Vợ tôi nói nếu anh chị chăm bố mẹ thì đừng nói 500 triệu đồng, đưa một tỷ cũng đưa ngay và luôn.

Tôi 41 tuổi. Gần đây có một số sự vụ gia đình làm tôi khá là phân vân không biết đúng sai thế nào. Tôi thuật lại tranh luận theo góc khách quan nhất có thể. Muốn hỏi ý kiến mọi người xem lỗi có thật sự do tôi và tôi nên làm gì.

Tôi lớn lên trong gia đình cơ bản, bố là kỹ sư, mẹ là nhà giáo. Thuở thiếu thời tôi cũng hay nghịch ngợm, nhưng gia đình hết lòng yêu thương nên cũng lớn nên người. Bố thường bận đi làm ngoài kiếm thêm tiền nuôi gia đình. Mẹ là nhà giáo nhưng lại không giáo điều mà thường để tôi tự do lựa chọn. Thế nên đối nhân xử thế thường là anh trai dạy tôi. Có lẽ gần như những điều ngoài sách vở mà tôi biết trước năm 18 tuổi đều là do anh dạy. Sau này đi học và đi làm xa, tôi hình thành tác phong đối xử bộc trực và thẳng thắn hơn do điều kiện xã hội và môi trường tiếp xúc ở phương Tây làm tôi nghĩ khác đi. Tuy nhiên, cái gốc nhìn chung vẫn không thay đổi và tôi luôn là người ủng hộ anh trai trong các quyết định lớn của gia đình.

Cách đây vài năm, trước khi đi công tác dài ngày ở nước ngoài, anh tôi bán lại căn hộ chung cư cho bố. Anh nhờ bố tìm mua nhà đất giúp. Bố cũng đi tìm vài nơi, nhưng do chị dâu khó tính nên không mua được miếng nào. Anh đưa bố tiền gửi tiết kiệm, đợi gia đình anh về thì mua sau vì cho rằng sau một thời gian giá chung cư sẽ giảm vì mọi người phải đóng phí chung cư. Bố gửi vào ngân hàng và dính vào một vụ lừa đảo quy mô. Tiền của anh và cả của bố đều bị kẹt, không rút ra được. Nay gia đình anh về nước, bố tính vay tôi 500 triệu đồng để đưa anh. Tôi nghe xong thì đồng ý luôn, nhưng vợ lại khóc vì cảm thấy bố quá thiên vị vợ chồng anh trai. Khoản tiền bố tôi giữ chỉ khoảng 4 tỷ đồng, nếu tính lãi suất ba năm cũng không nhiều nhưng bố lại muốn đưa anh 6,5-7 tỷ đồng để đủ mua chung cư, với lý do nhà đất ở Việt Nam bây giờ đắt.

Vợ tôi nói chịu ấm ức hơn mười năm, giờ như giọt nước tràn ly. Khi mới lấy nhau theo tôi đi du học, vợ cũng đi làm thêm bán hàng ở sân bay, bán kem, đổi tiền, đóng gói quần áo... nói chung là làm đủ thứ nghề, ca kíp đêm hôm không ngại. Lúc đi chợ thì chắt chiu từng đồng. Người khác đi chợ hết một giờ, vợ tôi đi chợ hết một buổi vì cứ phải cân đo, so sánh giá cả. Thế nhưng, em thấy vợ chồng anh chị thường check-in rất căng. Bố lại hay nói với mọi người cho anh chị tiền, cho con của anh chị cái này cái kia... mà tuyệt nhiên không nói tới cho con tôi thứ gì. Còn nói rằng tôi đã có học bổng, không cần phải lo. Thực ra học bổng của tôi rất ít, chỉ đủ mình tôi. Nếu thêm vợ thì đã quá, lại còn thêm cả đứa con.

Tôi bảo vợ tính bố hay khoe khoang, đôi lúc nói vậy mà không phải vậy. Như lúc tôi mua nhà, ông cho 450 triệu đồng, nhưng nói với mọi người như là ông cho 4,5 tỷ đồng. Vợ tôi lại càng ức. Lúc đó mẹ vợ cho 850 triệu đồng, bố tôi còn nó rằng trước bố vợ còn sống nói sẽ cho 100.000 USD nên thế vẫn chưa đủ. Dù không biết thế nào, mẹ vợ lại cho vay thêm 55.000 USD dài hạn để vợ chồng tôi có vốn làm ăn dù kinh tế của bà không tốt.

Khi vợ chồng anh trai tôi mua nhà, bố lại sĩ diện, cho nhiều hơn nhà bên kia (có người nói với vợ tôi là hơn hai tỷ đồng, nhưng bố nói với tôi là chỉ khoảng 800 triệu đồng). Ông nói với mọi người là tôi mua căn hộ ở nước ngoài thì đi vay, còn ở Việt Nam mua nhà không nên vay, nên cho anh tôi nhiều hơn. Vợ tôi nói có nơi nào vay không phải áp lực trả nợ. Nợ nước ngoài vay 30 năm vẫn phải trả. Tôi bảo vợ, tiền là của các cụ, muốn cho ai thì cho. Con cái mà nhìn chằm chằm vào tiền của các cụ là vô năng, bất hiếu. Tôi bảo vợ rằng mình ở xa, không chăm sóc được các cụ, cụ lấy lòng anh cả tí thì đã sao. Vợ tôi nói không tin anh chị sẽ chăm sóc bố mẹ.

