Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán MB (MBS) mới đây, thị phần môi giới chứng khoán là một vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm.

Nói về thị phần môi giới chứng khoán, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây có sự tranh tranh gay gắt. Trong đó, nhóm công ty chứng khoán nước ngoài đang nổi lên rất nhanh, đặc biệt là nhóm các công ty đến từ Hàn Quốc. Song song, công ty chứng khoán tư nhân trong nước cũng vươn lên mạnh mẽ với nhiều chính sách ưu đãi về phí giao dịch, phí margin để lôi kéo khách hàng.

Bên cạnh đó, ông Hà còn đánh giá: "Những con số về thị phần môi giới trong thời gian qua tương đối ảo, chưa phản ánh hết được hiệu quả các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty chứng khoán".

Trả lời cổ đông về câu hỏi làm thế nào để gia tăng thị phần, ông Hà cho biết, hiện công ty đã đưa ra thị trường ứng dụng mới và kỳ vọng sẽ thu hút được tệp khách hàng lớn.

Ngoài ra, ngân hàng MBBank đang có khoảng 3 triệu tài khoản hoạt động, nếu lấy được hết lượng khách hàng này thì MBS sẽ trở thành công ty chứng khoán có lượng tài khoản lớn nhất Việt Nam. “Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào khả năng tiếp nhận của MBS”, ông Hà nói.

Vị Tổng giám đốc MBS còn nhấn mạnh sẽ không cạnh tranh thị phần bằng mọi giá, công ty sẽ giữ cân bằng giữa lợi ích khách hàng và hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, việc chạy theo các công ty chứng khoán khác để giảm lãi, phí sẽ không diễn ra tại MBS.

Mặt khác, với hoạt động tư vấn có tỷ lệ đúng cao, đã được nhiều nhà đầu tư công nhận, chất lượng chăm sóc khách hàng tốt cùng việc sắp được tăng vốn ông Hà tự tin MBS sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu thị phần môi giới.

Được biết, trong năm 2020, MBS đã giữ vị trí top 6 thị phần tại HOSE, top 7 thị phần tại HNX, top 3 thị phần tại UpCom và top 4 thị phần phái sinh.

Cũng tại đại hội, MBS đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 480 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 34% và 43% so với thực hiện năm trước. Duy trì ROE tối thiểu 15%, nằm trong top 5 thị phần môi giới và top 3 thị phần IB trên thị trường.

Về giải pháp thực hiện kế hoạch kinh doanh, đối với hoạt động môi giới, MBS sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, khai tác tệp khách hàng trong hệ sinh thái tập đoàn, thúc đẩy kinh doanh số, tối ưu quy trình, tăng cường bán chéo nội bộ và trong tập đoàn. Với hoạt động IB, MBS sẽ thúc đẩy bán chéo tập đoàn, phát triển nhóm tư vấn M&A, tạo giá trị chuỗi cho hoạt động môi giới, tổ hợp đầu tư và phân phối trái phiếu.

Để tạo động lực cho cán bộ nhân viên với mục tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, MBS đã thông qua phê duyệt việc thưởng vượt kế hoạch cho cán bộ nhân viên với mức 20% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Đáng chú ý, MBS cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.643 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng, tương đương phát hành thêm 103,29 triệu cổ phiếu.

Trong đó, MBS sẽ phát hành ESOP gần 8,22 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, chào bán 70,42 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 7:3) cùng với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, MBS sẽ phát hành 24,64 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông (tỷ lệ 20:3).

Số tiền MBS thu được từ đợt phát hành ESOP và chào bán cho cổ đông hiện hữu là 786,4 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh margin và đầu tư phát triển nền tảng công nghệ thông tin.

“Thị phần tương đối ảo, chưa phản ánh đúng chất lượng công ty chứng khoán” - Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu MBS trong thời gian gần đây

Trên thị trường chứng khoán, hoà cũng sóng cổ phiếu ngành, MBS tăng khá tốt. Chốt phiên giao dịch ngày 9/4, thị giá dừng ở mức 26.300 đồng/cổ phiếu, vốn hoá thị trường khoảng 4.321 tỷ đồng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top