Hai startup đình đám Grab và Traveloka đang có kế hoạch trở thành công ty đại chúng trong vài tháng tới, theo đó sẽ khởi động "bữa tiệc niêm yết" trên thị trường internet đang bị bỏ ngỏ quá lâu. 

Theo Bloomberg, trong tuần này, Grab sẽ công bố kế hoạch niêm yết thông qua một SPAC - một công ty rỗng (shell company) được lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO để cuối cùng thâu tóm một công ty khác. Thương vụ này thu hút các công ty đình đám từ T. Rowe Price cho tới Temasek Holdings Pte và định giá startup gọi xe công nghệ Singapore hơn 34 tỷ USD. Đây sẽ là thương vụ SPAC lớn nhất từ trước tới nay. 

Tiếp sau đó, startup du lịch trực tuyến Traveloka của Indonesia dự kiến cũng sẽ lên sàn thông qua một công ty SPAC do các tỷ phú Richard Li và Peter Thiel đứng sau và được định giá khoảng 5 tỷ USD, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết. 

THỜI KỲ VÀNG CỦA CÔNG NGHỆ ĐÔNG NAM Á

Dù chưa chắc chắn và có thể thay đổi, hai thương vụ tỷ đô này được dự báo sẽ mở màn cho một chuỗi IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của những startup giá trị nhất Đông Nam Á, từ Gojek - đối thủ Indonesia của Grab, startup thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia cho tới startup địa ốc trực tuyến PropertyGuru của Singapore. 

Các thương vụ này mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội đặt cược vào sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ Đông Nam Á hậu Covid-19 trong kỷ nguyên di động hậu Covid-19 khi mà lĩnh vực này từ lâu bị thống trị bởi các tổ chức và tập đoàn lớn. 

Giới quan sát nhận định, trong dài hạn, các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh sẽ nhận được sự quan tâm lớn như điều từng xảy ra tại Mỹ và Trung Quốc, từ đó thay đổi bộ mặt Đông Nam Á, khu vực mà Sea Ltd - hãng thương mại điện tử và game đang dẫn đầu. 

"Chúng tôi từng chứng kiến xu hướng tương tự tại các thị trường phát triển hơn và giờ đây chính là thời kỳ vàng của Đông Nam Á", Rajive Keshup, Giám đốc tại quỹ đầu tư toàn cầu Cathay Capital, nhận định. "Chúng tôi dự báo vốn sẽ tiếp tục chảy nhiều hơn nữa vào khu vực thông qua các thương vụ niêm yết lớn như thế này. Đây là dấu hiệu hàng đầu cho thấy 'sức khỏe' của khu vực". 

Ngành công nghệ Đông Nam Á, khu vực chiếm 10% dân số toàn cầu với những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới như Indonesia, đã phát triển chín muồi nhưng chưa ghi nhận những thành tựu tương xứng. Khu vực này chưa có một IPO công nghệ lớn nào kể từ khi Sea lên sàn chứng khoán New York năm 2017.  

Grab, Traveloka sẽ nâng tầm Đông Nam Á trên bản đồ công nghệ thế giới khi lên sàn? - Ảnh 1.

Việt Nam và Indonesia được dự báo là 2 nước có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á - Nguồn: Bloomberg

Đông Nam Á có dân số sử dụng điện thoại thông minh tăng nhanh nhất thế giới nhờ tăng trưởng kinh tế và chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ của các chính phủ. Tiềm năng này khiến hãng công nghệ lớn trên thế giới như Amazon của Mỹ hay Tencent, Alibaba của Trung Quốc xem Đông Nam Á là trọng tâm trong tham vọng phát triển toàn cầu của mình.

NHỮNG THƯƠNG VỤ THAY ĐỔI CẢ THỊ TRƯỜNG VỐN

Giờ đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư muốn đặt cược vào sự cất cánh của ngành công nghệ khu vực. Dù nền kinh tế internet hạ nhiệt ít nhiều do đại dịch nhưng chi tiêu trực tuyến tại Đông Nam Á nhanh chóng phục hồi và được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần lên hơn 300 tỷ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co.

"Việc các startup lớn bắt đầu niêm yết có thể thay đổi cả thị trường vốn lâu nay bị thống trị bởi những lĩnh vực truyền thống như tài chính, bất động sản và hàng hóa", Joshua Crabb, nhà quản lý vốn cấp cao tại công ty Robeco (Hồng Kông), nhận định. "Các thương vụ như thế này đã ảnh hưởng lớn tới bản chất thị trường ở Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua và giờ đây mới chỉ bắt đầu tại ASEAN". 

Grab, Traveloka sẽ nâng tầm Đông Nam Á trên bản đồ công nghệ thế giới khi lên sàn? - Ảnh 2.

Các startup kỳ lân đình đám Đông Nam Á đang được trông chờ niêm yết - Ảnh: CNA

Tại Đông Nam Á, cuộc đua IPO ngày càng trở nên quyết liệt hơn một phần bởi những bước tiến đáng kinh ngạc của Sea kể từ đầu năm 2020. Trong số những công ty có vốn hóa trên 100 tỷ USD, cổ phiếu Sea có mức tăng trưởng số một châu Á kể từ đầu năm ngoái và đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau cổ phiếu xe điện Tesla. 

Để nhanh chóng tiếp cận nhà đầu tư, nhiều startup như Grab và Traveloka, dù vẫn chưa có lãi, đang cân nhắc việc lên sàn thông qua công ty SPAC. So với IPO theo cách truyền thống - thông thường mất khoảng 12 tháng, lên sàn thông qua thương vụ sáp nhập với SPAC chỉ mất khoảng vài tuần.

Thời gian gần đây, "cơn sốt" SPAC trở nên nóng hơn bao giờ hết. Theo dữ liệu từ SPAC Analytics, từ đầu năm 2021 đã có khoảng 246 IPO của các công ty SPAC, chiếm 84% tổng giá trị huy động của các IPO. Các SPAC thu hút được lượng tiền khổng lồ trong năm 2020 với khoảng 5 SPAC mới ra đời mỗi ngày và huy động được hơn 70 tỷ USD, dữ liệu từ Dealogic cho thấy.

Một số thương vụ SPAC lớn gần đây là vụ sáp nhập 16 tỷ USD giữa UMW Holdings Corp và một công ty SPAC do tỷ phú Alec Gores đứng sau, hay thương vụ 24 tỷ USD giữa nhà sản xuất xe điện xa xỉ Lucid Motors với một SPAC của nhà quản lý quỹ nổi tiếng Michael Klein.

Tuy nhiên, "cơn sốt" này cũng vấp phải sự quan ngại của các cơ quan quản lý từ New York tới Singapore bởi sự thiếu minh bạch thông tin và yêu cầu lỏng lẻo.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top