Tôi là tác giả bài: “Chồng muốn mua ôtô dù còn phải trả nợ gần 10 năm nữa", xin chia sẻ thêm với các bạn về cuộc sống của tôi.

Hôm nay tôi muốn tâm sự cùng các bạn về bản thân, từ một cô bé có kế hoạch của đời mình đến một người phụ nữ với tương lai mờ mịt. Tôi không biết có phải mình không có niềm tin với người khác, hay những nỗi bất an của tôi là đúng. Với bài trước, mục đích của tôi chỉ là vấn đề nên hay không nên mua ôtô, bài này tôi muốn các bạn hiểu hơn về câu chuyện của tôi, để có thêm cơ sở đánh giá và cho tôi thêm niềm tin nếu có thể.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một huyện nhỏ thuộc miền Trung, trong một gia đình có sáu anh chị em, tôi là con kế út, ba mẹ là nông dân. Chị gái đầu là bác sĩ, em gái út là dược sĩ (mở quầy thuốc bán ở quê), hai anh trai làm tự do, chị gái giữa là công nhân. Hiện anh chị em tôi đều xây nhà đầy đủ tiện nghi ở khu đất mà ba mẹ cho, ở xung quanh nhà ba mẹ (ba mẹ có vườn rộng). Ba mẹ tôi trên 65 tuổi, xung quanh con cháu đủ đầy, các con cũng hay mua cho cái này cái kia nên ba mẹ có cuộc sống tinh thần tương đối thoải mái, không thiếu thốn nhưng cũng không có dư gì. Ba mẹ không đòi hỏi chúng tôi phải cho tiền hay cung phụng gì, chỉ mong các con có cuộc sống ổn định. Các anh chị tôi cũng ổn định tại quê nhà. Chỉ tôi xa nhà, làm việc tại Sài Gòn, hiện sống với gia đình chồng tại Bình Dương.

Trước khi có chồng, cuộc sống của tôi khá thoải mái, ban ngày làm việc ở trường, chiều tối đi dạy kèm kiếm thêm, cuối tuần đi du lịch, đi chơi, cà phê các kiểu. Mỗi năm tôi đều cho ba mẹ một khoản nhỏ để gửi tiết kiệm, dùng lúc cần thiết. Ngoài ra, tôi cũng mua riêng mình một mảnh đất dưới 200 triệu đồng, với mục đích sau này ba mẹ có gì thì cho ba mẹ dùng, còn không coi như tôi để dành cho mình lúc cần thiết. Tôi cũng thông báo với chồng về chuyện này. Từ thuở cấp ba, tôi đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình: 22 tuổi học xong đại học, 24 tuổi học xong thạc sĩ rồi đi làm, sau đó dành hai năm đi làm và hưởng thụ cuộc sống, 26 tuổi có người yêu và 28 tuổi kết hôn rồi sinh con, dự kiến trước 35 tuổi có hai con, sau đó tập trung vào sự nghiệp.

Cho đến thời điểm hiện tại, cái mốc tuổi 31, tôi đã hoàn thành đúng những gì mình lên kế hoạch. Thời gian đi làm và hưởng thụ cuộc sống như: du lịch, leo núi, giao lưu bạn bè, tôi đã trải qua và thấy không có hối tiếc gì. Khi có người yêu, anh là tình đầu cũng là chồng tôi hiện tại. Chúng tôi yêu nhau qua sự mai mối của mẹ anh và chị bạn thân thiết của tôi tại phòng gym. Mẹ anh biết tôi trước khi tôi biết anh, dù cả mẹ anh, anh và tôi tập gym cùng một nơi.

Trong thời gian yêu nhau, đương nhiên chúng tôi có cãi vã, giận dỗi, nhưng nhìn chung tôi thấy cả hai phù hợp với nhau. Chúng tôi cùng đi du lịch, cà phê, leo núi, dành nhiều thời gian để nói chuyện, tìm hiểu. Sau gần hai năm, chúng tôi về chung một nhà, Cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn thương yêu, tâm sự, chia sẻ với nhau. Anh là người ít nói, ít hòa đồng nên ít mối quan hệ xã hội, ít bạn bè. Anh kiên nhẫn, chăm con tốt, ví dụ như: thay bỉm, cho bú, ru ngủ đều làm được. Anh không rượu chè cờ bạc, có ham mê chơi game, từ khi lấy vợ thì ít hẳn vì không có nhiều thời gian rảnh. Tôi thuộc kiểu người hoạt bát, nhiệt tình, có vẻ khó tính (theo nhận xét của chồng), có nhiều bạn bè. Chúng tôi có thú vui chung như đọc truyện, chơi game. Tôi chỉ chơi game trước lúc có chồng, sau khi có chồng thì sinh con liền nên bỏ game.

