Các vấn đề liên quan đến thương mại, dịch vụ số, nông nghiệp, lao động và các cuộc điều tra theo Mục 301 sẽ là những ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Katherine Tai, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết trong cuộc điện đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) Trần Tuấn Anh hôm 1/4 để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.
Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi lời chúc mừng Bà Katherine Tai nhân dịp bà chính thức được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận vào vị trí Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden.
Ông Tuấn Anh đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước, với định hướng phát triển đúng đắn và dư địa lớn sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại là trọng tâm và động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương.
Về phần mình, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, có sự hợp tác hiệu quả và cam kết dài hạn đối với Hoa Kỳ trong nhiều khuôn khổ khác nhau như ASEAN, APEC…
Bà Tai đồng thời đánh giá cao kết quả đối thoại chính sách thực chất, hiệu quả thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA thời gian qua; theo đó hai bên đã cùng trao đổi, tìm ra giải pháp giải quyết thỏa đáng được nhiều vấn đề kinh tế, thương mại, đem lại kết quả cụ thể, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại song phương.
Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết các vấn đề liên quan đến thương mại, dịch vụ số, nông nghiệp, lao động và các cuộc điều tra theo Mục 301 sẽ là những ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời cam kết sẽ tăng cường đối thoại với Việt Nam trong các vấn đề ưu tiên nêu trên.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng đồng thời tập trung thảo luận phương thức tăng cường hợp tác trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm như hợp tác chống chuyển tải và gian lận xuất xứ, nông nghiệp, nâng cao vai trò và hiệu quả thực chất của cơ chế đối thoại của Hội đồng TIFA thông qua việc thành lập thêm các nhóm công tác và yêu cầu sự tham gia đối thoại sâu hơn của các Cơ quan quản lý của hai nước.
"Thời gian tới, các bộ/ngành Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chủ động hợp tác để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi", Bộ Công Thương cho biết.
Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và cùng hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021.
Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.
Liên quan đến cuộc điều tra theo Mục 301, trước đó ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", trong đó lần đầu tiên đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, đến ngày 15/1/2021, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành Báo cáo về việc điều tra theo Mục 301 đối với các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.
Nội dung báo cáo đã cung cấp thông tin tổng quan về vụ việc, bao gồm nguyên nhân và mục đích buộc Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) phải khởi xướng điều tra vụ việc điều tra theo Mục 301 với vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Kết luận được nêu trong Báo cáo ngày 15/1/2021 của USTR hoàn toàn không đề cập, hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Post a Comment