Tôi sẽ tiếc nuối nhiều về công việc và cuộc sống ở đây nhưng dù sao gia đình vẫn là quan trọng nhất.

Tôi là tác giả bài viết "Chồng không chịu về nước đoàn tụ gia đình". Mấy ngày qua, tôi đã đọc kỹ ý kiến của các bạn. Xin cảm ơn các bạn đã chân thành góp ý. Tôi xin chia sẻ thêm vài chi tiết chưa đề cập trong bài viết trước cũng như cập nhật thêm một số cuộc trò chuyện với gia đình.

Có bạn hỏi tại sao lúc chồng đi làm tiến sĩ, tôi không đưa con đi theo chồng luôn. Thực ra, phương án này chúng tôi cũng từng nghĩ tới, nhưng thời điểm đó công việc của chồng ở nước ngoài chưa chắc chắn, đem theo vợ con khá bất tiện, trong khi tôi lại đang có việc làm tốt, lương cao, nếu đi chưa chắc tôi đã tìm lại được công việc như vậy. Một điều quan trọng nữa là khi ấy chúng tôi đang mua nhà có vay ngân hàng và tài khoản lương của tôi được dùng để chứng minh thu nhập và trả nợ. Nếu đi theo chồng, chúng tôi sẽ bị dở dang nhiều kế hoạch.

Còn lần sau này, khi chồng chính thức làm việc ở nước ngoài, hai con tôi đã thi đỗ vào trường tốt và các cháu rất hào hứng, nếu thay đổi môi trường sẽ xáo trộn việc học hành, tôi cũng không muốn từ bỏ công việc của mình. Hơn nữa vợ chồng đã bàn nhau sau một thời gian, chồng sẽ về lại Việt Nam như đã đề cập ở bài trước. Đất nước mà chồng tôi đang làm việc là một nước Tây Âu có nền kinh tế và giáo dục phát triển nhưng không dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Tôi làm việc lâu năm cho công ty nước ngoài, tiếng Anh tốt nhưng để qua đó, tôi phải bắt đầu lại từ những việc nhỏ nhất trong khi tuổi không còn trẻ nữa, và tôi biết chắc mình không thể tìm được công việc như bây giờ. Chồng tôi thì khác, đó là đất nước anh đã học tập, nghiên cứu và làm việc nhiều năm, thạo tiếng không thua kém người bản địa là mấy và anh có việc làm tốt ở đó.

Về phần các con, mấy năm gần đây, các con tôi rất ngang bướng, mẹ nói một câu là cãi một câu, nhưng nhìn chung các con vẫn có ý thức học tập chứ không chơi bời lêu lổng. Các con muốn học hết cấp ba tại Việt Nam, sau đó sẽ du học ở một nước nói tiếng Anh chứ không qua với bố, vì phải làm quen với ngôn ngữ khác lại mất một năm gap year. Hiện tại học lớp chín, các con có IELTS 6.5 và 7.0, dự kiến cuối cấp ba sẽ nâng điểm này lên và thi SAT. Môi trường học của con đang tốt, các bạn trong lớp cũng thường chia sẻ với nhau về việc săn học bổng du học. Vợ chồng tôi đều nói với con phương án qua chỗ bố học cấp ba nhưng các con không muốn. Sau khi tôi phân tích, con trai có vẻ hơi xuôi xuôi dù vẫn không thích, còn con gái thì phản đối thẳng thừng.

Đọc ý kiến của các bạn, phải đến khoảng 90% khuyên tôi sang đoàn tụ với chồng, đó là điều khiến tôi phải cân nhắc. Tôi cũng hiểu sự nghiệp là điều rất quan trọng đối với một người đàn ông. Chồng tôi lớn tuổi mới tìm được môi trường và công việc ưng ý, anh không muốn về là điều dễ hiểu. Tuy nhiên cũng vì trước đây kế hoạch của hai vợ chồng là sống ở Việt Nam nên tôi không có ý định sang đó ở hẳn trừ những chuyến đi chơi.

Trưa hôm nay, tôi cho các con về ăn cơm với ông bà nội. Khi các con lên lầu xem phim, tôi ngồi nói chuyện và có hỏi ý kiến bố mẹ chồng. Mẹ chồng im lặng, còn bố chồng bảo: "Chuyện này bố mẹ đã suy nghĩ nhưng ngại nói với con, sợ con cho rằng bố mẹ chỉ biết nghĩ cho con trai. Bố nói thế này là thật lòng, còn con quyết định thế nào là tùy con. Vợ chồng con ai cũng được ăn học đàng hoàng và có công việc tốt, mỗi người đều có nhu cầu phát triển sự nghiệp, đó là điều chính đáng. Bố không thể nói con phải bỏ việc để theo chồng. Tuy nhiên trong tình cảnh hiện nay, nếu con có thể đem các cháu sang đoàn tụ với chồng thì rất tốt.

Chồng con có nói với bố mẹ là muốn vợ con sang đó, trong trường hợp con ép buộc kiểu như không về thì ly hôn, chồng con sẽ về vì nó vẫn xem trọng gia đình hơn, tuy nhiên rõ ràng là không thể vui được. Còn nếu con và các cháu có thể qua đó, con cũng đừng nghĩ là mình phải hy sinh làm gì cho nặng nề, cứ xem như mình nghỉ hưu sớm thôi, rồi xem cái gì thời trẻ mình mơ ước mà chưa làm được vì vướng bận gia đình thì làm, vui vẻ với chồng con, thế nhẹ nhàng hơn con ạ". Tôi thấy bố mẹ chồng tôi nói có lý. Tôi nói chuyện với mẹ ruột, mẹ cũng bảo "Tùy con, nhưng con cũng có hơn 20 năm sự nghiệp rồi, chồng con còn muốn làm việc nhiều thì ba mẹ con sang đó vẫn hay hơn". Tôi nghe ý mẹ cũng giống bố mẹ chồng tôi.

