Hơn năm năm chung sống, anh ta góp chung được 45 triệu đồng chưa trừ tất cả chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Tôi ly hôn đã sáu năm. Lúc ly hôn, tôi vừa trả nợ vừa lương thấp, còn học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tình hình kinh tế rất chật vật, thiếu thốn. Song lúc đứng trước tòa, tôi không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con vì nghĩ tình cha con để tùy tâm, không muốn lấy pháp luật ra để yêu cầu về kinh tế, ràng buộc về tình cảm. Hơn nữa lúc sống với nhau, anh ta ích kỷ, nhỏ mọn nên tôi hiểu nếu lấy tiền cấp dưỡng nuôi con, chỉ một ngàn đồng thôi thì tôi mặc chiếc áo mới, anh ta cũng xoi xỉa, cạnh khóe rằng lấy tiền của con chưng diện.
Trong suốt sáu năm, anh ta chẳng cho con nổi cái cặp sách vào mỗi năm học mới. Có khi hai tháng hoặc tận nửa năm, anh ta cho con được một con cua khoảng 100 nghìn đồng và đi rêu rao khắp nơi rằng chu cấp cho con, mua quà cho con ăn không hết đến nỗi dư cho cả cháu tôi, vì có lần cua quá nhỏ nên anh ta mua hai con. Tiền cơ quan thưởng học sinh giỏi, 1/6, tết Trung thu của con, anh ta cũng lấy.
Sau khi lấy chồng và ly hôn, cái may mắn còn sót lại duy nhất đối với tôi là được về ở gần ông bà ngoại và các anh chị nên cuộc sống của hai mẹ con tương đối ổn. Lúc sống với nhau, dù anh ta làm ra rất nhiều tiền, cả lương và làm thêm nhưng đều "nướng" vào cá độ. Tôi phải bán vàng cưới, vay nợ nhiều lần để trả. Khi làm đơn ly hôn, để sòng phẳng, tôi tính cho anh ta thấy tiền tôi đã bỏ ra đi trả nợ cho anh ta và tiền anh ta đưa về nhà. Tính rõ ràng ra thì hơn năm năm chung sống, anh ta góp chung được 45 triệu đồng chưa trừ tất cả chi phí sinh hoạt hàng ngày. Thật sự khi tính ra như vậy, tôi nghĩ là để anh ta ý thức mình đã làm được gì trong hôn nhân.
Sáu năm ly hôn, dù cả cha và nhà nội đều không cho gì con, nhưng tôi vẫn luôn giữ cho con mối quan hệ tốt với bên nội. Bởi tôi nghĩ chuyện ly hôn là của người lớn, làm được gì cho con thì tôi làm. Còn anh ta lấy vợ mới. Cô vợ mới sợ tôi và anh ta cùng cơ quan rồi "tình cũ không rủ cũng tới" hay sao mà cũng chuyển công tác về cùng cơ quan chúng tôi. Tôi xem họ như hai đồng nghiệp bình thường, không ghét và cũng không chơi thân. Vả lại, cuộc sống của họ cũng không hạnh phúc, anh ta cờ bạc, nợ đòi ai cũng biết nên tôi đôi phần đồng cảm với phụ nữ.
Năm vừa rồi vừa mở thêm kinh doanh ngoài, qua những năm tháng vất vả, giờ kinh tế tôi ổn hơn nhiều. Lẽ ra là một người đàn ông, không có trách nhiệm gì với con, thấy vợ cũ nuôi con ngày càng tốt lên thì phải mừng cho con chứ. Nhưng anh ta ngược lại, thấy tôi như vậy, anh ta lại xỉa xói, mỉa mai, viết giấy đưa cho con tôi đòi nợ 45 triệu đồng ấy. Nói rằng nhờ 45 triệu đồng của anh ta, tôi có cơ sở như bây giờ, vì 45 triệu đó mà anh ta nợ nần lãi mẹ đẻ lãi con. Lúc đọc tờ giấy con đưa, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nói bần cùng ra, 45 triệu đồng đã đủ tiền ăn cho anh ta trong năm năm chung sống chưa, vậy mà anh ta nói như vậy được.
Lúc đó tôi mới nhận ra, mình đã sống quân tử nhầm đối tượng và muốn thay đổi cấp dưỡng nuôi con. Không phải vì thiếu thốn kinh tế nữa mà có lẽ những đối tượng như vậy, mình không nên nhân nhượng. Vậy xin góp ý từ quý anh chị, tôi có nên thay đổi cấp dưỡng không? Cảm ơn quý anh chị.
Mộc Chi
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment