Tại Đại hội Đồng cổ đồng HĐCĐ thường niên 2021, được tổ chức tại TPHCM vào ngày 31/3, của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE:AGG), 100% cổ đông đã nhất trí thông qua tất cả nội dung tờ trình về kết quả kinh doanh 2020, kế hoạch phân phối lợi nhuận và cổ tức 2020, kế hoạch kinh doanh 2021…
TIẾP TỤC MỞ RỘNG QUỸ ĐẤT
Cụ thể, cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 8,27 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 10% và chào bán hơn 82,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1. Tổng lượng phát hành dự kiến hơn 91 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ sau phát hành gấp hơn 2,1 lần, đạt 1.737,6 tỷ đồng (vốn hiện tại gần 828 tỷ đồng).
Trong đó, giá chào bán cổ phiếu được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị xác định nhưng phải lớn hơn hoặc bằng 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm một cổ phiếu mới và không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian phát hành tăng vốn sau khi được UBCKNN chấp thuận, dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2021. Số tiền thu được từ phát hành được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư, mở rộng quỹ đất.
Coi việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, An Gia không ngừng tìm kiếm các cơ hội, thực hiện M&A, ưu tiên đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh. Công ty đã mua khoảng 3 ha đất tại Bình Dương, quy mô 3.000 sản phẩm và đang trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30 - 50 ha quỹ đất thấp tầng.
Hiện tại, An Gia sở hữu hơn 32,4 ha quỹ đất chưa triển khai tại khu Nam TPHCM, tương ứng với khoảng 15.000 sản phẩm. Với kế hoạch phát hành tăng vốn, công ty dùng để M&A quỹ đất khoảng 40 ha khu vực Bình Dương, nâng quy mô quỹ đất tại khu vực này lên gần 44ha tương ứng với khoảng 6.000 sản phẩm cao tầng và thấp tầng. Bình Dương cũng là một trong những thị trường trọng điểm của An Gia hiện nay, khi công ty đang triển khai khu biệt lập The Standard Bình Dương với các sản phẩm nhà ở thấp tầng. Dự án này cũng đánh dấu chiến lược mới của An Gia trên con đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà phát triển các khu đô thị hoàn chỉnh trong 3 - 5 năm tới.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch HĐQT An Gia, điểm đặc trưng trong các dự án của An Gia là vị trí tốt, thiết kế đẹp, giá trung cấp nhưng chất lượng tiệm cận cao cấp, cùng tiềm năng tăng giá luôn cao hơn 15 - 20% so với khu vực xung quanh. Do đó, các dự án như Westgate hay The Standard khi giới thiệu ra thị trường đều ghi nhận trên 90% khách hàng quan tâm. Con số này cao hơn mức bình quân của thị trường TPHCM trong quý 3 là 75%, theo ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
ĐẶT KẾ HOẠCH TĂNG TRƯỞNG CAO TRONG NĂM 2021
Trong tờ trình kế hoạch kinh doanh 2021, Hội đồng Quản trị An Gia đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.600 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 500 tỷ đồng, tăng 21%.
Theo ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị An Gia, căn cứ để Công ty đạt được mục tiêu kinh doanh 2021 dựa trên kế hoạch hoàn tất bán hàng, xây dựng và bàn giao sản phẩm của các dự án đang kinh doanh Sky89 và The Sóng; ra mắt các dự án Westgate (Bình Chánh), dự án The Standard (Bình Dương); ra mắt dự án BD3 (Bình Dương).
"Chúng tôi vẫn tiếp tục lấy thị trường TPHCM là trọng điểm để phát triển dự án bất động sản. Tuy nhiên, do pháp lý dự án tại thị trường này triển khai chậm, vì thế xu hướng của doanh nghiệp vẫn sẽ tìm kiếm các quỹ đất sạch tại thị trường lân cận TPHCM, nếu có tiềm năng phát triển, dân số đông, pháp lý triển khai nhanh chóng…", ông Sáng cho biết thêm.
Với chiến lược quản trị thận trọng, trong năm 2021, An Gia tiếp tục tìm kiếm các đối tác có uy tín và tiềm lực tài chính để hợp tác triển khai các dự án mới với các tiêu chí: pháp lý minh bạch, giá cả hợp lý và vị trí đắc địa để phục vụ cho kế hoạch phát triển bền vững và lâu dài trong tương lai. Cũng trong năm nay, mục tiêu của An Gia là chi 3.000-5.000 tỷ đồng để mua thêm quỹ đất để phục vụ phát triển dự án bất động sản trong vòng 3 năm tới
"Chúng tôi vẫn kiên định với phân khúc bất động sản tầm trung. Đây là phân khúc mà chúng tôi nhận thấy, dù thị trường có biến động thì tỉ lệ hấp thụ vẫn rất tốt. Quan điểm của An Gia là không chạy theo thị trường, mua quỹ đất, dự án bằng mọi giá. Mà chúng tôi sẽ có những phân tích kỹ càng về khu đất, giá thành để làm sao khi đưa ra thị trường giá cả phù hợp với túi tiền của đa số người mua", ông Bá Sáng nhấn mạnh.
Kết thúc năm 2020 vừa qua, tổng tài sản của An Gia gần chạm mốc 10.000 tỷ, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm, chủ yếu tăng mạnh ở hàng tồn kho. Nợ phải trả gần 7.445 tỷ đồng, tăng mạnh 89% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm hơn 33% , tương đương 2.483 tỷ đồng.
Doanh thu năm 2020 đạt gần 1.754 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 415 tỷ đồng, tăng 27% cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm. Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, lượng tiền người mua trả tiền trước ngắn hạn vẫn đạt 2.553 tỷ, tăng 101% so với cùng kỳ thể hiện khả năng bán hàng tốt, đảm bảo cho việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong tương lai gần của Công ty.
Chính thức niêm yết 75.000.000 cổ phiếu AGG trên sàn HOSE vào ngày 9/1/2020 với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu, ứng với mức vốn hóa khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong năm qua, AGG có lúc đạt đỉnh ở mức 31.200 đồng/cổ phiếu, tăng 39% so với giá chào sàn (đã điều chỉnh cổ tức bằng cổ phiếu). Kết thúc phiên ngày 31/3, giá AGG khớp ở mức 42.150 đồng, tăng mạnh gần 47% so với giá đóng cửa của phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2020 .
Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình kinh tế được dự báo sẽ khó khăn trong thời gian dài, lãi suất có nhiều biến động khó lường, quỹ đất để phát triển dự án ngày càng khan hiếm và nhiều bất lợi khác, kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2021 sẽ là thách thức lớn đối với An Gia.
Post a Comment