Thanh toán cốc trà đá, mớ rau, gói mì tôm… là những hình ảnh dễ hình dung nhất về tính tiện lợi của dịch vụ Mobile Money, tuy nhiên tương lai của hình thức thanh toán thông qua thiết bị di động (Mobli Money) này lại không chỉ nằm ở cốc trà, mớ rau.

GIAI ĐOẠN ĐẦU PHẢI BÙ LỖ

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) đầu tháng 3/2021 (thời hạn thí điểm 2 năm), hiện phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang có những thống nhất về cơ chế phối hợp, tổ chức để sớm cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông để có thể nhanh chóng đưa dịch vụ này ra thị trường.

Các nhà mạng đã lên phương án và dự tính sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Theo chia sẻ của các đơn vị triển khai, trong giai đoạn đầu, dịch vụ Mobile Money cũng giống như nhiều nước trên thế giới, là sẽ áp dụng cho thanh toán cho những hàng hóa có giá trị nhỏ, chuyển tiền (nhất là ở vùng sâu vùng xa). Tóm lại, với dịch vụ Mobile Money, những dịch vụ hàng hóa như cốc trà đá, mớ rau, gói mì tôm, cho đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế... người dân đều có thể… rút điện thoại ra thanh toán.

Ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cho rằng Mobile Money là dịch vụ mới nên trong thời gian đầu khi triển khai các nhà mạng chắc chắn sẽ phải đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đồng thời cũng phải thực hiện các chương trình khuyến mại, miễn phí để thu hút người dùng đến với Mobile Money.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT), trong giai đoạn đầu phát triển thị trường các nhà cung cấp sẽ phải có những ưu đãi, biện pháp để thu hút khách hàng, do đó sẽ không thể thu phí được từ các dịch vụ nhỏ như thanh toán cốc trà, mua sắm, ăn uống. "Chính vì vậy trong giai đoạn đầu, việc các nhà cung cấp sẽ phải bù lỗ cho Mobile Money là điều khó tránh khỏi", ông Sơn Hải cho biết. 

Ngoài việc phải bù lỗ do là dịch vụ mới nên chưa có nhiều khách hàng và thị trường đủ lớn, lãnh đạo một nhà mạng lớn còn cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp Mobile Money do phải trả phí cho các điểm chấp nhận thanh toán (merchant đến từ các đơn vị khác) nên phí thu của khách hàng (ví dụ với những dịch vụ như chuyển tiền, rút tiền) không khéo còn… thu không đủ bù chi. 

Các doanh nghiệp viễn thông tuy chưa tiết lộ về số tiền dự kiến đầu tư cho Mobile Money nhưng con số tính toán cho "hành trình" triển khai Mobile Money sẽ không dưới 1.000 tỷ đồng. Một số nhà mạng trong phương án kinh doanh của mình (để trình lên cấp quản lý), dự kiến khoảng 3,5-4 năm là có thể thu hồi vốn đầu tư cho Mobile Money.

SẼ CÓ CẢ DÒNG TIỀN LỚN "CHẢY QUA" 

Theo lãnh đạo một số đơn vị cung cấp Mobile Money, tương lai của dịch vụ này sẽ không thể nằm ở những thanh toán có giá trị nhỏ, như cốc trà, mớ rau, hay thanh toán dịch vụ ăn uống, mua sắm… bởi như thế sẽ khó có thể tạo ra một thị trường mới, một miếng bánh mới cho doanh nghiệp viễn thông, mà nó sẽ là một thị trường tiềm năng và hấp dẫn hơn.

Đó là khi Mobile Money trở thành một xu hướng, có một thị trường, lượng người dùng (volume) đủ lớn với hàng chục triệu người - khi đó dịch dụ thanh toán này có thể khai phá ở nhiều lĩnh vực, nhiều nhu cầu phong phú từ người dùng.

Mobile Money hay Fintech đều dựa trên trên tần suất lớn, giá trị nhỏ, sáng tạo và tiện dụng, nên theo ông Nguyễn Sơn Hải, tương lai của Mobile Money với những dịch vụ như đầu tư số, dịch vụ tài chính, ví dụ như góp tiền vào đầu tư số (5.000 hay 10.000 đồng) mà các hình thức khác không làm được thì dòng tiền sẽ chảy qua Mobile Money nhiều hơn, tất nhiên sẽ không thể nhiều như kênh ngân hàng.

Theo thống kê hiện 40% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng và tỷ lệ này được xem là "đích đến" của dịch vụ Mobile Money. 

"Khi lớp người dùng quen với dịch vụ mới – dùng tài khoản/số điện thoại để thanh toán – thì có thể sẽ trung hành với dịch vụ và ngại thay đổi. Trong khi dịch vụ chuyển tiền một năm hàng chục nghìn tỷ, là thị trường rất lớn, nên với hàng triệu người dùng chuyển tiền qua Mobile Money (trong tương lai) thì dòng tiền chuyển qua kênh thanh toán này không hề nhỏ", vị lãnh đạo một nhà mạng lớn phân tích.

Theo vị này, nếu kinh doanh tốt, dòng tiền chảy qua nhiều, chắc chắn sẽ có những giá trị vô hình khác, chứ không đơn thuần từ việc thu phí của các dịch vụ đó. Dù vậy, đó vẫn là viễn cảnh tương lai tươi sáng trong kỳ vọng của các nhà mạng về dịch vụ Mobile Money.

Còn ở hiện tại, ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-VinaPhone), cho rằng việc thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đặc biệt là đóng tiền phí của các dịch vụ hành chính công, hay đóng tiền điện tiền nước ở vùng sâu vùng xa… thông qua tài khoản viễn thông sẽ rất tiện lợi, không chỉ đem lại nhiều tiện ích, giá trị xã hội mà còn là cú huých để phát triển nền kinh tế số ở mảng tài chính, thanh toán, chuyển tiền.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top