Trả lời phỏng vấn của VnEconomy, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khẳng định những quy định mới tại Nghị định đã cụ thể hóa một số quy định về bảo đảm đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với một số ngành, nghề, địa bàn nhằm thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, đồng thời bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc và chất lượng.

Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ ban hành. Đâu là những điểm đáng chú ý của Nghị định lần này, thưa ông?

Nghị định 31/2021/NĐ-CP gồm 132 điều, có hiệu lực từ ngày ký (26/3/2021), thay thế Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Với nhiều quy định cụ thể, chi tiết, nghị định đã bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đồng thời kế thừa và hoàn thiện những quy định hiện hành còn phù hợp với quy định của các luật này cũng như thực tế triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư.

Nghị định đã cụ thể hóa một số quy định về bảo đảm đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với một số ngành, nghề, địa bàn nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo hộ, khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam, thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, đồng thời bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc và chất lượng.

Để bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, nghị định quy định chi tiết về bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư; bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật đối với các trường hợp được quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư. Nghị định cũng quy định cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Các quy định này sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư, kinh doanh, theo đuổi các dự án có thời gian thực hiện lâu dài tại Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định chi tiết về danh mục 25 ngành nghề chưa được tiếp cận đầu tư và 59 ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nghị định nêu rõ, đối với những ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận thị trường nếu những luật, quy định khác không cấm và ngược lại.

Như ông vừa chia sẻ, Nghị định đã cụ thể hoá chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Vậy những ưu đãi đó sẽ hỗ trợ như thế nào cho sự phát triển của NIC trong tương lai?

Nghị định 31/2021/NĐ-CP là nghị định đầu tiên cụ thể hoá cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư dành cho đổi mới sáng tạo. Trong đó, NIC và các doanh nghiệp, dự án đặt tại NIC (bao gồm cả các cơ sở đặt tại các địa phương khác của NIC) sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Cụ thể, Nghị định đã quy định rất chi tiết về các nhóm chủ thể được hưởng ưu đãi. Nhóm thứ nhất là các dự án liên quan đến đổi mới sáng tạo (ngành nghề, lĩnh vực đầu tư) và nhóm thứ hai là các trung tâm đổi mới sáng tạo do các bộ, ngành, địa phương lập ra hoặc do doanh nghiệp thành lập. Nghị định cũng đã cụ thể hóa cụm từ Trung tâm đổi mới sáng tạo và điều kiện để thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo.

Khác với Nghị định 94/2020/NĐ-CP chỉ quy định khung chính sách và vận dụng dẫn chiếu sang các quy định về ưu đãi đầu tư, Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã quy định rất chi tiết và cụ thể những ưu đãi này như những ưu đãi quan trọng về tín dụng đầu tư cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, thị thực và lao động nước ngoài cho các cá nhân làm việc tại trung tâm, hay các ưu đãi thuế, đất đai...

Ngoài ra, Nghị định 31/2021/NĐ-CP còn có các quy định riêng về việc tiếp nhận và sử dụng ODA, viện trợ không hoàn lại và những quy định rất mới góp phần tạo cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích sự phát triển của trung tâm mà tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP chưa đề cập rõ.

Với những thay đổi đột phá này, ông kỳ vọng gì về làn sóng đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo thời gian tới?

Nghị định sẽ có tác động rất lớn tới hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo trong tương lai với việc tạo ra không gian phát triển không chỉ cho các dự án, doanh nghiệp đầu tư trong đổi mới sáng tạo mà còn cho các cơ sở làm chức năng hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo như NIC, các Trung tâm đổi mới sáng tạo hay các Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo...

Chẳng hạn, với việc NIC được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học - công nghệ.

Nghị định cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư, kinh doanh thuận lợi tối đa nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Song ý nghĩa lớn nhất, theo tôi, việc cụ thể hóa Luật Đầu tư cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước qua Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong chặng đường vươn lên của Việt Nam các năm tới.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top