Minh họa: AI

Minh họa: AI

Buổi chiều nay, tôi nói chuyện rất lâu với chồng. Anh bảo ba mẹ con sang được thì tốt, anh rất vui. Anh đã để ý trường tốt cho các con, chỉ là lần trước nói chuyện các con bảo không thích sang nên anh mới bảo tôi chịu khó chờ đến khi con vào đại học. Tôi hỏi liệu anh ở bên đó nhắm thấy khả năng tôi sang có tìm được việc gì không, anh hỏi lại tôi còn muốn đi làm tiếp vì mục đích gì. Rồi anh nói rằng: "Nếu em đi làm để kiếm tiền thì không cần thiết, vì thu nhập của anh đủ tốt cho cả gia đình. Ngoài ra khi em sang đây, còn có thêm một căn nhà cho thuê để đổi căn hộ lớn hơn bên này, cả nhà quy về một mối sẽ kinh tế hơn. Điều đó chắc em thừa biết rồi.

Nếu đi làm để không bị mang tiếng phụ thuộc chồng thì lại càng không cần thiết, vì em đã không phụ thuộc suốt bao nhiêu năm qua và cũng nhờ em rất nhiều mà chúng ta có được cơ ngơi như bây giờ. Còn nếu đi làm để phát triển sự nghiệp, em phải hiểu rằng sẽ chẳng có sự nghiệp gì cho em cả. Em phải chấp nhận một thực tế là sang đây rất khó có việc làm, vì em không biết tiếng lại lớn tuổi, khó cạnh tranh với người bản địa và giới trẻ.

Giả sử em may mắn tìm được việc đi nữa, chắc chắn không thể tốt như công việc em đang làm. Ở Việt Nam, em được làm quản lý, công việc yêu thích, công ty lớn, sang đây sẽ không được như thế và em sẽ có tâm lý chán nản, so sánh với công việc cũ, cho nên cái gọi là niềm vui cũng không có luôn. Anh không muốn lúc nào em cũng có tâm trạng nặng nề là vì anh mà em phải hy sinh sự nghiệp. Nếu em sang đây thì phải suy nghĩ thông suốt chuyện này".

Rồi anh khuyên tôi là nếu xác định đoàn tụ gia đình là mục tiêu chính thì nghĩ thoáng ra, đừng nặng nề công việc nữa, thay vì chục năm nữa nghỉ hưu thì mình nghỉ hưu sớm, tận hưởng cuộc sống. Anh nói nếu tôi thích có môi trường giao lưu, hãy tham gia lớp học một môn nghệ thuật nào đó, ví dụ chơi một loại nhạc cụ hay vẽ tranh. Rồi đến kỳ nghỉ, cả nhà đi du lịch. Anh còn nói đùa rằng sang đó tôi có muốn về Việt Nam thì mỗi năm về chơi mấy tháng cũng được, để con ở lại đây "canh" bố.

Tâm sự rất nhiều, cuối cùng anh chốt lại phương án: mùa hè này, sau khi các con thi vào lớp 10 (tháng sáu), mẹ con tôi lại qua anh chơi như hàng năm, nhưng thay vì chỉ ở hai tuần theo số ngày phép của tôi như những lần trước, lần này tôi có thể về trước nếu không nghỉ thêm được và để hai con ở lại với anh thêm hai tháng. Anh sẽ đăng ký cho các con tham gia một trại hè khoa học cho học sinh trung học và cho theo khóa học tiếng ngắn hạn. Anh bảo bây giờ các con ở Việt Nam quen thì có tâm lý ngại như vậy, chứ sang đó anh cho giao lưu và tham quan trường học, có khi các con nghĩ lại chưa biết chừng. Với lại học tiếng trong môi trường bản xứ và bố kèm thêm buổi tối, các con lại đã có nền tảng tiếng Anh thì học thêm ngoại ngữ khác không quá khó như các con nghĩ.

Nếu sau hai tháng, các con chịu ở lại, cả nhà sẽ tính phương án ở bên này hết, tôi thu xếp chuyện nhà cửa và công việc ổn thì qua, còn anh lo chuyện thủ tục giấy tờ và đổi căn hộ rộng hơn cho cả nhà sinh sống. Trường hợp các con khăng khăng đòi về, tôi chịu khó thêm mấy năm cho con vào đại học. Tuy nhiên anh cũng nói thêm là tôi phải làm công tác tư tưởng với con, vì con cái đang tuổi phụ thuộc bố mẹ cũng phải có ý thức thích nghi với hoàn cảnh gia đình chứ không phải chỉ biết ý mình và không quan tâm gì đến cảm xúc của bố mẹ. Anh nói là chuyện gap year một năm chẳng có vấn đề gì, bên này đầy đứa cũng gap year để tham gia các lớp học kỹ năng và có sự chuẩn bị tốt hơn khi chuyển cấp, chả sao cả.

Có lẽ theo phương án của anh là tốt nhất rồi nhỉ? Tôi sẽ tiếc nuối nhiều về công việc và cuộc sống ở đây nhưng dù sao gia đình vẫn là quan trọng nhất. Tôi cũng không làm được cái việc là ép anh phải về bằng mọi giá, dù anh sẽ về như đã nói với bố mẹ nhưng trong lòng không vui thì vợ chồng cũng khó hạnh phúc. Thôi thì coi như tôi nghỉ hưu sớm và thuyết phục con qua với anh, khi nào anh nghỉ hưu thì vợ chồng lại về Việt Nam. Tôi cảm ơn các bạn đã góp ý. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe.

Thu Vân

Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top