Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/4), nhưng với 4 phiên tăng liên tiếp trước đó, giá "vàng đen" chốt tuần với mức tăng hơn 6%.

Loạt dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc và Mỹ trong tuần này giữ vai trò quan trọng hỗ trợ giá dầu, bù đắp lại nỗi lo từ số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên toàn cầu - nhân tố có thể đe dọa sự phục hồi tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, căng thẳng giữa Mỹ với Iran và với Nga cũng có thể gây ra những rủi ro về nguồn cung dầu, theo đó nâng đỡ giá dầu.

Tuần này, báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm nay. Số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm tuần thứ ba liên tục.

"Những báo cáo này là "lực lượng hỗ trợ tích cực nhất cho giá dầu trong tuần, cùng với số liệu việc làm khả quan của Mỹ", Giám đốc Michael Lynch của Strategic Energy & Economic Research nói với trang MarketWatch.

Dù vậy, ông Lynch tin rằng "giá dầu đang ở gần một mức đỉnh" và có thể điều chỉnh do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại New York, giá dầu WTI giao tháng 5 giảm 0,33 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 63,13 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 tại thị trường London giảm 0,17 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,3%, còn 66,77 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 6,4% và giá dầu Brent tăng 6,1%. Đây là tuần tăng giá mạnh nhất của cả hai loại dầu kể từ tuần kết thúc vào ngày 5/3.

Hôm thứ Sáu, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới – thông báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 18,3% trong quý 1 so với cùng kỳ năm trước và là một mức tăng kỷ lục. Doanh thu bán lẻ tăng 34%. Những dữ liệu này cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ sau đợt giảm tốc mạnh hồi năm ngoái vì Covid-19.

Giá dầu tăng hơn 6% tuần này - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Tuy nhiên, đại dịch Covid diễn biến phức tạp vẫn đang là một nhân tố gây áp lực giảm lên giá dầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/4 cho biết số ca nhiễm Covid mới trên toàn cầu hàng tuần đã tăng khoảng gấp đôi trong vòng 2 tháng trở lại đây, đang tiến gần mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca nhiễm mới tăng lên ở gần như tất cả mọi khu vực, trong đó Ấn Độ, Brazil, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành những điểm nóng.

Một tâm điểm chú ý khác của giới đầu tư là cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về nối lại thỏa thuận hạt nhân. Nếu Washington và Tehran đạt một thỏa thuận, Iran có thể nối lại hoạt động xuất khẩu dầu chính thức, bổ sung nguồn cung dầu toàn cầu. Dù vậy, giới phân tích cho rằng đây là một điều khó đạt được trong ngắn hạn.

Mặt khác, việc Mỹ và Nga áp lệnh trừng phạt lẫn nhau đang đặt ra những rủi ro đối với nguồn cung dầu, bởi Nga là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và là một thành viên của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top