Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dù việc triển khai Nghị quyết 120 về Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận nhiều kết quả đáng mừng, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn ngày càng khắc nghiệt. 

Thủ tướng nhận định việc phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ cấp bách, khó khăn và cần có nguồn lực, nguồn vốn cùng các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài. 

Do đó, Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc về việc vay vốn quốc tế với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), Đức, Pháp... để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể. Các dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương sẽ được cấp vốn 100%, còn các dự án thuộc trách nhiệm của tỉnh sẽ cho địa phương vay lại theo quy định hiện hành. 

Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định 97 theo hướng có tỷ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong giai đoạn tác động của dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài.

Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, được Chính phủ ban hành vào ngày 17/11/2017. Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120, còn được gọi là Nghị quyết "thuận thiên", đã mang lại những kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo, thiết lập nền tảng quan trọng cho vùng đất "Chín rồng" tiếp tục "cất cánh" thời gian tới.

Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được ưu tiên đầu tư.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng.

Việt Nam sẽ vay 2 tỷ USD để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Kế hoạch đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 - Nguồn: VGP

Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388.000 tỷ đồng.

Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top