Thuộc một khu vực sôi động và có dân số đông, Myanmar từng được xem là một trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất ở khu vực châu Á sau khi nước này thoát khỏi sự cô lập của phương Tây. Tuy nhiên, hai tháng sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, nền kinh tế Myanmar đang gần như tê liệt - tờ báo Nikkei cho hay.
Bạo lực, biểu tình đã khiến các hoạt động kinh tế của Myanmar giảm chóng mặt. Tình hình sẽ càng trở nên tệ hơn một khi phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar để đáp trả việc quân đội nước này trấn áp người biểu tình.
Dữ liệu về di chuyển từ Google Maps cho thấy vào thời điểm cuối tháng 3, giao thông đi bộ tại các địa điểm bán lẻ và giải trí ở Myanmar giảm tới 85% so với mốc cơ sở trước đại dịch Covid-19, và giảm 80% tại nơi làm việc. Hôm 24/3, một cuộc "biểu tình im lặng" được hưởng ứng bằng việc đóng cửa tất cả các siêu thị và cửa hàng tiện ích ở Myanmar, khiến quân đội phải tìm các buộc các cơ sở này mở cửa trở lại.
Hoạt động kinh tế sụt giảm có ảnh hưởng nặng nề đến các cơ sở kinh doanh nhỏ của Myanmar, chẳng hạn một cửa hiệu bán hoa quả ở một khu vực đang bị thiết quân luật ở Yangon. "Bình thường người qua lại rất nhiều. Bây giờ, tôi phải đóng cửa ngay từ buổi trưa vì chẳng có khách", chủ cửa hiệu nói.
Dòng chảy hàng hóa quốc tế ra, vào Myanmar cũng sụt giảm chóng mặt. Số liệu của Chính phủ Myanmar cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 12/3, giá trị xuất khẩu của nước này đạt 252 triệu USD và nhập khẩu đạt 254 triệu USD, giảm 30% so với mức bình quân hàng tuần trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021.
Nhiều nhân viên hải quan và công ty vận tải tham gia đình công, dẫn tới việc "nhiều container hàng hóa bị tắc ở cảng", đại diện một công ty hậu cần Nhật Bản ở Myanmar cho hay. Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới AP Moller Maersk đã tạm dừng hoạt động văn phòng và nhà kho ở Myanmar từ đầu tháng 3 "để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần" cho nhân viên.
Dòng chảy tiền tệ cũng sụt giảm. Trong 5 ngày giao dịch tính đến thứ Tư tuần này, tổng giá trị giao dịch của 6 cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Yangon chỉ đạt bình quân 6,31 triệu Kyat, tương đương 4.400 USD, mỗi ngày, giảm 85% so với trước cuộc đảo chính.
Chi nhánh các ngân hàng tư nhân ở Myanmar đều đã đóng cửa từ giữa tháng 2 nhằm ngăn tình trạng khách hàng rút tiền số lượng lớn hoặc chuyển tiền ra nước ngoài. Các máy rút tiền tự động (ATM) được đổ tiền trở lại từ giữa tháng 3, nhưng số tiền được rút bị giới hạn. Hôm thứ Ba, một số ngân hàng giới hạn số tiền mỗi khách được rút mỗi ngày từ ATM ở mức 200.000 Kyat, so với mức trần 500.000 Kyat mà Ngân hàng Trung ương nước này đặt ra.
"Các công trường xây dựng đang rất thiếu tiền mặt. Với tình hình này, họ không thể tiếp tục hoạt động vì không có tiền trả lương công nhân", một nhà quản lý người Myanmar thuộc một công ty xây dựng Nhật Bản phát biểu.
Ngân hàng Trung ương Myanmar đã cảnh báo phạt các ngân hàng mỗi tuần nếu còn tiếp tục đóng cửa, truyền thông địa phương cho hay.
Chính biến ở Myanmar đe dọa kéo thụt lùi đà khởi sắc mà nền kinh tế nước này có được trong thập kỷ qua sau nhiều năm Myanmar bị cô lập vì lệnh trừng phạt quốc tế. Ngân hàng Thế giới mới đây dự báo kinh tế Myanmar suy giảm 10% trong năm nay, một sự đảo ngược mạnh mẽ so với mức dự báo tăng 5,9% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Từ khi Mỹ và châu Âu bắt đầu dỡ, nới lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar vào năm 2012, tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này đạt khoảng 5-8%.
Niềm tin doanh nghiệp ở Myanmar đã giảm mạnh. Chỉ số nhà quản trị mua hàng IHS PMI của Myanmar trong tháng 3 giảm còn 27,5 điểm, thấp hơn rất nhiều so với mức phản ánh sự đi ngang là 50 điểm.
"Biểu tình toàn quốc, các nhà máy đóng cửa và bấp bênh chính trị đặt ra trở ngại lớn cho triển vọng tăng trưởng của Myanmar", chuyên gia kinh tế Shreeya Patel của IHS Market nhận định trong một báo cáo.
Với lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Myanmar liên quan đến cuộc đảo chính mới đây ở nước này, triển vọng kinh tế Myanmar khó sớm được cải thiện - Nikkei nhận định.
Post a Comment