Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/4 nói rằng số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu đang tăng nhanh tới mức đáng báo động và tiến sát mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu.
"Trên thế giới, số ca nhiễm mới và số ca tử vong đang tiếp tục tăng với tốc độ gây lo ngại", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo. "Số ca nhiễm mới hàng tuần đã tăng gần gấp đôi trong 2 tháng qua, lên gần mức cao nhất kể từ đầu đại dịch".
Cũng theo ông Tedros, một số quốc gia trước đây tránh được sự lây lan trên diện rộng giờ đây lại đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh, như Papua New Guinea là một ví dụ.
Ông Tedros nói WHO sẽ tiếp tục đánh giá diễn biến khủng hoảng Covid-19 và "điều chỉnh sự tư vấn cho phù hợp". Ông cho biết theo quy định quốc tế, ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ nhóm họp vào ngày thứ Năm, và ông dự kiến nhận được báo cáo cố vấn từ ủy ban này vào ngày thứ Hai.
"Thông điệp toàn cầu của chúng tôi đối với người dân tại tất cả mọi quốc gia vẫn giữ nguyên. Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc chấm dứt đại dịch", ông nói.
Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy thế giới đã có hơn 139 triệu ca nhiễm và 2,9 triệu ca tử vong kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. WHO công bố virus corona là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020.
Ông Tedros đã nói rằng một trong những ưu tiên chính của WHO là nâng cao tham vọng của COVAX, sáng kiến nhằm gia tăng sự tiếp cận bình đẳng với vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu, nhằm giúp các quốc gia chấm dứt đại dịch. Sáng kiến COVAX đặt mục tiêu đến tháng 3/2020 triển khai khoảng 100 triệu liều vaccine Covid, nhưng đến nay mới triển khai được khoảng 38 triệu liều.
WHO vẫn bày tỏ hy vọng rằng COVAX có thể được đẩy nhanh trong những tháng sắp tới, nhưng chỉ trích điều mà tổ chức này cho là "sự mất cân đối gây sốc" trong phân phối vaccine giữa các nước thu nhập cao và những nước thu nhập thấp. WHO cũng phê phán những quốc gia tìm kiếm thỏa thuận mua vaccine cho riêng mình ngoài sáng kiến COVAX vì lý do chính trị hoặc thương mại.
Hồi đầu năm, ông Tedros cảnh báo rằng thế giới đang ở bên bờ vực của "sự thất bại thảm họa về mặt đạo đức" về bất bình đẳng vaccine. Ông nói rằng phương pháp tiếp cận kiểu giành giật vaccine sẽ đặt những người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất thế giới vào thế rủi ro, rằng phương pháp này sẽ gây tác dụng ngược vì khuyến khích đầu cơ vaccine và có thể kéo dài cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Post a Comment