Khi tôi đề nghị ly hôn, anh mới ý thức được sự việc nghiêm trọng, lúc đầu anh không đồng ý, sau đó cũng ký đơn.
Tôi là nữ, 33 tuổi, mới ly hôn nửa năm, là người ở tỉnh, làm việc tại Sài Gòn, ngoại hình dễ nhìn, công việc ổn định ở công ty nước ngoài với mức lương khá. Tôi hướng nội, ít nói nhưng cũng không quá khép kín, thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ, ăn uống, cà phê với bạn bè. Tôi được bạn bè nhận xét là hiền, biết điều, có mối quan hệ tốt với gia đình chồng, được nhà chồng yêu quý. Trong công việc, tôi không quá xuất sắc nhưng cũng luôn học hỏi cái mới và nhận được đánh giá tốt từ cấp trên.
Tôi kết hôn năm 29 tuổi, chồng hơn một tuổi và cũng là người tỉnh lẻ. Chúng tôi tìm hiểu được hơn một năm thì kết hôn, tuy nhiên trong thời gian tìm hiểu không gặp nhau thường xuyên, một thời gian tôi ở quê vì lý do cá nhân. Khi lấy anh, tôi nghĩ chỉ cần một người chồng yêu thương mình, chung thủy, có trách nhiệm và biết cư xử là được. Anh có ngoại hình bình thường và lúc đó không có gì trong tay. Trước đó tôi bị ám ảnh người yêu cũ đẹp trai, giỏi giang nhưng không chung thủy. Tôi đồng ý lấy anh một phần vì gia đình hối thúc, một phần anh luôn tỏ ra là người có trách nhiệm dù khi đó tôi không có quá nhiều tình cảm (có lẽ sai lầm của bản thân từ đây).
Sau khi kết hôn, vì anh làm tự do nên khó quản lý về mặt tài chính, tôi chỉ dựa vào sự tự giác của chồng và tin tưởng. Thời gian đầu, tôi đề nghị anh góp quỹ (không bắt chồng phải đưa hết tiền, chỉ góp quỹ chung theo sự tự giác) nhưng anh nói tiền của anh để đầu tư vào công việc, không đưa tôi được. Vì tin tưởng chồng nên tôi không đòi hỏi gì thêm. Thời gian đó tiền thuê nhà chúng tôi chia đôi, tiền ăn thì khi người này mua, lúc người kia mua. Sau đó gần một năm, chồng vẫn không đưa cho tôi đồng nào, khi tôi hỏi anh nói làm ăn không được. Trong khi bạn bè làm ăn cùng nhóm với anh tiền bạc rất dư dả và chi tiêu rủng rỉnh. Tôi có nghe kể, anh nói với người khác rằng mỗi tháng kiếm được khoảng 40 triệu đồng.
Một thời gian sau đó tôi thấy không ổn nên nghiêm túc đề nghị anh góp quỹ để chi tiêu hàng ngày và tiết kiệm cho tương lai. Xin nói thêm, do sinh ra trong gia đình cơ bản, không quá khá giả, ba mẹ truyền thống và tiết kiệm nên tôi cũng không phải người chi tiêu hoang phí, rất cân nhắc khi chi tiêu. Khi tôi đề nghị, anh đồng ý và mỗi tháng đưa cho tôi một số tiền không cố định, lúc ba triệu đồng, lúc năm triệu đồng, khi thì hơn thế và có đôi lần chục triệu đồng. Tôi cầm tiền anh cộng tiền lương của tôi để chi tiêu một phần và tiết kiệm một phần.
Sau gần một năm, chúng tôi tiết kiệm một khoản nhỏ, sau đó anh nói công việc không tốt nên từ đó tới khi ly hôn (hơn hai năm) anh không đưa cho tôi một đồng nào nữa. Số tiền tiết kiệm được anh nói tôi đưa để đầu tư, cuối cùng cũng không thu về đồng nào. Khi tôi hỏi công việc của anh thế nào, anh luôn trả lời rằng làm ăn không được, không có lời. Vì không muốn gây áp lực cho chồng nên tôi cũng không gặng hỏi.
Sau này, tôi biết anh làm ăn được (trừ thời điểm dịch căng thẳng) và có những khoản tiền mà tôi chưa từng biết. Hóa ra không phải anh không làm ăn được mà là không muốn đóng góp cho gia đình, không muốn bị ai kiểm soát tài chính. Anh muốn có vợ nhưng lại thích sống như thời độc thân. Anh nói cuộc sống như bây giờ vẫn tốt mà, sao phải thay đổi.
Tôi đề nghị anh góp quỹ để mua nhà thì anh luôn nói không có tiền, góp quỹ để sinh con thì anh nói khi nào có con rồi góp. Sau nhiều lần nói chuyện nhỏ nhẹ có, cãi vã có nhưng anh vẫn không chịu, tôi buông xuôi không nói nữa, tính từ lúc cưới đến lúc ly hôn, tôi và anh gần như không có liên quan về kinh tế, tiền ai nấy tiêu. Đây cũng là một sai lầm của tôi khi không tìm hiểu quan điểm ngay từ đầu.
Ngoài chuyện kinh tế thì những chuyện trong gia đình anh khá vô tâm. Khi nhà có thiết bị hư, hoặc là tôi tự sửa hoặc nói anh thì phương án duy nhất của anh là gọi thợ. Xe máy của tôi hư hầu như cũng tự mình dắt đi sửa. Đồ nặng cũng tự mình đi chở. Đôi khi bạn bè nói "chồng đâu sao toàn tự mình làm vậy?", tôi cũng thấy chạnh lòng. Chuyện gần gũi vợ chồng cũng rất hiếm vì chúng tôi thường hay bất đồng quan điểm và cũng ít có nhu cầu.
Tới một ngày, tôi tự hỏi có chồng để làm gì khi vợ chồng không gần gũi chia sẻ, không có con chung? Tôi chưa muốn sinh vì không cảm thấy an toàn về kinh tế, chồng cũng chưa từng hỏi tôi có muốn sinh con không và khi nào sinh. Tiền chúng tôi của ai người nấy tiêu, mọi việc cũng tự làm một mình. Lần cuối cùng nói chuyện rồi dẫn tới cãi vã với chồng nhưng không thống nhất được quan điểm, chúng tôi rơi vào chiến tranh lạnh, sau đó tôi đề nghị ly thân và cuối cùng là ly hôn. Vốn là người vô tâm nên khi tôi đề nghị ly thân, anh vẫn nghĩ tôi chỉ hờn giận vài ngày rồi thôi. Còn tôi, khi đã quá thất vọng và mệt mỏi, chẳng còn muốn tranh cãi.
Công bằng mà nói, anh không đối xử tệ với tôi, không vũ phu, không gái gú nhưng anh là một đứa trẻ chưa trưởng thành, vẫn còn ham chơi, không muốn có trách nhiệm với gia đình. Còn tôi muốn hai vợ chồng chung tay làm ăn, tích góp để sau này đỡ cực. Chúng tôi có những quan điểm rất khác nhau, định hướng cũng hoàn toàn khác nên khó có thể đi cùng nhau quãng đường dài.
Giờ đây, sau khi ly hôn, chúng tôi không hận thù gì nhau cả, thỉnh thoảng vẫn giúp đỡ và hỏi thăm nhau. Chuyện chúng tôi ly hôn ngoài gia đình và vài bạn bè thân thiết thì không ai biết. Về phía mình, tôi cũng chưa muốn tìm kiếm ngay mối quan hệ mới mặc dù không còn trẻ nữa. Tôi sợ vội vàng bước vào mối quan hệ mới khi chưa tìm hiểu kỹ rồi lại có kết quả như cũ.
Đối với tôi hiện tại, chuyện yêu đương trai gái không còn quan trọng nữa, một phần tôi cũng muốn dành thời gian đi học thêm để nâng cao kiến thức. Mặc dù không quá đau khổ sau khi ly hôn, tôi cũng cảm thấy chông chênh và thỉnh thoảng mất phương hướng. Mong nhận được lời góp ý, động viên từ các bạn độc giả.
Thu Phương
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment