Đọc bài: "Có nên đòi đứng tên một phần đất hương hỏa do ông bà để lại”, tôi suy ngẫm, vì sao chúng ta lại thành như thế này.

Chị gái tôi là một ví dụ điển hình cho câu chuyện trên, chị lấy chồng ở một gia đình đông anh em. Vợ chồng chị ngày đó thấy các anh chị đều ra ngoài, có sự nghiệp nên quyết định ở lại nhà cùng bố mẹ chồng và xây nhà. Tôi không rõ thời điểm xây nhà, anh chị em bên đó ý kiến ra sao, chỉ biết mười mấy năm chị sống chẳng dễ dàng gì.

Người đi xa về gần, kẻ nói bóng gió dựa dẫm cha mẹ lúc này gần 90, người soi xét từ cái nền nhà vương bụi, chị cứ phải nhìn trước ngó sau mà sống. Những dịp tết, giỗ, lo cho một đại gia đình lớn như vậy cũng chẳng đơn giản, biết nói sao khi chị sống hết mình cho gia đình chồng, không phòng bị cho bản thân, cũng chẳng bao giờ nghĩ tới mua cho mình một miếng đất riêng. Với chị, tất cả đều là vật ngoài thân. Chỉ tới khi phụ thân nằm xuống chị mới "trắng mắt" ra, nhìn con cháu tranh giành quyền sở hữu miếng đất với lý do làm chỗ đi về cho muôn đời sau.

Nếu vợ chồng chị không đồng ý giao miếng đất (lúc này đã mang tên vợ chồng chị) và ngôi nhà ra, họ sẽ chỉ về thắp hương và ở khách sạn, không về đó tập trung nữa. Chị quyết định rút lui và tức tốc mua nhà riêng.

Nhìn lại nhà mình, bố tôi vốn là con út trong nhà, chúng tôi sở hữu một miếng đất rất rộng, không theo hình thù nào cả vì nó là tài sản của 5 đời đi xa để lại cho gia đình tôi, với hy vọng được gìn giữ. Khi mẹ thấy chị tôi gặp khó khăn về nơi ở, mẹ gọi vợ chồng anh chị về, với ý muốn sẽ sang một miếng đất cho vợ chồng chị cất nhà, điều kiện là phải đời đời ở đó thờ phụng ông bà và truyền lại cho thế hệ con cháu, không được bán. Chị bảo chán ở quê, muốn về nơi nào tiện cho công việc để ở.

Ảnh minh họa AI

Ảnh minh họa AI

Nhà tôi có một ông cậu (nói thế để biết rằng chúng tôi là những đứa cháu theo mọi người nói là ngoại tộc, mang dòng máu khác) lập nghiệp trong Nam. Những năm 2010 khi ông biết mình bị bệnh hiểm nghèo, khó qua khỏi, ông yêu cầu bố tôi đưa theo em trai 15 tuổi vào Sài Gòn để nghe ông làm di chúc. Ông dặn bố tôi: "Đời cậu cháu mình là đi về phía bóng lặn, chúng nó mới là bình minh. Miếng đất ở quê cậu gìn giữ, nay giao lại cho nó (em trai tôi) để nó hương hỏa cho ông bà. Người con nhận 50% tài sản thừa kế của ông sẽ có nhiệm vụ trích 0,05% tài sản của ông hàng năm gửi về hương khói".

Hay như ông ngoại tôi cũng đi xa lập nghiệp, đối với miếng đất cha ông, không phải là con ông được hưởng mà ông để lại cho đứa cháu nào muốn ở đó. Rồi ông xây nhà cho nó cẩn thận với mong muốn nó sẽ kế tục hương khói ngàn đời. Tại sao ông không xây một cái nhà thờ để đó thi thoảng đi về? Ông nói, với ông, miếng đất đẹp nhất là miếng đất mà con cháu có thể ở một cách vui vẻ, không phải lang thang, được toàn quyền quyết định và sử dụng. Vậy ông không sợ mất miếng đất có giá đó sao? Ông nói nếu nó bán, nó mất nhiều chứ tao chỉ mất có miếng đất. Nó mất cội nguồn, dối lừa với hương vong tiên tổ, đời nó rồi không chốn dung thân, sẽ chỉ còn sự tội nghiệp cho nó mà thôi.

Tôi lại nghĩ tới bác rể của mình, mấy năm nay đi tìm một người con, cháu về ở tại ngôi nhà từ đường 3 tầng, khang trang, mà chưa tìm được. Bác chỉ cho ở chứ không sang tên cho. Đợt rồi bác về và phát hiện ngôi nhà coi như chốn linh thiêng đã bị những con nghiện đột nhập từ tầng 3 để hút, trích và mại dâm tại đó. Bác phải cho người vít kín bằng song inox như một cái chuồng, đánh tiếng tặng cho chị gái tôi nếu chị muốn về đó ở.

Vậy nên các bạn hãy suy nghĩ cho kỹ về việc "lấy nơi đi về để thờ cúng", tốt đẹp nhất của việc thờ cúng chính là tâm thành dâng lên gia tiên, là nơi quy hợp con cháu vui vẻ đoàn kết. Nơi nào có người ở, có tình thân, sẽ luôn là nơi ấm áp nhất, bất kể ngoại tộc hay nội tộc đều bình đẳng như nhau mà thôi. Ở nơi nào làm được điều đó là gia tộc thịnh vượng. Hãy coi tất cả con cháu đều bình đẳng, các bạn sẽ thấy cuộc đời thật ấm áp.

Bình An

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top