Mối quan hệ của tôi với mẹ ruột bao năm vẫn vậy; mỗi khi nghĩ đến mẹ, chỉ có hai từ để mô tả: hận và đau.

Tôi ngoài 50 tuổi, có thể dần tổng kết cuộc đời, một cuộc đời đầy những dằn vặt, sóng gió. Tôi tin việc một đứa trẻ được nuôi dạy thế nào sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận với cuộc sống của nó sau này. Khi tôi học tiểu học, dù sống ở thành phố với mẹ và dượng nhưng luôn cảm thấy lạc lõng, sợ hãi, khắc khoải nhớ về cuộc sống ở làng quê trước đó của mình. Mẹ có em và luôn bỏ lơ, sao nhãng tôi. Hoặc nếu có mở lời với tôi, mẹ chỉ nói những câu cáu gắt, cộc cằn hoặc chê bai, dè bỉu. Mẹ luôn chê tôi là đồ bỏ đi, chậm chạp, đần độn, hậu đậu và sẵn sàng so với đứa em gái rằng nó 10 phần tôi không được một. Mẹ chửi bới bố trước mặt tôi, bảo bố nào con thế.

Mẹ than vãn là đã nói với bà ngoại nuôi tôi rồi sẽ gửi về mỗi tháng 10 cân gạo mà bà không nghe, mang trả. Mẹ nói ông ngoại từng đưa tôi đến một gia đình hiếm muộn với ý định cho họ. Mẹ nói mà không hề biết rằng những lời đó như dao cứa vào ruột gan tôi. Tôi thu mình hết sức có thể để không ai biết và thấy phiền lòng với sự hiện diện của bản thân, làm vậy để tôi cảm thấy an toàn hơn, không bị sỉ nhục. Khi những đứa trẻ khác nô đùa ầm ĩ ngoài sân giờ ra chơi, tôi lấy hai ngón tay bịt tai lại để nghe như tiếng gió thổi ù ù bên tai và tưởng tượng đến cảnh hai bà cháu đi mót lúa ngoài đồng. Thật thanh bình và yên tĩnh!

Tôi bị người hàng xóm đóng cổng vô tình kẹp vào ngón tay, bật cả móng chảy máu. Chỉ là đứa trẻ lên sáu tuổi nhưng tôi không hề dám khóc mà tự chữa lành bằng cách buộc cái giẻ lau vào ngón tay, không nói với mẹ. Bất chấp cách cư xử thiếu công bằng giữa các con của mình, tôi vẫn thương em gái vô cùng, nhường nhịn em và nghe lời mẹ quạt cho em ngủ khi mất điện. Vì được chiều nên em rất đành hanh, mẹ không bao giờ hỏi han, phân xử vì sao hai đứa cãi nhau mà lao vào đánh tôi mỗi khi chị em bất hòa. Hơn 10 tuổi, có lần tôi bị mẹ lấy đòn gánh định đánh. Tôi vội chạy đi tìm em gái, hai chị em trốn sang nhà hàng xóm ngủ. Hôm sau mẹ bảo với hàng xóm là chị cần em tôi về, còn tôi đi đâu bà không cần biết.

Người chồng thứ hai của mẹ mất, sau vài năm bà đi bước nữa. Thập kỷ 80 rất khó khăn, mẹ chửi tôi hàng ngày, có lẽ chỉ vì lý do tôi tồn tại trên đời. Tôi là đứa học kém, lù đù và buồn bã. Tôi ước mơ một thế giới khác, một con người khác chứ không phải là mình trong thân xác của mình. Tôi ước đủ lớn để có thể thoát ly khỏi mẹ. Tôi nhận đồ gia công về làm, ra sức kiếm tiền, ngày chỉ ngủ vài tiếng để khỏi bị mẹ chửi. Mỗi khi không thấy tôi nhận được việc về làm là mẹ lại chửi. Tôi khóc cho thân phận mình, ước được giải thoát.

Tôi không dám tự tử, xin đi thanh niên xung phong cũng không thành, đành nghĩ đến việc lấy chồng. Vì ngơ ngáo, tôi lấy phải người chồng chẳng ra gì và hôn nhân tồn tại chỉ được hai năm. Tôi tỉnh ngộ và ước được học lại chỉn chu hơn để thay đổi cuộc đời. Trong sâu thẳm, tôi ước trở thành người viết văn dù cả trong giấc mơ mong manh, tôi vẫn nghĩ đó là điều không tưởng đối với bản thân. Tôi chật vật tìm chỗ đứng cho mình trong xã hội. Tôi có vài ba mối tình nhưng đều tan vỡ khi các chàng trai biết tôi từng trải qua hôn nhân.

Cuộc đời tôi sau này nhiều vất vả, truân chuyên, mẹ chứng kiến nhưng mặc kệ. Tôi ốm nằm viện, bà đến thăm khoảng 10 phút, để lại khoanh giò khoảng hai lạng, mẹ thừa biết tôi vay nợ bên ngoài để chi trả viện phí. Lúc này gặp thời gặp vận, bà và người chồng sau có cuộc sống rất sung túc. Trong khi đó em gái tôi được mẹ lo cho đi du học, cuộc sống như ở một thế giới khác. Thập kỷ 90, mẹ đã có hàng tỷ đồng trong khi tôi phải đi thuê nhà ở. Tôi vẫn chật vật lo kế sinh nhai ổn định. Dù nghèo đói, khổ đau với cuộc sống riêng tư, tôi vẫn cố công học hành và trở thành công chức nhà nước tuy muộn màng. Tôi cũng có thu nhập thêm với đam mê của mình là viết văn, thỏa mãn ước mơ thầm kín thuở nào.

Tôi luôn nghĩ nếu mình có được cách nuôi dạy khác, có lẽ đường đời không lắm va vấp và chông chênh như thế. Tôi không được mẹ coi trọng, khích lệ nên khi lớn tôi đã không coi trọng giá trị của mình. Lớn lên tôi không biết cách bảo vệ mình, không biết phản kháng, luôn là người chịu thiệt thòi trong một tập thể. Tôi luôn lẩn trốn sự va chạm và không dám đối đầu.

Tôi đến thăm mẹ, thấy bà ôm con mèo, chia đồ đang ăn cho nó ăn và chợt nghĩ: "Giá như mẹ cũng lo cho tôi được một phần như thế". Cách đây vài năm, dượng làm ăn sa sút nhưng cứ cố nên cuối cùng mắc nợ cả chục tỷ đồng, mẹ dốc hết tiền tiết kiệm cả đời ra trả nợ. Hóa ra mẹ tiết kiệm cả đời, chạy theo đòi tôi từ vài chục nghìn đồng cho vay, cuối cùng chỉ để chi trả lần cuối cho chồng? Tôi có phải người cố chấp, sân si khi mãi vẫn không giũ bỏ được nỗi đau này?

Hoàng Hạnh

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top