Đọc bài viết: "Ghét em dâu vì đã 'cướp em trai tôi' thấy hoàn cảnh gia đình mình có nét tương đồng. Xin được chia sẻ hoàn cảnh của tôi với các bạn.
Gửi bác Tùng, tác giả bài viết về em dâu trên. Tôi chắc tầm tuổi bác, ở lứa tuổi U60. Xin được tâm sự về chuyện nhà tôi: Ba má tôi là dân gốc miền Tây, thoát ly từ năm 13-14 tuổi, sống ở trung tâm Sài Gòn. Bốn anh chị em tôi lớn lên theo đúng nghĩa "trời sinh voi, sinh cỏ". Ba quanh năm suốt tháng đi công tác, lâu lâu ghé về nhà mấy ngày. Má vẫn khăng khăng theo tư tưởng nữ quyền nên không bao giờ mó tay vào việc nhà cửa, nuôi con cái. Tôi lên 6 tuổi đã phải nhận việc vặt để kiếm tiền đi chợ, cầm nồi cơm bắc lên bếp luôn bị đổ gạo ra ngoài nhưng không nấu lấy gì ăn, bà con xung quanh có cơm thừa canh cặn gì cho chúng tôi ăn hết. Khổ vậy mà thấy vui vì chẳng ai gò bó gì, muốn làm gì làm, muốn sống sao thì sống. Nói thêm là gia đình tôi chẳng phải nghèo gì, ba có chức vụ, đi công tác toàn ăn sơn hào hải vị, mẹ cho thuê nhà rủng rỉnh tiền túi rồi cho vay, mua đất nhưng không bao giờ chi cho con cái ăn đồng nào.
Rồi cuộc sống thần tiên, tự do tự tại đó bắt đầu đen tối khi cậu em út mê game, nghiện ngập, ba má tôi đổ lỗi cho nhau rồi mạnh ai nấy đi để 3 chị em tôi lại chới với giữa căn nhà "không nóc", vật vã đấu tranh với em út. Năm tôi lớp 8, ba chị em vừa kiếm tiền đi chợ vừa chịu đựng việc em út rình rập ăn cắp tiền, đồ đạc trong nhà. Chị em tôi sống trong cảnh không biết tối đó có ngủ ngon không, sáng có còn xe để đi học không, còn tiền đi chợ không, có công an có đến nhà tra xét gì không. Chị em tôi lần lượt phải tự kiếm trường học thêm để chuẩn bị thi vào lớp 10. Nỗi khổ kéo dài đến khi 3 chị em tốt nghiệp đại học vẫn không hết. Rồi cậu em kế tôi bỏ nhà đi lập nghiệp riêng; chị gái trở nên vô tâm, chai lì sau bao năm chịu đựng, tôi sau bao tháng ngày vừa làm cha vừa làm mẹ nên luôn ước ao có một cái cột nhà để dựa vào, một cái nóc nhà để che mưa che nắng.
Rồi tôi lập gia đình, chọn chồng là người có ăn học, có trách nhiệm với gia đình. Phải nói khi lấy chồng tôi mừng như cá gặp nước vì cha mẹ chồng hết lòng với con cái, anh em thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Lúc đó, tôi mong con mình được sống trong một đại gia đình như vậy. Thế mà giấc mơ tan vỡ khi đứa trẻ ra đời, rồi bé lớn lên trong đòn roi, bạt tay, đập đầu của cha trong sự ủng hộ hết mình của cả dòng họ vì lý do cầm đồ ăn không vững, gọi không thưa (bé không nghe thấy thôi), sáng đếm tới 10 mà chưa dậy, học bài không hiểu... Thật sự là ác mộng đối với một đứa lớn lên tự do như tôi. Tôi bị giằng xé giữa sống tự do như gia đình mình và sống theo khuôn khổ hà khắc như gia đình chồng. Mỗi lời góp ý của tôi về cách dạy con đều nhận lại sự lắc đầu: con làm vậy cháu lớn lên sẽ hư mất, hèn chi con hư tại mẹ. Cả họ nhà chồng cho tôi thấy minh chứng hùng hồn về con cháu ngoan ngoãn, trách nhiệm và sống tốt so với cách nuôi dạy bằng đòn roi như vậy.
Bản năng làm mẹ cho tôi thấy con không thể ổn với đòn roi, không thể thành người như dòng họ nhà chồng mong đợi vì môi trường bé lớn lên đã khác, tính cách con người bé cũng khác. Cháu là người chưa bao giờ biết khuất phục, đã biết phân biệt đúng sai ngay từ khi còn nhỏ vì tôi cho xem rất nhiều sách. Mới 4 tuổi cháu khóc nói với tôi: "Con sợ bố đánh trên đầu nhỡ con bị điên hoặc chết. Con biết bố đang bạo hành con, vậy là phạm pháp phải không mẹ? Con có gọi 911 để họ đến bắt bố không mẹ"? Tôi chết lặng mà trả lời con: "Đây không phải nước Mỹ, những gì con chịu đựng sẽ không có ai bảo vệ vì họ coi là cách cha mẹ dạy con cái thôi". Khi con nhìn tôi với ánh mắt căm hờn mà hỏi: "Còn mẹ thì sao" là tôi biết mình không ngồi im được nữa.
Quá trình tôi đấu tranh để cháu không còn bị bạo hành thật gian nan, dai dẳng và đến tận giờ vẫn chưa chấm dứt, có kể ra cũng không đủ giấy mực để viết. Chỉ biết hậu quả sau cùng là không những anh hai chồng ghét tôi mà cả họ nhà chồng ghét tôi. Giờ tôi đang trong cuộc chiến với người còn lại bên mình, đó là chồng. Tôi thật sự yêu chồng, tôn trọng và cảm phục anh ấy vì đã có trách nhiệm với cha mẹ, họ hàng, vợ con. Anh sớm tối làm lụng vất vả, phụ vợ việc nhà, lo lắng cho mẹ và vợ con từng miếng ăn giấc ngủ đến lúc bệnh hoạn ốm đau. Tôi có thể cảm nhận được trách nhiệm oằn trên vai những người cha, người chồng, người đàn ông như chồng mình.
Tôi đã lên kế hoạch mới cho cuộc đời mình ở ngưỡng cửa U60, buộc phải chuẩn bị cho mình đường lùi vì con đã yêu cầu tôi cho đi khám tâm lý. Khi tôi hỏi đến tận cùng vì sao thì cháu khóc mà nói: "Sau mỗi lần bố đánh con, con bị ám ảnh suốt việc phải sát hại bố. Con cứ tưởng tượng kế hoạch mình phải làm thế nào, rồi xử lý sau đó ra sao. Con sợ lắm mẹ nhưng không thôi nghĩ về điều đó, sợ mình sẽ làm như vậy dù con thương bố lắm". Tôi ngồi chết lặng và cuối cùng nói với con: "Bố và con đều là những người mẹ vô cùng yêu quý, mẹ không muốn mất ai cả vì cuộc đời này đã phải lựa chọn bỏ nhiều quá: bỏ nhà ngoại, bỏ nhà nội và bây giờ phải tiến tới quyết định bỏ ai trong số hai người còn lại bên mình. Con cho mẹ suy nghĩ đã.
Tôi và chồng đều là những người có ăn học, hiểu biết rộng, bản chất lương thiện, có trách nhiệm, có đạo đức. Vậy mà chúng ta cùng ép nhau đến đường cùng này, phải thù ghét, căm hận, phải đứng giữa những lựa chọn thật đau đớn, day dứt. Tôi đã chọn rồi và sẽ trả lời con: "Con cho mẹ thời gian chuẩn bị vì dù quyết định ra sao thì mẹ vẫn chọn có trách nhiệm đến cùng với con. Dù gì mẹ vẫn muốn giữ gia đình này vì còn yêu bố, nhưng nếu ngày nào con nói với mẹ rằng không thể trụ được nữa thì mẹ sẽ dắt con đi tạo dựng ngôi nhà mới".
Ở ngưỡng tuổi này tôi vẫn chọn làm lại vì tương lai con cái. Tôi từng gánh vác trách nhiệm làm chị, làm cha, làm mẹ, làm vợ và giờ đến dốc bên kia của cuộc đời tôi chọn trách nhiệm làm đàn ông xây ngôi nhà, tổ ấm thật sự cho con.
Thật ra chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn: Quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tác giả và chồng tôi là quá khứ, tôi và em dâu tác giả là hiện tại và con cái chúng tôi là tương lai. Cuộc đấu tranh sẽ ít mất mát, đau đớn, dai dẳng nếu sự thay đổi bắt đầu từ những người như tác giả, như chồng tôi, thay vì tôi hay em dâu bác.
Bác đã chịu khó trả lời, giãi bày trên mạng nghĩa là cũng thật tâm cầu thị, lắng nghe. Mong mỏi một ngày nào đó bác nhận ra rằng: dù thế nào thì cuộc sống vẫn phải tiến lên, thay đổi, kết quả sẽ bớt đau thương nếu bác là người tiên phong thực hiện sự thay đổi đó. Thay vì thống trị, cai trị hà khắc thì bác lùi về sau làm điểm tựa, định hướng và lèo lái tương lai vì một mục tiêu chung: dòng họ phồn thịnh, bình yên, con cháu đời đời vinh hiển. Vì sao chúng ta không chọn lựa cách tốt nhất là kết nối hiện tại và quá khứ để phát triển tương lai mà lại chọn cách tệ nhất là dứt bỏ quá khứ, hy sinh hiện tại để bảo vệ tương lai?
Tôi vẫn mong mỏi có một phép màu xảy ra trong thời gian tạo dựng ngôi nhà mới, rằng chồng sẽ thay đổi tư tưởng bạo hành con cháu mang danh nghĩa giáo dục đó. Bác nghĩ mong muốn của tôi có vô vọng lắm không, người như chồng tôi hay như bác có thể nào thay đổi không? Nghe tuyệt vọng quá phải không bác?
Cho dù kết quả thế nào, chúng ta đều cùng mất mát, không ai lợi hơn ai, không ai thắng thua trong cuộc chiến này hết. Tôi, người đàn bà chân yếu tay mềm, tuổi này vẫn không chọn sự bình yên mà tiếp tục tranh đấu vì tương lai con cháu. Còn bác, một cây cao bóng cả, người đàn ông thực thụ có trách nhiệm và là nóc nhà của cả dòng họ liệu có dám tự thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới và vì tương lai con cháu không?
Thùy
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Post a Comment