Nhìn chung, tôi thấy cuộc sống vợ chồng đến giờ thuộc diện hạnh phúc, trừ việc không có tài sản chung và phải trả nhiều nợ. Về vấn đề nợ nần, tôi có biết trước khi cưới. Tôi không có quyền cản việc anh hỗ trợ trả nợ với gia đình. Tôi thường nghĩ, lấy chồng xong thì tài chính thừa hàng tháng sẽ là 1+1 bằng 2, hoặc ít nhất cũng bằng một, khó khăn lắm thì giai đoạn đầu bằng 0. Việc anh phụ gia đình trả nợ là chuyện nên làm. Với thu nhập của chúng tôi tại thời điểm đó, anh 17 triệu đồng, tôi 19 triệu đồng, khả năng phụ gia đình trả nợ và dành dụm cũng sẽ có. Vì vậy, tôi vẫn rất nhiệt huyết xây dựng viễn cảnh tương lai với chồng tôi: vài năm dành dụm để trả góp mua chung cư ở riêng, sau đó trả nợ dần.

Tôi không ngờ sau gần bốn năm kết hôn, tài chính vợ chồng vẫn là 1+1 bằng số âm, mà âm này lại quá nhiều, viễn cảnh tương lai trên đà sụp đổ. Nhiệt huyết trong lòng tôi cũng từ từ bị dập tắt. Lúc sắp cưới, tôi mới biết nhà anh có thêm đất, có xưởng cho thuê khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Tôi nói kỹ để mọi người không hiểu lầm việc mình gả cho anh dù thấy nhà anh nợ là vì có đất đai. Về gia đình chồng, xin nói thêm, bố mẹ chồng gốc miền Bắc, có hai người con là chị chồng và chồng tôi. Chị gái chồng đã có gia đình từ năm 2013, hiện tại có chung cư, đất, xe ôtô; xin nói thêm bố mẹ chồng tôi cho chị một mảnh đất khi chị lấy chồng và anh chị vẫn còn trả nợ cho chiếc ôtô.

Bố mẹ chồng hồi xưa làm ăn, có nhiều tiền nên mua đất. Từ năm 2019 đến giờ, việc làm ăn khó khăn, thu nhập chỉ đủ chi tiêu trong nhà. Bố mẹ từng nói sẽ cho hai con mỗi người một mảnh đất sau khi kết hôn để xây nhà ở riêng. Vợ chồng tôi thảo luận, giờ bố mẹ khó khăn, lại quyết không bán đất để trả nợ (chị em chúng tôi đều khuyên bán đất trả nợ nhưng bố mẹ không chịu), vậy vợ chồng sẽ trả toàn bộ phần còn lại của khoản nợ là 700 triệu đồng, sau đó xin bố mẹ chồng mảnh đất đó. Bố mẹ cũng đồng ý.

Tại thời điểm này, mỗi tháng chúng tôi vẫn còn thừa tiền vì con vẫn bú sữa mẹ hoàn toàn, rồi chi tiêu tiết kiệm, con nhỏ nên chưa đi du lịch nhiều, đặc biệt chưa có khoản nợ còn lại. Mọi chuyện sẽ theo kế hoạch như vậy cho đến khi chồng tôi có lời từ chứng khoán và nhận thấy việc đầu tư chứng khoán là dễ dàng. Vào cuối năm 2021, anh đặt vấn đề vay thêm tiền để đầu tư nhưng tôi không chấp nhận. Lúc đó trong tài khoản chứng khoán của anh có gần 1,3 tỷ đồng, trong đó vốn khoảng 400-500 triệu đồng từ dành dụm của chúng tôi và bố mẹ chồng đưa thêm sau đó. Tôi khuyên anh chỉ dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư, hoặc lấy tiền chứng khoán để mua đất, không ai vay tiền để đầu tư chứng khoán cả. Bố mẹ chồng đồng ý việc anh đầu tư và cũng khuyên tôi nên để anh có cơ hội kiếm tiền. Tôi bảo chồng ráng cầm chừng đó tiền đầu tư, nếu cuối 2022 mà anh có thể nhân đôi tài khoản thì tôi sẽ chấp nhận vay để anh đầu tư tiếp. Tuy nhiên, anh vẫn muốn vay liền.

Cuối cùng, bố mẹ chồng bảo lãnh anh vay một tỷ đồng để đầu tư chứng khoán, nhận tiền từ tháng ba năm 2022, cũng là thời điểm chứng khoán giảm cực mạnh. Tới tầm tháng 11-12 năm 2022, từ 2,3 tỷ đồng trong tài khoản, anh còn lại chưa tới 500 triệu đồng. Tôi khuyên anh dừng chơi vì mình chưa đủ cái nhìn, chưa đủ kiến thức; khi trước làn sóng chứng khoán tăng, ai đầu tư cũng được tiền thì không thể nhận định rằng mình giỏi được. Anh vẫn tiếc tiền đã bỏ ra, tiếp tục đầu tư với phần tiền còn lại. Nếu tôi là anh cũng chưa chắc sẽ chấm dứt được, nên tôi không trách anh khi tiếp tục chơi. Tới nay, tài khoản anh còn chưa tới 200 triệu đồng. Tôi giận anh về việc vay tiền rất nhiều nhưng không dám nói nặng lời hay mạt sát, to tiếng. Suy cho cùng, anh chỉ muốn kiếm thêm cho chúng tôi, chỉ là sai hình thức. Anh cũng rất bối rối, tiếc của và buồn. Vì khoản nợ này, trong lòng tôi thật sự mệt mỏi và mất động lực.

Về cuộc sống với gia đình chồng sau hôn nhân, tôi cảm nhận được gia đình chồng thương yêu mình. Khi tôi sinh rồi ở cữ, mẹ chồng chăm sóc rất chu đáo. Lúc tôi đi làm, mẹ chồng chăm cháu hộ rất tốt. Hiện tại tôi vừa sinh con hai tháng, vẫn ở cữ và không làm việc nhà, vẫn được mẹ lo chu toàn, tôi rất biết ơn mẹ về điều này. Mẹ chồng là người siêng năng, nói nhiều và hơi khó tính (chồng tôi cũng nhận xét như vậy). Thường cuối tuần chúng tôi đi cà phê, đi du lịch, mẹ thường không hài lòng, có khi đi chơi về chào mẹ mà mẹ cũng không nói gì. Khi chúng tôi đi đâu đó như gặp bạn bè, ăn trưa hoặc ăn tối mà mang theo con, mẹ sẽ bảo để ở nhà kẻo bé hay bệnh. Khi chúng tôi để con ở nhà, mẹ bảo đi đâu mang theo con vì mẹ cũng có công chuyện riêng.

Sống chung thì không tránh khỏi những việc không hài lòng nhỏ nhặt trong cuộc sống như vậy, nhưng nếu lâu dài không biết tôi có thể chịu đựng nổi không. Tôi mong muốn hai vợ chồng sẽ ra riêng, cuối tuần về chơi với bố mẹ thì tốt hơn. Hơn nữa, bố mẹ hiện tại còn trẻ, chưa cần chúng tôi phải chăm sóc. Sau này bố mẹ già, chúng tôi lại về ở cùng cũng không muộn. Tuy nhiên, với nợ nần hiện tại, tôi không biết khi nào mới có thể thực hiện ước mơ này.

Về chi tiêu hiện tại, có độc giả bình luận là quá nhiều, tôi xin kể chi tiết như sau: Tổng lương 52 triệu đồng, mỗi tháng chúng tôi đưa mẹ 15 triệu đồng để trả nợ ngân hàng bảy triệu đồng và tám triệu đồng phụ ăn uống, ba triệu đồng điện nước các loại, 17 triệu đồng trả nợ khoản một tỷ đồng chồng vay, năm triệu tiền học và sữa cho bé lớn, bé nhỏ chưa tốn tiền (tiêm phòng tôi lấy từ tiền thai sản), vợ chồng chi tiêu hàng tháng bốn triệu đồng. Tổng chi tầm 44 triệu đồng, chưa tính phát sinh. Mỗi tháng thừa ra khoảng tám triệu đồng, chưa kể thưởng của chồng và tôi (thưởng của tôi không nhiều, chỉ có thưởng Tết).

Tôi suy nghĩ rất nhiều về những chuyện "lỡ như", "giá như". Mỗi khi hai đứa hạnh phúc, tôi thường cố gắng thoát ra suy nghĩ ấy. Rồi cứ lúc bạn bè hỏi thăm, hoặc hai đứa cãi nhau, tôi lại quay về với nỗi bất an cũ. Tôi không biết nỗi băn khoăn của mình liệu có đúng, hay tôi quá ích kỷ và thiển cận, không tin tưởng gia đình chồng? Tôi có nên đặt niềm tin về tương lai tốt đẹp không? Rất mong quý độc giả có cái nhìn đa chiều, nhận xét giúp tôi về hoàn cảnh hiện tại. Tôi không biết tâm sự với ai về chuyện của mình, may nhờ chuyên mục Tâm sự này để giải tỏa nỗi lòng. Chân thành cảm ơn.

Hà Thu

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top