Tôi là tác giả bài viết "Không hối hận dù đốt 5.000 USD đầu tư ngoại hối", đã đọc bình luận và xin chia sẻ thêm ý của mình.

Đúng là tôi đang nợ hai tỷ và mỗi tháng phải trả lãi 40 triệu, nhưng với vốn 1,5 tỷ trong tay, nợ ròng của tôi chỉ là 500 triệu. Nếu trả bớt nợ, lãi hàng tháng so với thu nhập ổn định 30 triệu của tôi thì không đáng ngại. Hơn nữa nhà tôi được định giá khoảng 5 tỷ, tính ra tỷ lệ nợ trên tổng tài sản vẫn ở mức an toàn. Tôi biết bài toán đầu tư của mình khá liều lĩnh nhưng muốn giàu có, muốn tự do tài chính thì phải dấn thân vào thị trường đầu tư. Vào đời bằng hai bàn tay trắng, muốn vươn lên phải cố gắng thôi. Không có vốn nên tôi chỉ có thể dựa vào tài sản duy nhất ba mẹ để lại là cái nhà. Tôi cầm sổ đỏ thế chấp ngân hàng, sử dụng đòn bẩy tài chính để cố gắng đạt được mục tiêu tài chính của mình.

Giả sử bạn có một business có thể mang lại lợi nhuận 20% mỗi năm, trong khi lãi ngân hàng vay thế chấp chỉ khoảng 12% một năm, bạn có vay không? Đó là bài toán tôi phải giải quyết. Thị trường tôi chọn là chứng khoán Việt Nam, biên độ giao động chỉ 7% một phiên, khả năng cháy tài khoản mất vốn khá thấp. Có thể tôi chưa rành về đọc báo cáo tài chính nhưng biết được doanh nghiệp nào làm ăn đàng hoàng để đầu tư. Tôi phải học cách phân bổ vốn, sử dụng margin, đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp... để đạt được mục tiêu lợi nhuận 20% một năm. Tôi chọn đầu tư 30% số vốn vào các doanh nghiệp chia cổ tức ổn định, còn lại là phân bổ vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt. Ngoài ra, tôi còn phải tìm hiểu về tính chu kỳ của cổ phiếu, chu kỳ lãi suất của các ngân hàng trung ương, kiến thức giao dịch ngoại hối, vàng giúp tôi có cái nhìn toàn diện hơn và có thể ứng dụng vào thị trường trong nước. Tôi là dân kỹ thuật nên khi bước vào con đường đầu tư phải đọc thêm các sách về kinh tế vĩ mô để hiểu sâu về nghề giao dịch tài chính, cổ phiếu, các thị trường đầu tư và các cách kinh doanh làm ăn của doanh nghiệp.

Cách đây bốn năm, vào năm 2019, trước khi bước vào con đường đầu tư, tôi chỉ đi làm ngày tám tiếng rồi về ăn chơi, nhậu nhẹt, chẳng muốn làm gì thêm. Ngày đó có khi tôi nhậu cả tuần. Giờ ngoài lúc làm việc, tôi dành thời gian đọc sách, tìm hiểu sâu về kiến thức đầu tư thị trường tài chính. Tôi đã có bạn gái được gần một năm và cảm thấy cần một gia đình nên tự biết bớt nhậu, nghỉ mấy trò gái gú. Tiền tôi làm ra được chỉ để lo cho tương lai. Ở hoàn cảnh của tôi, năm 2019, có hai con đường làm giàu, một là đi làm đều đặn, trả nợ dần và tiết kiệm mỗi tháng vài ba triệu để đầu tư. Nhưng như vậy quá chậm và thiếu tính thử thách. Vả lại tính tôi tương đối rộng rãi, hào sảng nên tiết kiệm như vậy tôi không làm được. Tôi chọn cách thứ hai là cố gắng dấn thân, liều lĩnh để kiếm tiền và chấp nhận rủi ro cao hơn. Số nợ của tôi cách đây bốn năm là 550 triệu, còn hiện nay là 2 tỷ nhưng tôi cảm thấy bản thân đã tiến bộ hơn xưa rất nhiều về cả kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đi làm công ăn lương, tuổi thọ nghề chắc chỉ đến 50 tuổi, còn con đường đầu tư, cho đến 70-80 tuổi nếu còn đủ minh mẫn, tôi vẫn có thể kiếm được tiền. Như hiện nay, tôi có hai nguồn thu nhập là từ lương và đầu tư. Tôi cảm thấy khá tự tin và thoải mái với cuộc sống hiện tại và tràn đầy hy vọng cho tương lai. Dù công việc có vấn đề, tôi vẫn có thể đầu tư để kiếm sống.

Các bạn à, 1% của một triệu, khác với 1% của một tỷ nhiều lắm. Hiện nay vì vốn ít nên tôi phải chọn các thương vụ đầu tư rủi ro cao chút để kỳ vọng lợi nhuận cao và trang trải chi phí lãi vay. Nếu số vốn tăng lên 10 tỷ, tôi sẽ chọn các phương án đầu tư an toàn hơn, ít rủi ro hơn và cơ hội đầu tư cũng nhiều hơn. Ngày đầu bước vào thị trường, tôi chỉ bắt đầu với số vốn ít ỏi 10-20 triệu đồng. Nay chỉ trong vòng bốn năm, tôi có thể tự tin cầm NAV 1,5 tỷ để đầu tư. Đó là sự khác biệt rất lớn. Tôi tin chỉ sau vài năm nữa, tôi sẽ đủ năng lực cầm số vốn lớn hơn nhiều. Giờ tôi đã khác ngày xưa nhiều, dám nghĩ lớn, dám mơ ước lớn. Năm 2019, lương tôi 20 triệu, trả nợ 10 triệu nhưng tôi không dám mơ sở hữu ôtô, còn giờ tôi dự định cuối năm tất toán bớt nợ và mua ôtô. Tôi còn nhớ cách đây bốn năm, bố bị hẹp động mạch vành phải đặt stent, chi phí cỡ 80 triệu, dù lương tàm tạm nhưng 80 triệu đối với tôi lúc đó khá lớn và phải nhờ vào bà con để có thể chi trả viện phí. Còn hiện nay, cách đây vài tháng, bố phải vào viện và cần 50 triệu chữa bệnh. Với số vốn 1,5 tỷ trong tay, tôi có thể chịu hoàn toàn chi phí chữa bệnh cho bố mà không phải chạy vạy khắp nơi.

Cuối năm ngoái, khi thị trường sập sâu, số vốn hiện có của tôi vơi đi khá nhiều, nhưng tôi nhận định đây là cơ hội ngàn năm có một để đổi đời nên mới đánh liều cầm sổ đỏ đi vay. Thời điểm đó xảy ra vấn đề trong hệ thống tài chính, các ngân hàng bị siết tín dụng khá nhiều nhưng tôi vay được 1,2 tỷ, thông qua các mối quan hệ và lịch sử tín dụng tốt được đánh giá hạng A. Tôi thiếu nợ tiền bạc khá nhiều nhưng luôn giữ uy tín và trả nợ đúng hạn đầy đủ nên được đánh giá tín dụng tốt mới vay được.

Trên đây là câu chuyện đầu tư của tôi. Tôi biết mình chưa thành công nên không nói trước được điều gì, chỉ là chia sẻ để các bạn có thêm góc nhìn và những gì tôi đã phải thay đổi cũng như khó khăn phải vượt qua. Tôi nghĩ may là chưa có gia đình mới làm liều như vậy. Tôi mà có gia đình, chắc vợ từ luôn mất. Tận dụng sức mạnh của lãi kép để làm giàu cho bản thân và đóng góp một phần công sức cho các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời xây dựng thị trường trong nước ngày càng mạnh hơn.

Xin cảm ơn các bạn đã chia sẻ.

Hưng Nguyễn

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top