Minh họa: AI

Minh họa: AI

Thực tế là anh chị đã chuyển ra. Bố tôi vì muốn ở gần, nhiều lần mua nhà gần chỗ anh chị làm, hoặc theo ý anh chị để mời anh chị về. Nhưng anh chị chưa bao giờ về ở với bố mẹ. Việc mua đi bán lại nhiều lần mà không theo thị trường làm bố lỗ vài tỷ. Tôi bảo với vợ rằng, dù không ở cạnh nhưng vẫn ở gần, có việc gì mình cũng không thể bay về ngay được. Vợ nói nếu anh chị chăm bố mẹ thì đừng nói 500 triệu đồng, đưa một tỷ cũng đưa ngay và luôn. Nhưng thực tế là mình bố dồn sức chăm mẹ tôi ốm. Tôi ở xa không giúp được gì, anh ở gần cũng không giúp được gì.

Vợ tôi nói, thực ra anh tôi không làm điều gì sai. Anh không đòi bố tôi đưa thêm tiền. Sai trước hết là ở tôi. Tôi không vông vênh với người ngoài, nhưng lại vông vênh với người trong nhà. Lúc nào cũng tỏ ra là ổn về kinh tế để bố nhẹ gánh suy tư. Thế nên, ông cho anh nhiều mà ít quan tâm tôi. Vợ tôi phải đi làm thêm thứ bảy và chủ nhật để có tiền đóng học cho hai con. Thậm chí mời mẹ vợ sang chăm sóc cháu để có thời gian đi làm thêm. Bản thân tôi cũng bị áp lực công việc rất nặng, 24 giờ chỉ ngủ được khoảng 4-5 tiếng. Khi bố tôi nói bị stress mất ngủ, tôi mua đồng hồ theo dõi giấc ngủ cho ông. Điểm ngủ của ông luôn đạt 80 điểm và tốt hơn 80% người dùng, mặc dù đêm dậy đi vệ sinh nhiều lần do phì đại tiền liệt tuyến. Trong khi đó, điểm ngủ của tôi chỉ loanh quanh khoảng hơn 50 điểm, tốt hơn khoảng 15% người dùng.

Vợ tôi nói sai thứ hai là ở bố tôi. Ông ôm đồm làm mọi việc khiến cho anh tôi không được lớn. Ông muốn sửa nhà cũng không muốn nhờ anh, nói nó biết gì mà làm, mặc dù anh đã gần 50 tuổi. Ông tự làm rồi lăn ra ốm. Tôi thì không nghĩ là mình sai. Thực sự mình vẫn gồng gánh được thì không nên để bố mẹ lo lắng. Tôi thuở nhỏ nghịch ngợm, đã là gánh nặng cho gia đình một lần rồi. Tôi không muốn mãi là gánh nặng cho bố mẹ. Vậy nên trong suốt quá trình sau năm 18 tuổi, tôi gần như không nhận sự trợ giúp nào từ phía gia đình. Tôi cũng không nghĩ bố tôi sai. Anh tôi chịu kỳ vọng từ bố. Ông thường chạy quan hệ, tìm thầy thợ, làm mọi việc cho anh tôi. Còn tôi thuở nhỏ nghịch ngợm, bố không đầu tư vào tôi, vậy cũng là hợp lý. Tôi nghĩ nếu có sai, thì là tôi sai vì để vợ vất vả mà mọi người không biết.

Tôi quyết định nói chuyện với bố. Câu chuyện của tôi có hai điểm. Một là bố cần bớt lo cho các con, hãy lo lắng cho mẹ và bản thân. Tôi không tin anh không thể mua nổi nhà, phải để ông đi vay nợ mà đưa cho. Nếu cần, tôi cho anh vay, chứ không phải cho bố vay để đưa thừa cho anh. Thứ hai là kinh tế của tôi ổn, nhưng vợ tôi cũng rất vất vả. Cuộc sống áp lực, bươn chải ở xứ người làm chúng tôi nhiều lần muốn bỏ về Việt Nam. Nhưng nghĩ tới chuyện về nước còn kiếm được ít tiền hơn, lại làm gánh nặng cho gia đình nên chúng tôi vẫn cố.

Vợ tôi nói ông vẫn có hai căn nhà đang cho thuê có thể bán, nhưng không hy vọng bố bán để đưa cho vợ chồng anh trai, vì chắc chắn vợ chồng anh sẽ không trân trọng sự giúp đỡ này. Khi được giúp đỡ quá thường xuyên, con người sẽ coi đó là điều đương nhiên. Bố thường nói cố giữ nhà, khi mất sẽ chia đều. Vợ tôi nói ông giữ hay bán để chăm sóc bản thân thì mới là chia đều. Còn cứ vay tiền, hoặc bán để đưa cho một đứa thì không còn đều nữa. Bố nói vợ tôi tị nạnh và ghét em. Ông nói là người trong gia đình phải giúp đỡ nhau, chứ không được tị nạnh. Ông nói không muốn vay vợ chồng tôi nữa. Tôi thấy lo vì sợ ông lại vay chỗ nào. Ông đã già, dễ bị lừa như vụ gửi tiền vào ngân hàng trước đó. Liệu tôi có nên đưa tiền cho bố không?

Hoàng Hải

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top