Nhờ vậy mà sau hơn chục năm, chúng tôi mua được nhà, xe và cảm thấy cuộc sống khá dễ chịu.
Trong gia đình, tôi kiếm tiền gấp 5 lần vợ nhưng vợ là lại là người giữ tiền. Tính tôi thích tiêu thoải mái, từng thua lỗ vì đầu tư do thiếu kiến thức và tự tin thái quá. Vợ ngược lại, xuất thân từ gia đình nghèo khó nên tiết kiệm và biết vun vén cho gia đình. Tôi chắc chắn một điều rằng, nếu mình giữ tiền sẽ không được như vậy; kiếm tiền là việc khó nhưng giữ được tiền cũng khó không kém. Tôi nói qua về gia đình để chứng tỏ vợ chồng đang đúng về việc phân chia, quản lý tiền. Tuy nhiên, việc quản lý tài chính của gia đình tôi có thể lại không hợp với người khác. Tôi xin nêu một số quan điểm của bản thân, cũng có thể có ích cho một số bạn trẻ thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý tài chính:
Thứ nhất, ai giữ tiền không quan trọng mà quan trọng là ai có khả năng giữ tiền. Có các cách giữ tiền như: vợ giữ, chồng giữ, lương của ai người đó giữ, cho vào tài khoản chung cả hai cùng quản lý hoặc đưa cho bố mẹ giữ. Mỗi cách có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, đây không phải là công thức chung cho mọi người, mỗi một gia đình nên linh hoạt hơn về vấn đề này. Vợ chồng cần phải đánh giá tính cách, lối sống của nhau để từ đó đưa ra quyết định, đã quyết định rồi phải tin tưởng nhau.
Thứ hai, sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới biết vun vén và nên mặc định người phụ nữ là phải tay hòm chìa khóa. Ngày nay, không thiếu các chị em phụ nữ không biết (hoặc không thể) giữ được tiền. Có những người mải lo cho bản thân như tốn tiền làm đẹp, thích du lịch ăn uống sang chảnh, tụ tập bạn bè..., nguy hiểm hơn nữa là đầu tư không có kiến thức hoặc đánh bạc. Hay có những phụ nữ đọc báo, mạng xã hội nhiều nên đề phòng chồng, khi có tiền là nghĩ cách tẩu tán cho người thân giữ. Với những mẫu người phụ nữ này, đàn ông có đưa bao nhiêu tiền rồi cũng trắng tay.
Thứ ba, tôi cho rằng trong cách phương án để ai giữ tiền, phương án tốt nhất có lẽ là để một người giữ. Vì sao lại như vậy? Bởi vì, điều này sẽ có cảm giác vợ chồng tin tưởng nhau hơn, nó thể hiện sự gắn kết mối quan hệ vợ chồng từ tình cảm cho đến tiền bạc. Nếu mỗi người tự giữ tiền, dần dần cảm giác "vợ chồng là một" sẽ mất đi, đương nhiên ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Thứ tư, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải có sự tin tưởng nhau. Ai giữ tiền cũng được nhưng tiền đó phải coi là của chung để cùng xây đắp tổ ấm. Hai người phải nhìn về một hướng, không thể một người xây một người phá. Vợ chồng cũng không nên so đo ai làm ra nhiều tiền hơn mà hãy nghĩ tới sự đóng góp của mỗi người như thế nào. Ví dụ, người chồng làm 100 triệu đồng mỗi tháng, vợ làm 10 triệu đồng nhưng cô ấy có thời gian chăm sóc con cái và quản lý tài chính tốt thì cô vợ vẫn nên được đánh giá cao ngang với chồng.
Cuối cùng, tôi cho rằng chúng ta nên để tiền bạc là công cụ giúp mình hạnh phúc hơn, không nên vì nó mà ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Không ít gia đình chia ly chỉ vì không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tài chính. Mong mọi người sớm tìm được tiếng nói chung. Vài điều tôi muốn chia sẻ, mong nhận được những ý kiến khác của các bạn.
Nhân Hòa
Post a Comment