Tôi 23 tuổi, nhà có ba anh em, em gái mới vào đại học, anh trai đã có gia đình và một bé, bố mẹ tôi 45 tuổi.

Câu chuyện kinh tế nhà tôi khá buồn cười. Bố tôi làm nghề buôn bán gỗ, mẹ làm chung (bố đi nhập gỗ, mẹ bán). Xưa đến nay gia đình không giàu có nhưng cũng có của ăn của để, bất chợt Covid ập đến, làm ăn khó khăn hơn nhưng tính tình bố chắc chắn, tháo vát, làm rất ít khi lỗ, trung bình mỗi tháng kiếm ít nhiều cũng trên dưới 100 triệu đồng.

Tôi là du học sinh Nhật Bản, mới tốt nghiệp đi làm được sáu tháng. Vào đầu tháng năm, bố mẹ gọi điện bảo nhà mình nợ nần nên phải bán đất đi để trả nợ. Tôi thắc mắc, buôn bán rất ít khi lỗ mà sao lại đến mức như vậy, sau đó được biết là do cách quản lý kinh tế của mẹ. Bố chỉ đi làm rồi tin tưởng giao việc quản lý kinh tế cho mẹ, đến giờ nhìn lại chẳng hiểu sao gia đình không ai cờ bạc rượu chè hay phá gì cả mà vẫn nợ nần. Mẹ tôi ăn tiêu chủ quan, không có ghi chép, khi bố hỏi chẳng thể giải thích dẫn đến gia đình đổ vỡ. Bố ngoại tình rồi đòi ly hôn nhưng mẹ không đồng ý do từ trước đến nay phụ thuộc kinh tế vào bố quá nhiều, nếu ly hôn không biết mẹ sẽ làm gì để kiếm sống.

Hai tháng vừa qua, mỗi người đều tâm sự với tôi, thật ra cũng chẳng phải tâm sự mà là gọi để than phiền, bảo tôi cố gắng gửi tiền về trả nợ. Lúc làm ăn không hiểu sao mẹ vay riêng bên ngoại mà lại không nói với bố, rồi gọi bảo tôi giúp mẹ trả số tiền ấy, không được nói với bố, không bố sẽ càng đòi ly hôn. Số tiền cũng không phải lớn, 50 triệu đồng thôi nhưng do tôi vừa đi làm được sáu tháng, chưa tích góp được nhiều do chưa ổn định công việc, lương lại không cao, chưa kể đồng tiền bên này đang bị hạ giá cho nên gửi về rất lỗ. Mẹ bảo bên ngoại nhất quyết đòi nên tôi đành phải lấy hết số tiền tiết kiệm được trong ba tháng gửi cho mẹ.

Chuyện tương tự xảy ra khi bố cũng gọi điện và kể lể, than phiền rất nhiều rồi cũng hỏi tôi có tiền thì gửi về để bố làm ăn, trả nợ. Thật tình tôi nghĩ mức lương mới ra trường ít ỏi của mình nếu không tiết kiệm kiểu tích tiểu thành đại thì làm sao có vốn để làm giàu? Lúc đầu tôi tính thế này: Lương tôi trừ chi tiêu, tiền nhà, điện nước..., mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng, dự định 10 triệu đồng gửi về nhà, mỗi tháng gom lại rồi năm gửi một lần do hiện tại giá Yên rất thấp, 10 triệu đồng tích góp để sau này có vốn đầu tư hoặc có ý tưởng kinh doanh thì dùng. Thời điểm bố mẹ bảo tôi gửi tiền về, tôi mới tích góp được khoảng 60 triệu đồng. Tôi nghĩ nếu cứ tiết kiệm được đồng nào rồi đem đi trả nợ hết như thế này, đến lúc ở bên này bị ốm hay thất nghiệp thì lấy tiền đâu mà trang trải.

Giờ tôi sợ nói chuyện với bố mẹ, sợ nói rồi lại nhắc đến chuyện nợ nần, than vãn. Tôi đang cân nhắc hai lựa chọn, một là làm rồi gửi tiền về trả nợ cho tròn chữ hiếu, mặc kệ bản thân bên này; hai là cứ mặc kệ bố mẹ than vãn, tích góp cho kế hoạch của bản thân rồi mỗi năm vẫn giúp bố mẹ được ít nào thì giúp, do bố mẹ vẫn còn sức lao động, nợ bây giờ cũng không còn nhiều, tầm 600 triệu đồng, có thể trả từ từ. Tôi nghiêng về phương án hai hơn nhưng sợ làm vậy là bất hiếu, bố mẹ khó khăn mà không giúp hết sức, còn lo cho bản thân là ích kỷ. Nhờ cái nhìn khách quan của các anh chị tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn.

Lâm An

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top