chơi hoa lan, nhưng với mong muốn nhanh giàu, sẵn sàng dốc hết vốn ra để mua vài ki lan với giá vài chục triệu, vài trăm triệu đồng. Họ hy vọng sau đó đợi cây lan lớn lên hoặc nhân giống, để bán tiền tỷ để "hốt bạc".  Nhưng, đi kèm với đó là rủi ro, sau đó nếu không thể bán được hoa lan, họ sẽ mất cả chì lẫn chài.

LAN HIẾM NHƯNG KHÔNG QUÁ QUÝ

Đề cập về những giao dịch hoa lan đột biến tiền đang được lan truyền, ông Phạm Ngọc Tạo, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho rằng hiện chưa rõ những giao dịch này có thật hay không khi chưa được cơ quan công an, thuế xác minh.

Hoa lan có đẹp, quý hiếm nhưng chỉ có giá trị về mặt sinh vật cảnh và chỉ để ngắm thôi thì rất khó có người bỏ ra hàng tỉ, hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng để mua. Có thể có giao dịch tiền tỉ, tuy nhiên thực tế rất ít, cả nước may ra mới có 1- 2 cây lan thực sự đột biến để xứng đáng có được mức giá đó.

Theo ông Tạo, trên thế giới nhiều nơi người ta cũng chơi các dòng lan đột biến nhưng để giao dịch với giá đắt đỏ, gây sốc như ở Việt Nam cũng chưa từng có. Từ cuối năm 2020, khi nắm bắt trên các diễn đàn mạng xã hội có những giao dịch lan đột biến với giá tiền tỷ, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã ra văn bản cảnh báo, bởi các giao dịch này không được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mầm mống tội phạm.

GS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực nghiên cứu và nhân giống hoa lan, cho biết để đột biến ra được giống hoa có màu sắc đẹp nhiều người thích sẽ không dễ, chỉ là xác suất may mắn, phải nuôi trồng hàng trăm nghìn giò lan mới có thể có được.

"Nếu chỉ nhìn qua những hình ảnh hoa lan đột biến đã thấy trên mạng trong các giao dịch hoa lan thì chưa chắc đã là lan đột biến từ sự biến dị đột biến mà còn có thể là do biến dị tái tổ hợp. Tức là do quá trình thụ phấn (do con người hoặc do côn trùng, gió) tạo ra những hạt lan lai. Từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính khác màu hoa của cây bố mẹ. Điều này lý giải tại sao một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác. Nếu chỉ là lan biến dị tổ hợp gen thì rất bình thường, xuất hiện phổ biến và không quý hiếm", ông Đông nói.

Theo ông Đông, ngay cả nếu ai đó may mắn có được giò lan đột biến, thì sau đó với công nghệ nhân giống invitro nuôi cấy mô, sẽ nhanh chóng sản sinh ra hàng triệu cây chỉ trong một thời gian rất ngắn, lúc đó sẽ không còn giữ được độ hiếm nữa.

"Tôi xin khẳng định việc nhân giống bằng invitro không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu, cây con được nhân từ một đoạn cành hoặc một mô của cây mẹ, có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ", ông Đông nói.

"Nếu thực sự một ai đó tìm được trong tự nhiên một giống hoa lan đột biến hoàn toàn mới, trước đây chưa bao giờ có thì cá nhân đó có thể đăng ký giống mới đặc hữu của Việt Nam để được bảo hộ, đăng ký bản quyền sở hữu đối với giống mới này. Bản quyền này không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới cũng bảo hộ, công nhận thì khi đó giá trị kinh tế khai thác là rất lớn", TS Trường nói.

 LAN ĐỘT BIẾN MIỄN NHIỄM VỚI THUẾ?

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng quản lý nhà nước phải vào cuộc. Các thông tin này được quảng bá công khai trên internet nên trước hết cơ quan quản lý về truyền thông, mạng phải xác minh liệu có phải thông tin thật hay không. Chỉ cần những cá nhân này đến để kiểm tra điển hình thì sẽ rõ ngay là thật hay ảo. Nếu những người đăng tin khẳng định là đó là giao dịch thật, thì chuyển sang cơ quan thuế để thu thuế.

Trước nhiều đề xuất của dư luận và chuyên gia, yêu cầu cơ quan thuế cần phải vào cuộc để thu thuế từ các vụ giao dịch tiền tỷ, ngày 25/3/2021, Tổng cục thuế đã ban hành Công văn 833/TCT-DNNCN gửi đến cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý thuế đối với giao dịch "lan đột biến".

Có nhiều điều khoản khác nhau nhưng tựu trung lại là các loại lan đột biến do người dân, doanh nghiệp tự trồng, chăm sóc và bán ra thì đều được miễn thuế, dù giá cao đến đâu. Điều này, đã "dập tắt" những hy vọng của xã hội về giải phải ngăn chặn việc thổi giá, lừa người mua.

Do vậy, các nhà kinh doanh khi đưa tin về giao dịch lan tiền tỷ dù là không có thật, nhưng khi cơ quan chức năng đến xác minh, họ chỉ cần khẳng định lan do họ trồng, giao dịch là có thật, thì sẽ không phải nộp thuế, và cũng không bị truy cứu trách nhiệm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top