Bố mẹ từng có thu nhập rất tốt nhưng lại chi tiêu rất mạnh tay và không mua bất động sản...

Sau giai đoạn khủng hoảng, tôi bình tĩnh hơn để nhìn lại chặng đường vừa qua. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả so với vùng quê nơi mình sinh sống, ngay khi hai tuổi, còn em tôi 6 tháng tuổi, bố đã phải "bóc lịch" do một sự vụ kinh tế năm 1991. Bố trở về sau hơn 3 năm thụ án. Tôi và em trai sống với bà nội liên tục 10 năm khi bố mẹ đi làm ăn xa nhà. Có lẽ thế nên tôi và em trai càng được chăm lo về kinh tế tốt hơn hẳn so với mức chung của vùng.

Năm 2004, khi tôi chuẩn bị thi THPT, bố mẹ trở về nhà sau khi cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc diện giải tỏa mặt bằng, cơ sở mới còn chưa hoạt động nhưng gặp khó về vấn đề môi trường. Cuộc khủng hoảng toàn diện của gia đình tôi bắt đầu từ đây và dai dẳng tới 2020. Bố mẹ từng có thu nhập rất tốt nhưng lại chi tiêu rất mạnh tay và không mua bất động sản. Đối với họ hàng, bố mẹ dùng tiền để đổi lấy niềm vui. Vì thế, khi trở về sau nhiều năm bôn ba, sau một đợt chăn nuôi không thành công, bố mẹ gần như không làm gì để có thu nhập, trong khi vay nợ để tiêu dùng.

Mẹ quay cuồng với việc "vay chỗ này, đập chỗ kia" để vay rồi trả quỹ tình thương ở quê, một quỹ tín dụng vi mô. Bố ham mê lô đề. Tôi nhớ hồi học đại học, em nói rằng bố đã dùng 1,5 triệu đồng đi vay để cho tôi đóng học phí nhưng lại ghi lô đề (năm 2008), đó là khoản tiền khổng lồ của gia đình tôi hồi đó, đủ cho tôi dùng trong gần 3 tháng ăn học ở Hà Nội. Sau bao lần hứa rồi lại hứa, bố vẫn ghi lô đề mỗi tối với câu nói quen thuộc: "Ăn trộm ăn cắp gì mà phải sợ". Các chủ nợ có lần ngồi ở nhà tôi đòi nợ tới tối 30 tết. Dần dần, tôi cũng quen với cảnh này.

Cùng khoảng thời gian này, bà nội và mẹ liên tục lục đục khiến không khí trong gia đình rất căng thẳng. Khi tốt nghiệp đại học, tôi đã toại nguyện sau kỳ thi tuyển giảng viên của một trường đại học tại Hà Nội, mặc cho nhiều bạn bè khuyên ngăn. Khó khăn khi mới đi làm chắc ai cũng trải qua và tôi cũng không ngoại lệ. Với thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng, tiền làm thêm từ dự án khoảng 2-3 triệu đồng nữa, tôi nuôi em trai ăn học và lựa chọn sống ở một khu trọ giá rẻ cách nơi làm việc gần 15 km. Thời gian này thực sự là một thử thách rất lớn với tôi và em trai. Để có thể cân đối giữa thu nhập và chi tiêu của hai anh em rồi gửi tiền về cho gia đình, tôi đã định ra ngưỡng cho các khoản chi. Trong khi đó, vì trọ cách xa nơi làm việc, tôi thường dậy sớm và vượt qua chặng đường gần 15 km. Những ngày nắng mưa, sương mù, giá rét của Hà Nội, đi qua cầu Vĩnh Tuy là một thử thách lớn.

Năm 2015, hy vọng đầu tiên đã đến khi tôi được trao học bổng chính phủ Australia để học thạc sĩ trong hai năm. Tôi tưởng mình sẽ có thời gian để tập trung cho học tập và cuộc sống, chuẩn bị cho tương lai, thế nhưng nhiều việc diễn biến ngoài suy nghĩ của tôi. Cứ cách khoảng một vài tuần, gia đình đều nhắn hoặc gọi tôi gửi tiền về. Gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm được từ học bổng và đi làm của tôi đều gửi về. Cũng cần nói thêm, trong khoảng thời gian từ 2015 tới 2017, em trai tôi đã gửi về gia đình gần 500 triệu đồng. Để rồi cuối năm 2017, khi tôi trở về, mẹ vẫn liệt kê ra các khoản nợ còn hơn 400 triệu đồng nữa. Tôi lại tiếp tục làm việc chăm chỉ để trả khoản nợ này tới hết 2020 mới hoàn thành.

Trong suốt những năm gian khó, tôi từng liên tục trầm cảm, bi quan, chán nản và bế tắc. Tôi bỗng trở thành niềm hy vọng và trụ cột về tài chính cho gia đình trong chừng đó năm, từ khi chưa thực sự sẵn sàng và chuẩn bị cho điều đó. Nhiều đồng nghiệp không biết và không nhận ra còn bảo nhìn tôi lúc nào cũng vui vẻ, cuộc sống nhẹ nhàng. Tôi chỉ cười! Thậm chí một số còn cho rằng tôi ủ mưu thăng tiến vì thấy ít chia sẻ nhưng lại nỗ lực trong công việc.

Hôm nay, dù vẫn ở nhà thuê, không xe hơi, tôi thấy thật an yên. Tôi không còn lao lực để làm việc và đã bắt đầu từ chối một số việc để cân bằng cuộc sống. Vì thế, tôi chỉ muốn nói nếu bạn đang bế tắc hoặc khó khăn, xin đừng bỏ cuộc.

Lam Ân

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top