Theo tin từ Straits Times, Singapore vừa chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo đó, quốc gia Đông Nam Á trở thành thành viên RCEP đầu tiên phê chuẩn hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này.
RCEP là hiệp định thương mại được ký kết giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác thương mại lớn gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 4 tháng 11 năm ngoái.
Trong thông cáo phát đi ngày 9/4, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết việc nhanh chóng phê chuẩn hiệp định RCEP khẳng định cam kết mạnh mẽ của Singapore nhằm tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với các đối tác, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Singapore.
"Chúng tôi mong đợi các đối tác tham gia RCEP cũng sẽ nhanh chóng phê chuẩn hiệp định để đưa hiệp định vào thực thi trong thực tế", ông Chan Chun Sing nhấn mạnh.
Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi được ít nhất 6 thành viên ASEAN và 3 đối tác ngoài ASEAN phê chuẩn. Các nước thành viên RCEP đặt mục tiêu đưa hiệu lực này vào thực thi từ ngày 1/1/2022.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết nước này đã nộp văn kiện phê chuẩn lên Tổng thư ký ASEAN vào ngày 9/4. Trong khi đó, Trung Quốc và Thái Lan đã hoàn tất quy trình phê chuẩn trong nước nhưng chưa nộp văn kiện này lên Tổng thư ký ASEAN. Hồi tháng 2, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật phê chuẩn hiệp định.
RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, bao phủ dân số hơn 2 tỷ người (1/3 dân số toàn cầu) và chiếm tới 32% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 92% hàng hóa lưu thông giữa các quốc gia thành viên. Các nước RCEP cũng được ưu tiên tiếp cận một số loại hàng hóa cụ thể như nhựa, khoáng sản tại những thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa và dịch vụ, RCEP cũng tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư giữa các quốc gia thành viên và thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thị trường thương mại điện tử.
Nhờ hiệp định này, nhiều công ty có thể cung cấp dịch vụ tại các quốc gia trong khối với giới hạn tỷ lệ cổ đông nước ngoài được nâng lên tại ít nhất 50 lĩnh vực thuộc ngành dịch vụ việc làm, viễn thông và tài chính.
Một lợi ích nữa từ hiệp định này là các quy trình thông quan được đơn giản hóa và hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh với cơ chế luật cạnh tranh và hợp tác thực thi xuyên biên giới của RCEP.
Post a Comment